Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư

Một phần của tài liệu Tình Hình Thu Hút Và Hiệu Quả Sử Dụng Vốn Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài Trên Địa Bàn Tỉnh Nghệ An (Trang 74 - 75)

c. Các chỉ tiêu liên quan đến giá trị xuất khẩu

3.3.1.Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư

Tới thời điểm hiện tại, hoạt động xúc tiến đầu tư tại Nghệ An vẫn chưa đạt được công suất lý tưởng, dẫn đến kết quả thu hút FDI yếu kém cả về số lượng lẫn chất lượng. Đẩy nhanh nhịp độ hay nâng cao công suất của cả một quy trình không phải là một nhiệm vụ giản, song hoàn toàn khả thi nếu các chính sách đúng đắn được triển khai một cách quyết liệt, có lộ trình cụ thể, được theo dõi sát sao và điều chỉnh hợp lý. Vì vậy, Nghệ An cần nhanh chóng thực hiện các nhóm giải pháp cơ bản, trong đó cần lưu ý một số điểm sau:

Xây dựng chiến lược kêu gọi đầu tư FDI một cách toàn diện, bài bản, ổn định. Địa phương cần nghiên cứu và có chính sách vận động thu hút các dự án FDI phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, cũng như phù hợp với đường lối đối ngoại của Nhà nước và Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị. Các dự án này phải phát huy được tiềm năng và lợi thế của tỉnh, tạo ra nhiều việc làm cho người dân, tiết kiệm đất đai và tài nguyên, đảm bảo phát triển bền vững. Những dự án FDI tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc mang hàm lượng công nghệ cao cũng nên được xếp vào danh mục các đối tượng được hưởng khuyến khích và ưu đãi.

Tập trung huy động, khai thác tốt các nguồn lực về tài chính. Xúc tiến đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, là một hoạt động cần được hỗ trợ nhiều về mặt kinh phí. Khoản kinh phí này thường được trích từ nguồn ngân sách địa phương để duy trì và phát triển. Trong thời gian sắp tới, đi cùng với sự phát triển của công tác xúc tiến đầu tư, áp lực về kinh phí sẽ ngày càng gia tăng, do đó nguồn cung tài chính cần được đa dạng hóa và việc sử dụng kinh phí cần được thực hiện chặt chẽ và khoa học. Nghệ An cần tăng cường hợp tác, kêu gọi tài trợ từ phía các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; xây dựng các quỹ đầu tư phát triển với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế; thực hiện công tác kế toán, kiểm toán nghiêm túc và thường xuyên nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn kinh phí kể trên.

Tổ chức chuyện nghiệp hoạt động của các cơ quan xúc tiến đầu tư. Địa phương cần hướng đến hoàn thiện cơ chế một đầu mối trong toàn bộ quá trình nhà

đầu tư nước ngoài thực hiện khảo sát, tìm hiểu, đăng ký và thực hiện dự án đầu tư. Các cơ quan xúc tiến đầu tư phải đảm bảo khả năng hướng dẫn và hỗ trợ nhà đầu tư tự lập thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, hỗ trợ tối đa, giải quyết nhanh chóng vướng mắc, khó khăn mà nhà đầu tư gặp phải. Bên cạnh đó, các hoạt động nhằm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư cũng cần được thực hiện thường xuyên.

Coi trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ. Xúc tiến đầu tư tại chỗ là một kênh quảng bá rất hữu ích; các nhà đầu tư đã thành công được coi là cầu nối quan trọng trong việc giới thiệu về môi trường đầu tư cũng như truyền đạt kinh nghiệm đầu tư cho các nhà đầu tư khác. Thiện cảm dành cho địa phương của các nhà đầu tư có thâm niên hoạt động trên địa bàn sẽ giúp các nhà đầu tư mới tự tin và an tâm hơn khi gia nhập vào thị trường. Trên cơ sở đó, tỉnh Nghệ An cần tăng cường hỗ trợ các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư để các dự án này triển khai hoạt động một cách thuận lợi; duy trì các kênh đối thoại với các nhà đầu tư thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp mặt, giao lưu nhằm tăng cường hiểu biết và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp bền vững giữa hai bên.

Một phần của tài liệu Tình Hình Thu Hút Và Hiệu Quả Sử Dụng Vốn Đầu Tư Trực Tiếp Nước Ngoài Trên Địa Bàn Tỉnh Nghệ An (Trang 74 - 75)