Kính thưa Quốc hội,
Trước hết, tôi có một nhận xét chung là dự thảo luật kỳ này có rất nhiều điểm mới, nhiều điểm tiến bộ so với luật năm 2005. Đặc biệt Chương II về thành lập doanh nghiệp và doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Tôi nghĩ rằng sẽ tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi, giảm bớt rất nhiều thủ tục cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên tôi thấy rằng còn có một số nội dung muốn trao đổi với Quốc hội và Ban soạn thảo luật, trong phạm vi điều kiện và thời gian tôi xin có 2 ý kiến.
Thứ nhất về quản trị doanh nghiệp tại Điều 138 về công ty cổ phần. Dự thảo luật có cho phép công ty cổ phần được lựa chọn mô hình quản trị đơn hội đồng hoặc đa hội đồng. Công ty được chọn mô hình quản trị đa hội đồng khi mà có 30% thành viên hội đồng quản trị không điều hành và có ban kiểm toán nội bộ trực thuộc hội đồng quản trị. Như vậy, trong trường hợp này, các thành viên không điều hành sẽ thực hiện giám sát và kiểm soát hoạt động quản lí và điều hành. Theo tôi, cách thức đặt vấn đề thế này chưa phù hợp với điều kiện, bối cảnh của kinh tế thị trường.
Đặc biệt khi thị trường tài chính phát triển, thị trường chứng khoán phát triển thì có những doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp lớn có hàng vạn, hàng trăm
ngàn nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, tức là nhà đầu tư thứ cấp. Chính vì vậy, một yêu cầu đặt ra là chúng ta cần phải có những chế định để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và phải hài hoà giữa lợi ích của các cổ đông lớn và các cổ đông nhỏ. Tránh tình trạng các cổ đông lớn tham gia hội đồng quản trị, điều phối, chi phối các hoạt động của công ty vì lợi ích nhóm riêng của mình, không đảm bảo lợi ích của các cổ đông nhỏ, dẫn đến tình trạng gây bất an cho xã hội. Chính vì vậy, mô hình những công ty lớn, chúng ta phải đặt ra trong mô hình công ty phải có ban kiểm soát, ban kiểm soát do đại hội cổ đông bầu ra, nhiệm vụ của ban kiểm soát này là phải giám sát cả hội đồng quản trị và tổng giám đốc, tức là các hoạt động điều hành. Chính vì vậy, tôi đề nghị đối với những công ty đại chúng, chúng ta bắt buộc trong luật quy định phải áp dụng mô hình quản trị đa hội đồng này.
Ý kiến thứ hai về nhóm công ty. Tôi thấy có một số ý, đó là hình thức công ty, trong dự thảo luật đề ra ba hình thức: Công ty mẹ, công ty con, tập đoàn kinh tế và các hình thức khác. Theo tôi trong luật mà ghi các hình thức khác thì không ổn lắm. Luật là phải rõ ràng, chúng ta chưa xác định được định dạng thì không nên ghi.
Thứ hai là theo khái niệm tập đoàn tại Điều 196 thì quy định tập đoàn kinh tế nêu rõ là tập đoàn không có tư cách pháp nhân, không phải đăng kí doanh nghiệp nhưng có điều lệ công ty. Trong khái niệm của tập đoàn kinh tế là có quy mô lớn, hoạt động theo cơ cấu công ty mẹ, công ty con, các thành viên là các công ty con và có cả các công ty liên kết và công ty liên kết có một phần vốn của công ty mẹ hoặc chỉ là mối quan hệ với công ty mẹ qua hợp đồng liên kết, điều này sẽ dẫn đến hai hệ lụy.
