Trần Hoàng Ngân TP Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu BienBan17-6S (Trang 25 - 27)

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi biểu hiện sự đồng tình với nội dung Báo cáo của Ủy ban Kinh tế và đánh giá cao tinh thần làm việc của Ban soạn thảo. Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) lần này bao gồm 10 chương và 220 điều, tăng 48 điều, bổ sung 58 điều mới, sửa đổi 99 điều, có nhiều nội dung tiến bộ hơn, hội nhập sâu hơn với thế giới, đặc biệt có những cải cách mạnh về thủ tục hành chính, nhất là khâu đăng ký doanh nghiệp, nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký doanh nghiệp với thủ tục đăng ký thuế, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội tại các Điều 21, 28, 30, 34 v.v...

Đây là bước đột phá mới góp phần hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho việc thành lập và kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế theo đúng tinh thần Điều 31 của Hiến pháp. Do đó, luật cần cụ thể hóa danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh và ngành nghề kinh doanh có điều kiện kèm theo dự thảo luật sửa đổi lần này là cần thiết.

Thứ hai, về hậu kiểm. Qua số liệu của Tổng cục thống kê công bố năm 2005, chúng ta có gần 200.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, đến năm 2013 có trên 621.000 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập, tức là tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Mỗi năm có trên 53.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập. Tuy nhiên, trong số 621.000 doanh nghiệp thì chỉ có 356.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tức là 57%, còn trên 264.800 doanh nghiệp đang ra sao, như thế nào, một số ngừng hoạt động, đang chờ giải thể, đang chờ phá sản, đang chờ cơ hội hoặc đang hoạt động mà nhà nước không quản lý được. Vì vậy, bên cạnh tạo thuận lợi cho doanh nhân dễ dàng thành lập doanh nghiệp, thậm chí Chính phủ có thể thành lập các trung tâm, các tổ chuyên viên để hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp và thực hiện các hồ sơ thành lập cho doanh nghiệp một cách miễn phí.

Cần tăng cường khâu kiểm tra tính xác thực của hồ sơ đăng ký, địa chỉ đăng ký kinh doanh, tính chất thể nhân của người đăng ký thành lập doanh nghiệp, luật

cần có những điều khoản quy định khâu hậu kiểm, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan. Điều lưu ý hậu kiểm không chỉ có mục tiêu là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xử lý vi phạm, kiểm soát tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp mà còn phân tích, đánh giá để điều chỉnh chính sách, điều chỉnh luật pháp và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, duy trì sản xuất, kinh doanh và phát triển vững mạnh.

Chính phủ cần kết hợp với những quy định cụ thể để Luật cạnh tranh đi vào cuộc sống mà Quốc hội đã thông qua năm 2004 để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay trên 96% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời như tăng vốn điều lệ cho quỹ bảo lãnh tín dụng để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, sớm đưa quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào hoạt động theo tinh thần Quyết định 601 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 17/4/2013.

Ý kiến thứ ba, về doanh nghiệp nhà nước. Trong thời gian qua, hiện nay và trong tương lai, doanh nghiệp khu vực nhà nước vẫn giữ vai trò rất quan trọng, có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp 32% cho GDP và trên 30% cho ngân sách nhà nước, giải quyết 1,6 triệu lao động việc làm. Tuy nhiên việc dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) đưa doanh nghiệp nhà nước thành một chương riêng, Chương IV, theo tôi chưa hợp lý về kết cấu và bản chất của Luật doanh nghiệp.

Theo Khoản 20, Điều 4, về giải thích từ ngữ có ghi: doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước đại diện sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc giữ quyền chi phối trong các trường hợp quy định tại Khoản 17 điều này. Như vậy, doanh nghiệp nhà nước có thể được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Do đó dự thảo đưa doanh nghiệp nhà nước thành một chương tiếp theo sau công ty trách nhiệm hữu hạn và trước Chương V, công ty cổ phần là không hợp lý về kết cấu. Vả lại Luật doanh nghiệp là luật chung về thành lập tổ chức doanh nghiệp và hoạt động doanh nghiệp, không phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Cụ thể trong các điều 21, 22, 23, 24, 25, về trình tự đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp cá thể, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần không có hướng dẫn thành lập doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, tôi đề nghị không nên tách doanh nghiệp thành một chương riêng trong Luật doanh nghiệp (sửa đổi) lần này. Riêng tính chất đặc thù của doanh nghiệp có vốn nhà nước thì quy định cụ thể trong Luật quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp mà chúng ta đang thảo luận và lồng ghép, chuyển hóa vào Chương III, Chương V của luật này

Cụ thể, nếu vốn nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thì lồng ghép vào chương 3 công ty trách nhiệm hữu hạn. Ví dụ, Điều 91, chương 4, hội đồng thành viên thì lồng ghép vào Điều 80, chương 3. Điều 93, chương 4,về tiêu chuẩn và điều kiện đối với thành viên hội đồng thành viên thì đưa về Luật quản lí vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã được cụ thể trong Điều 37, 47, 48 hoặc quy định dưới hình thức văn bản dưới luật. Điều 103 chương 4 thì lồng ghép vào Điều 83 chương 3

nội dung liên quan đến ban kiểm soát. Nếu là doanh nghiệp có vốn nhà nước thì ban kiểm soát tăng lên từ 3 đến 5 thành viên. Đối với doanh nghiệp mà vốn nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ thì đưa vào chương 5 công ty cổ phần. Thực tế, dự thảo luật cũng đã lồng ghép ở một số điều tại Điều155, 156, 168. Nhân đây tôi đề nghị Ban soạn thảo xem thống nhất giữa Điều 4 với Điều 155, 157, 168. Xin hết, xin cám ơn Quốc hội.

Một phần của tài liệu BienBan17-6S (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(54 trang)
w