Kính thưa Chủ tọa, Kính thưa Quốc hội.
Tôi có một số ý kiến thì các đại biểu cũng đã thảo luận, nhưng có một vài điểm tôi thấy cần bổ sung và thảo luận thêm.
Thứ nhất, nãy giờ các đại biểu nói nhiều về Điều 7, Điều 8, tôi xin nhấn mạnh đề nghị luật phải kèm theo danh mục, đó là điều bắt buộc, quyền tự do kinh doanh là quyền con người được hiến định, danh mục này phải được ban hành kèm với luật này.
Thứ hai, định kỳ Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung thì trình danh mục điều chỉnh bổ sung này ra Quốc hội và chúng ta làm việc điều chỉnh ấy, nhưng chỉ điều chỉnh danh mục, như thế mới bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. Tránh việc thường xuyên điều chỉnh các ngành nghề cấm và các điều kiện kinh doanh vì một nền kinh tế thường xuyên điều chỉnh những ngành nghề cấm và điều kiện kinh doanh thì sẽ gây xáo trộn, bất ổn cho môi trường kinh doanh và hạn chế việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Điều 8 quy định các quyền, trong thực tiễn các doanh nghiệp áp dụng vướng rất nhiều về việc này, tức là những liệt kê này không đủ nên mới có Khỏan 12 là các quyền khác, nhưng các quyền khác là quyền gì thì không rõ, hiện nay các doanh nghiệp đang làm một số việc như góp vốn mua cổ phần, mua trái phiếu, cho vay và bảo lãnh, có khi vốn dư người ta có thể tạm thời cho vay hay doanh nghiệp mẹ bảo lãnh doanh nghiệp con, doanh nghiệp con bảo lãnh doanh nghiệp mẹ, doanh nghiệp A bảo lãnh doanh nghiệp B, những cái đó có thể dễ dàng bị quy kinh doanh trái phép v.v... trong khi thực tế nó là hoạt động kinh doanh rất bình thường trong nền kinh tế thị trường. Mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê đất đai, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, tôi mua rất nhiều nhà xưởng nhưng 5 năm tới tôi chưa có thể đầu tư, tôi có thể cho phép thuê hay thế nào đó thì những quyền này phải được minh thị không rất dễ bị quy là kinh doanh trái phép hoặc cố ý làm trái.
Điều 11, doanh nghiệp xã hội. Quan điểm của tôi doanh nghiệp xã hội là một loại hình khác với những doanh nghiệp khác, nhưng chúng ta quy định không rõ.
Thứ nhất về tiêu chí, chúng ta quy định tôn chỉ mục tiêu nhằm giải quyết một và một số vấn đề xã hội, môi trường, tiêu chí này rất mơ hồ và dễ bị lợi dụng. Ví dụ chế biến rác và chất thải có thể trở thành tỷ phú ở trên thế giới, kinh doanh nghĩa trang có thể rất có lời nhưng áp vào đây có thể giải quyết vấn đề xã hội và môi trường. Do đó, tôi đề nghị tiêu chí như thế này:
Các doanh nghiệp xã hội nhằm phục vụ lợi ích xã hội, lợi ích công cộng. Mang tính chất bất vụ lợi, bất vụ lợi không có nghĩa là không có lợi nhuận nhưng lợi nhuận này không chia, chính vì không chia để lại duy trì phát triển doanh nghiệp cho được ưu đãi. Loại hình này không xa lạ gì ở các nước chỉ có mới đối với Việt Nam. Tiêu chí 51% lợi nhuận không chia là tiêu chí không phù hợp và hết sức dễ bị lợi dụng.
Điều 15, đại diện theo pháp luật. Khi chúng tôi làm việc với các tư vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài, khi nói đến chuyện người đại diện theo pháp luật một người, các nước rất ngạc nhiên vì người ta không có điều này. Do đó, chuyện đề ra đại diện theo pháp luật có thể một hoặc nhiều người là đúng nhưng chúng ta phải quy định chặt chẽ. Ở nhiều nước chỉ cần nếu có hai thành viên hội đồng quản trị, có nơi quy định thêm, ví dụ như Singapo và một người thư ký ký vào một bản hợp đồng hay ký vào một văn bản thì đủ để đại diện cho doanh nghiệp. Như vậy, Hội đồng quản trị có thể có 7 người, mấy người đi công tác, đi nước này nước kia chỉ cần hai người thêm một người thư ký ký và người ta chính thức đại diện cho doanh nghiệp đó. Còn nếu muốn phân biệt có những thương vụ mà phải có toàn bộ hội đồng quản trị mới được quyền thông qua thì người ta quy định trong điều lệ. Còn không người ta đảm bảo sự linh hoạt, chúng ta cứ đòi một người. Trong quan hệ kinh doanh quốc tế luôn luôn bị vướng và có những doanh nghiệp theo điều lệ người ta hai hội đồng quản trị và một thư ký, người ta ký qua đây tòa án mình không công nhận bảo phải có người đại diện của pháp luật, người ta là hai hội đồng quản trị và một thư ký chính là người đại diện cho pháp luật. Tôi đề nghị chúng ta làm rõ thêm chỗ này và cần phải cập nhật với thông lệ của quốc tế.
Về doanh nghiệp nhà nước, tôi cho rằng vấn đề quy định cái gì và quy định như thế nào, tiêu chí của chúng ta là Hiến pháp trong đó quy định kinh tế nhà nước là chủ đạo và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Phải làm rõ doanh nghiệp nhà nước phải chấp hành luật này, không được phân biệt, đối xử, không được vi phạm các cam kết quốc tế. Theo tôi quy định những quy định cho doanh nghiệp nhà nước trong cùng một luật cũng có cái lợi là nâng cao tính minh bạch, thuận tiện cho việc áp dụng tra cứu, thuận tiện cho việc giải quyết tranh chấp và thuận tiện cho các doanh nghiệp nước ngoài chỉ cần cầm một cuốn luật, họ có tất cả các loại hình doanh nghiệp ở đây. Vấn đề là nếu như chúng ta không đồng ý quy định chương riêng thì cũng phải có những điều khoản thể hiện rõ Luật doanh nghiệp này là luật chung cho các loại hình doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước là một trong các loại hình doanh nghiệp, do đó phải chấp hành luật chung này.
Thứ ba, doanh nghiệp nhà nước có một số quy định đặc thù. Tất nhiên có những quy định thì đưa vào các luật khác, nhưng cũng có những quy định đưa thẳng vào luật này cũng rất tốt, cũng rất thuận tiện. Nếu như không làm một chương riêng thì vẫn phải quy định chứ không thể tránh né, chia cắt các luật có khi chưa tốt, nếu có xung đột thì khó giải quyết.
Điểm cuối cùng, vừa qua các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt các luật sư đã đóng góp rất nhiều ý kiến, những ý kiến này xuất phát từ thực tiễn của cuộc sống. Trong 20 năm qua áp dụng Luật công ty và Luật doanh nghiệp của Việt Nam chúng tôi rất mong mỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan soạn thảo lưu ý nghiên cứu kỹ những ý kiến này để tránh việc khi ra đời thì có những điều còn bất cập hoặc bất hợp lý. Xin cảm ơn.