Thứ nhất, đơn giản nhất là các công ty liên kết trong trường hợp này lấy danh của tập đoàn trong quan hệ giao dịch thương mại, đầu tư tài chính trên thị trường là bất hợp lý, theo tôi không ổn, khi đã định danh trong luật là khái niệm tập đoàn. Thứ hai, theo Điều 196, 197, 198 tôi hiểu rằng tư tưởng của Ban soạn thảo là mối quan hệ của công ty mẹ, công ty con và mối quan hệ của tất cả các thành viên trong nhóm công ty này hay tập đoàn này đều là mối quan hệ trên cơ sở pháp luật theo mối quan hệ kinh tế, tức quan hệ đối vốn. Theo tôi chúng ta lại cho phép có vốn điều lệ thì không ổn, trong mối quan hệ của các thành viên trong công ty thì có mối quan hệ về hành chính, mối quan hệ thuần khiết về mặt kinh tế theo quan hệ đối vốn. Ví dụ trường hợp này có thể dẫn tới tình trạng có những giao dịch trong nội bộ tập đoàn và không trực tiếp liên quan đến tài chính nhưng có thể gây ra hậu quả tài chính thì trong trường hợp đó có thể luật chưa quy định, nhưng nó là hành vi thực hiện theo quyết định hành chính thì không có cơ sở pháp lý để chế định. Ví dụ công ty mẹ ra lệnh cho công ty A là công ty con phát hành trái phiếu, ra lệnh cho công ty con là công ty B mua trái phiếu của công ty A thì hậu quả dẫn đến những tổn thất, tranh chấp về mặt tài chính, công ty mẹ không liên quan trực tiếp đến mặt vốn, không thể quy định công ty mẹ chịu trách nhiệm gì như trong dự thảo luật này. Tôi chỉ ví dụ như thế còn rất nhiều những ví dụ khác nữa trong điều kiện thời gian tôi không thể đề cập được.
Tôi muốn trao đổi thêm là qua nghiên cứu của cá nhân tôi thấy rằng trên thế giới có những quy định tập đoàn chí ít là tập đoàn tài chính, có 4 lý do vì sao cần thiết phải có luật để chế định các giao dịch hoạt động của tập đoàn. Lý do thứ nhất là cần thiết có luật để hạn chế một số loại hình kinh doanh gây xung đột lợi ích trong tập đoàn và có thể gây rủi ro cho xã hội. Ví dụ một số nước quy định ngân hàng không được phép kinh doanh những loại hình có nhiều rủi ro như bất động sản hoặc đầu tư chứng khoán, thành lập công ty con cũng không cho phép. Thứ hai là hạn chế các giao dịch nội bộ giữa các thành viên trong tập đoàn vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Thứ ba, luật phải quy định để hạn chế tránh rủi ro tập trung, ví dụ trong tập đoàn tài chính vừa có ngân hàng, vừa có chứng khoán, vừa có bảo hiểm, thậm chí có nhiều ngân hàng cùng cho vay một doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có mệnh hệ gì ảnh hưởng đến tập đoàn tài chính này và tập đoàn tài chính thì nhiều loại hình mà huy động vốn của xã hội, ảnh hưởng đến xã hội.
Thứ tư, đối với quy mô những tập đoàn tài chính lớn thì phải áp dụng những chuẩn mực an toàn cao hơn đối với những loại tài chính công ty, tài chính nhỏ, đơn thuần. Đó là 4 lý do. Vì vậy tôi xin có 3 ý kiến đề nghị như sau:
Thứ nhất, cần phải nghiên cứu lại những khái niệm về nhóm công ty và tập đoàn và định nghĩa cho rõ theo cách thức chỉ có một thực thể nhất định thì ta mới có đặt tên, định danh cho nó, nếu không có thì thôi.
Thứ hai, phải làm rõ và trách nhiệm của công ty mẹ trong quan hệ công ty con theo hướng là mọi quyết định của công ty mẹ đối với công ty con dù đó là mối quyết định trực tiếp liên quan đến tài chính hoặc không liên quan đến tài chính thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và đều phải chịu trách nhiệm hậu quả quyết định của mình.
Thứ ba, vì đây là một luật mẹ, luật cái và có luật chuyên ngành khác thì sẽ là luật con phụ thuộc luật này. Với cách hiểu như vậy, tôi đề nghị trong chỗ này chúng ta đưa ra một khái quát là ngoài những quy định trong mối quan hệ công ty mẹ, công ty con thì các quan hệ của nhóm công ty đó phải chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành. Bởi vì với 4 lý do đối với tập đoàn tài chính mà phải quy định như vậy. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.