Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin góp ý vào dự án Luật doanh nghiệp một số nội dung sau:
Một, về vấn đề thành lập doanh nghiệp và đăng ký doanh nghiệp. Thành lập doanh nghiệp và đăng ký doanh nghiệp là những thủ tục gây ấn tượng và cảm nhận đầu tiên đối với nhà đầu tư về môi trường kinh doanh của mỗi nước. Đồng thời đó cũng là những thủ tục nhằm mục đích đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. So với các nước thủ tục này ở Việt Nam hiện nay đang gây phiền hà, tốn kém về thời gian của các doanh nghiệp hơn là ở các nước. Vì vậy tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương cải cách thủ tục hành chính trong thành lập doanh nghiệp và đăng ký doanh nghiệp. Những sửa đổi trong dự thảo luật là bước đột phá trong tư duy và nhận thức chuyển từ chế độ tiền kiểm sang chế độ hậu kiểm.
Tuy nhiên, một thực tế trong những năm qua thủ tục thành lập doanh nghiệp và đăng ký doanh nghiệp được cho là chặt chẽ, nhưng thực trạng một số doanh nghiệp được thành lập trên thực tế không hoạt động là khá phổ biến. Các doanh nghiệp này được thành lập để lợi dụng những kẽ hở của chính sách để trục lợi như hoàn thuế giá trị gia tăng, bán hóa đơn, làm sân sau cho các đại gia để rút tiền từ ngân sách các tổ chức tín dụng gây bất ổn cho nền kinh tế. Việc đơn giản hóa nhiều thủ tục cũng cần phải đi kèm với các biện pháp ngăn chặn những tình trạng nêu trên. Vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung và làm rõ những nội dung của các biện pháp hậu kiểm của dự án luật.
Hai, về doanh nghiệp nhà nước, tôi đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước tôi không nên có một chương riêng về doanh nghiệp nhà nước. Tôi thể hiện quan điểm ở một số nội dung sau:
Một là doanh nghiệp được ban hành điều chỉnh các vấn đề quản trị doanh nghiệp nói chung, không phân biệt hình thức sở hữu. Điều 1, phạm vi điều chỉnh dự án Luật doanh nghiệp đã khẳng định luật này điều chỉnh thành lập tổ chức quản lý, tổ chức lại và các loại hình doanh nghiệp hiện đang tồn tại bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp doanh, doanh nghiệp cá thể. Doanh nghiệp nhà nước thực chất là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc công ty cổ phần khi nhà nước giữ nguyên chi phối. Do vậy, nó đã được điều chỉnh tại Mục 2, Chương II và Chương V, việc thiết kế thêm một chương cho doanh nghiệp nhà nước với các nội dung liên quan với những vấn đề thuộc mối quan hệ rất riêng giữa doanh nghiệp và chủ sở hữu là không phù hợp, hay trong những năm qua công tác quản lý doanh nghiệp lỏng lẻo, hệ thống pháp luật liên quan thiếu dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí tiền của của nhà nước, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý doanh nghiệp nhà nước hết sức cần thiết và cấp bách.
Hiện nay chúng ta đang thảo luận dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, đây sẽ là những công cụ quan trọng nhất giúp nhà nước quản lý một cách có hiệu quả từng đồng vốn đầu tư vào doanh nghiệp, việc chuyển tất cả những nội dung riêng thuộc quản trị doanh nghiệp nhà nước về luật này sẽ làm cho vấn đề quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh được tập trung, minh bạch và thuận lợi trong việc áp dụng luật.
Do vậy, tôi đề nghị bỏ chương doanh nghiệp nhà nước trong dự thảo luật, chuyển toàn bộ nội dung riêng của doanh nghiệp nhà nước sang dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Ba, vấn đề bảo vệ cổ đông, nước ta đứng thứ 160/189 quốc gia, nền kinh tế trong việc bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư với góc độ của Luật doanh nghiệp, một số quy định chưa tạo thuận lợi cho cổ đông, thành viên thực hiện khởi kiện người quản lý như hạn chế quyền tiếp cận thông tin doanh nghiệp, tự chịu chi phí khởi kiện trong trường hợp khởi kiện nhân danh cá nhân v.v.... Những dấu hiệu trên cho thấy những bất lợi chủ yếu rơi vào các nhà đầu tư nhỏ, để khuyến khích mọi người an tâm bỏ vốn đầu tư kinh doanh, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán của chúng ta chưa vững chắc thì dự thảo cần bổ sung một số nội dung sau:
Một, tán thành quy định về nguyên tắc dồn phiếu trong bầu thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát như dự thảo. Hình thức này tuy cách tính phức tạp nhưng là cách tính duy nhất để cổ đông nhỏ có đại diện trong hội đồng quản trị. Tuy nhiên, cần bỏ cụm từ nếu điều lệ công ty không quy định ở Khoản 3, Điều 148 và sửa lại là: Điều lệ phải ghi rõ phương án bầu theo số đông và dồn phiếu, lựa chọn phương án cho đại hội cổ đông quyết định. Trong trường hợp điều lệ không quy định thì thực hiện theo nguyên tắc dồn phiếu, như vậy việc bảo vệ tính đại diện của cổ đông nhỏ mới khả thi.
Hai, phải có các quy định cụ thể về minh bạch hóa thông tin trong nội bộ doanh nghiệp và từ bên ngoài về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Trong thời gian qua khủng hoảng kinh tế thế giới nhiều doanh nghiệp uy tín ở các nước phát triển đã công bố những báo cáo chuẩn mực và được kiểm toán từ các tổ chức kiểm toán độc lập có uy tín, nhưng đó lại là các doanh nghiệp mở đầu cho làn sóng sụp đổ, dẫn đến khủng hoảng tài chính toàn cầu. Dự thảo luật đã bổ sung rất nhiều nội dung về minh bạch hóa thông tin cả bên trong và bên ngoài, từ đó xác định được chế độ trách nhiệm của những người quản lý doanh nghiệp là hết sức tiến bộ. Tuy nhiên, các quy định như vậy chưa đủ sức ngăn chặn các giao dịch tư lợi liên quan đến thiểu số quản lý công ty. Do vậy, cần có các quy định về xác định cụ thể đối với đối tượng thuộc diện các bên liên quan, cơ chế và cách thức thu thập, tập hợp, lưu trữ và quản lý hồ sơ về các bên liên quan. Xác định danh tính của từng bên liên quan trong việc giao dịch ký kết hợp đồng. Nhưng đồng thời cũng phải có các quy định, các điều kiện cụ thể tránh các giao dịch tư lợi không vì lợi ích của doanh nghiệp. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.