Nguyễn Thị Huệ Đắc Lắk

Một phần của tài liệu BienBan17-6S (Trang 30 - 33)

Kính thưa Quốc hội,

Tôi tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật doanh nghiệp, vì nhận thấy tại thời điểm hiện nay các động lực phát triển

kinh tế của nước ta đang gặp nhiều trở ngại từ tác động bên ngoài và từ nội lực của nền kinh tế. Vì sửa đổi Luật doanh nghiệp lần này là một trong những giải pháp thể chế kinh tế rất quan trọng, luật hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, nhằm tháo gỡ các nút thắt của quá trình tăng trưởng kinh tế sẽ tác động tích cực đến việc thúc đẩy tình hình sản xuất, kinh doanh trong toàn bộ nền kinh tế, tạo tiền đề cho nền kinh tế phát triển ổn định, vững chắc và bền vững hơn trong thời gian tới.

Mục tiêu của Luật doanh nghiệp năm 2005 khi được ban hành là xây dựng khung pháp lý chung cho các doanh nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế, không phân biệt sở hữu và bảo đảm quyền tự do, bình đẳng của mọi công dân trong sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế thực thi Luật doanh nghiệp trong 8 năm qua cho thấy mục tiêu này của Luật doanh nghiệp chưa đạt được, mà nguyên nhân trước hết do các quy định của Luật doanh nghiệp chưa hoàn thiện, còn khiếm khuyết cần phải sửa đổi cho đúng mục tiêu của Luật doanh nghiệp. Xin nêu một số nội dung cần sửa đổi của dự án luật như sau:

Thứ nhất về phạm vi điều chỉnh, cần xác định phạm vi của Luật doanh nghiệp nhằm điều chỉnh các hoạt động gia nhập thị trường, các hoạt động trong quá trình kinh doanh và rút khỏi thị trường. Với mục tiêu như vậy, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật doanh nghiệp bao quát cả các hoạt động đầu tư đang được quy định ở Luật đầu tư, vì đầu tư là một trong các hoạt động của quá trình kinh doanh. Việc các quy định hiện hành của Luật đầu tư không thống nhất với Luật doanh nghiệp đã tạo ra nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau trong quá trình thực thi, gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Ví dụ khái niệm doanh nghiệp Việt Nam và khái niệm nhà đầu tư nước ngoài, lĩnh vực cấm đầu tư và lĩnh vực cấm kinh doanh, thủ tục thành lập doanh nghiệp và thủ tục đầu tư v.v.... Hơn nữa, các hoạt động đầu tư từ vốn nhà nước đã được tách ra, điều chỉnh trong dự án Luật đầu tư công. Các hoạt động đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước của doanh nghiệp đã được điều chỉnh riêng trong dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh đang được thảo luận trong kỳ họp này. Do đó, cần xây dựng một đạo Luật doanh nghiệp thống nhất điều chỉnh toàn bộ các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, về tính nhất quán với các luật và cam kết quốc tế, Luật doanh nghiệp cần sửa đổi theo hướng xóa bỏ hoàn toàn sự phân biệt về thủ tục đầu tư và kinh doanh giữa các thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân, nhằm tuân thủ nguyên tắc bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và phù hợp với lộ trình cam kết WTO và các cam kết PPP trong thời gian tới. Đồng thời, để bảo đảm đồng bộ với các chính sách đầu tư, phát triển kinh tế ở các ngành, lĩnh vực, Luật doanh nghiệp cần quy định rõ nguyên tắc áp dụng các điều kiện khuyến khích hoặc hạn chế kinh doanh theo quy định của pháp luật. Nhưng nên tách bạch thủ tục thành lập doanh nghiệp với các thủ tục về điều kiện kinh doanh. Hiện nay một số đạo luật đang thực hiện đồng thời thủ tục thành lập doanh nghiệp với thủ tục cấp phép đủ điều kiện kinh doanh, ví dụ Luật kiểm toán độc lập, Luật chứng khoán, Luật luật sư là

chưa phù hợp với cách thức điều chỉnh của Luật doanh nghiệp về thủ tục gia nhập thị trường theo hướng đăng ký kinh doanh để thành lập doanh nghiệp, còn điều kiện kinh doanh quy định ở các văn bản pháp luật khác.

Thứ ba, về đối tượng áp dụng, đề nghị xem xét về các đối tượng doanh nghiệp cho hợp lý, phù hợp với tinh thần của Luật doanh nghiệp. Cụ thể về hộ kinh doanh đề nghị nghiên cứu, làm rõ cơ sở pháp lý điều chỉnh về hộ kinh doanh. Hiện nay hàng triệu hộ kinh doanh đang hoạt động như các doanh nghiệp nhỏ, phải nộp thuế từ doanh thu nhưng không phải đăng ký kinh doanh. Đề nghị cân nhắc hai phương án điều chỉnh đối với hộ kinh doanh, nếu đăng ký kinh doanh thì phải nộp thuế và quy định trong Luật doanh nghiệp. Nếu không đăng ký kinh doanh thì phải nộp thuế từ doanh thu, chỉ đóng thuế thu nhập cá nhân.

Về doanh nghiệp nhà nước, việc quy định một chương về doanh nghiệp nhà nước như Tờ trình của Chính phủ là chưa thống nhất và phù hợp với kết cấu của Luật doanh nghiệp, đó là Luật doanh nghiệp quy định về các loại hình pháp lý của tổ chức kinh doanh không phân biệt thành phần kinh tế sở hữu trong đó có doanh nghiệp nhà nước. Do đó, cần phải nghiên cứu, thay đổi kết cấu đưa các quy định về doanh nghiệp nhà nước là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước và quy định chung về công ty trách nhiệm hữu hạn, vì đây cũng là một loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn. Các quy định đối với công ty cổ phần có từ 51% sở hữu nhà nước trở lên cũng cần được quy định trong chương về công ty cổ phần.

Về doanh nghiệp tư nhân, tôi không đồng tình với việc đổi tên doanh nghiệp tư nhân thành doanh nghiệp cá thể. Vì cho rằng khái niệm doanh nghiệp tư nhân đã được sử dụng ổn định trong thời gian dài, không gây ra hiểu lầm nên không cần thiết phải sửa đổi. Việc sửa đổi sẽ phát sinh nhiều hệ lụy phức tạp trong việc chuyển đổi tên của hàng trăm nghìn doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động. Trong các thủ tục kinh doanh thường xuyên của doanh nghiệp, bên cạnh đó cần phải nghiên cứu, bổ sung vào Luật doanh nghiệp các quy định nhằm hỗ trợ tối đa doanh nghiệp tư nhân, vì phần lớn các doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ, năng lực hạn chế, và yếu thế trong các quan hệ kinh tế so với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Về doanh nghiệp công ích, dự thảo luật chưa có khái niệm doanh nghiệp công ích và các quy định đầy đủ điều chỉnh loại hình doanh nghiệp này. Cần thiết kế đồng bộ, đầy đủ về cơ chế hoạt động đối với doanh nghiệp công ích để nâng cao hiệu quả chất lượng dịch vụ công ích phục vụ cộng đồng. Luật cần phải quy định theo hướng thu hẹp tối đa phạm vi các doanh nghiệp công ích do nhà nước nắm giữ. Cần xã hội hóa mạnh hơn nữa lĩnh vực này, mở của thị trường dịch vụ công ích cho các thành phần kinh tế khác tham gia. Vì hiện nay các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Dự thảo luật cần quy định rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp này.

Về doanh nghiệp xã hội, dự thảo luật quy định doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp có ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm sử dụng để tái đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. Môi trường đã đăng ký là chưa khả thi, vì thực tế rất khó

kiểm soát hoạt động tái đầu tư của doanh nghiệp có đúng mục đích không và cũng khó xác định cụ thể các vấn đề xã hội, môi trường là vấn đề gì. Cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật các quy định cụ thể để bảo đảm tính khả thi theo hướng khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hoạt động xã hội nhưng cũng ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách này để trốn thuế.

Thứ tư, về ngành nghề cấm kinh doanh có điều kiện. Đây là vấn đề rất thiết yếu đối với doanh nghiệp nhưng Luật doanh nghiệp hiện mới chỉ quy định về nguyên tắc mà chưa có cơ chế áp dụng thống nhất về vấn đề này. Tôi tán thành với đề nghị của Chính phủ cần thể chế hóa nguyên tắc tự do kinh doanh theo quy định tại Điều 14 và Điều 33 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng giảm thiểu rủi ro kinh doanh cho doanh nghiệp. Để minh bạch hóa nội dung này cần phải xác định rõ ràng và công bố công khai danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Tôi xin hết ý kiến.

Một phần của tài liệu BienBan17-6S (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(54 trang)
w