Trần Quốc Tuấn Trà Vinh

Một phần của tài liệu BienBan17-6S (Trang 38 - 40)

Kính thưa chủ tọa kỳ họp, Kính thưa Quốc hội.

Trước tiên, tôi bày tỏ quan điểm thống nhất cao về sự cần thiết của việc sửa đổi luật lần này cũng như nội dung của dự thảo luật kèm theo tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội. Để góp phần làm rõ thêm một số nội dung trong dự thảo luật, tôi xin có 4 ý kiến như sau:

Một, về nghĩa vụ của doanh nghiệp quy định ở Điều 9 dự thảo luật. Tôi thống nhất cao với một số quy định mới về nghĩa vụ của doanh nghiệp như trong dự thảo luật, Trong thực tế thời gian qua có nhiều doanh nghiệp không muốn hoặc cản trở việc thành lập các tổ chức chính trị - xã hội trong chính doanh nghiệp hoặc nhiều doanh nghiệp còn có hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự và nhân phẩm của người lao động, dưới các hình thức trừ lương công nhân khi đi vệ sinh, không đội mũ theo quy định để họ sử dụng triệt để thời gian của người lao động, hoặc chủ doanh nghiệp dính keo 502 vào tay công nhân khi phát hiện sản phẩm bị lỗi hoặc cho công nhân nghỉ việc khi mang thai, hay người chủ doanh nghiệp bắt công nhân học thuộc lòng câu nói ở nhà có bố mẹ, đến công ty phải coi quản lý là bố mẹ. Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trong năm 2011, có đến 11/26 địa phương, chiếm 42,3% có xảy ra tình trạng người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với người lao động. Tôi cho rằng việc quy định cụ thể và bổ sung một số quy định mới nghĩa vụ của doanh nghiệp như trong dự thảo luật sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Hai, về ngành nghề kinh doanh quy định tại Điều 7 dự thảo luật. Tôi đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như một số ý kiến phát biểu trước tôi. Tôi đề nghị chúng ta cần thiết kết một điều riêng biệt trong dự thảo luật để quy định về nội dung này. Nói cách khác cần luật hóa những ngành nghề kinh doanh để đảm bảo tính minh bạch, tạo điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp khi thực hiện luật. Chúng ta không nên để những danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh được quy định, bởi các văn bản dưới luật như pháp lệnh hay nghị định như hiện nay. Theo tôi, không quá khó để luật hóa nội dung này, vì hiện nay những ngành nghề cấm kinh doanh đã và đang được quy định tại các nghị định hướng dẫn thực hiện các luật như Luật doanh nghiệp năm 2005, Luật đầu tư đang sửa đổi, Luật thương mại, Luật kinh doanh bất động sản, Luật các tổ chức tín dụng, Luật

phòng cháy, chữa cháy, vv. Việc luật hóa các ngành nghề cấm kinh doanh trong luật này để tạo tính thống nhất trong pháp luật kinh doanh của Việt Nam, không nên quy định dàn trải tại các nghị định hướng dẫn thực hiện các luật như tôi vừa nêu.

Ba, cần bổ sung quy định về hậu kiểm ngay trong luật này. Tôi rất đồng tình với ý kiến phát biểu của đại biểu Vũ Tiến Lộc - Thái Bình và đại biểu Trần Hoàng Ngân - Thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi đề nghị luật cần bổ sung một quy định một cơ quan đầu mới chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện chế độ hậu kiểm để đản bảo tính chính xác về số lượng doanh nghiệp thực chất đi vào hoạt động, sau khi đăng ký kinh doanh để chúng ta hạn chế tối đa các doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong kinh doanh như lợi dụng việc thành lập doanh nghiệp để mua bán hóa đơn, trốn thuế hoặc lừa đảo xã hội v.v... Thực tế hiện đang xảy ra tình trạng là một cá nhân có thể thành lập nhiều doanh nghiệp bằng cách cho người thân hoặc cho bạn bè đứng tên trong nhiều lĩnh vực kinh doanh thì trong đó có lĩnh vực kinh doanh dịch vụ tư vấn hoạt động xây dựng như thẩm tra, thiết kế, giám sát các công trình. Việc này đang gây ảnh hưởng khó khăn trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng ở địa phương, đồng thời cũng đã và đang là nguyên nhân ảnh hưởng, làm giảm chất lượng các công trình xây dựng, gây thất thoát lãng phí ngân sách nhà nước và xảy ra từ việc thiết kế, giám sát ít tuân thủ theo các quy chuẩn kỹ thuật của ngành. Mặc dù đây là một ngành kinh doanh có điều kiện nhưng do dễ dàng thành lập mà lại không có cơ quan hậu kiểm nên rất khó quản lý và kiểm soát trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp này. Do vậy, việc bổ sung quy định cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện chế độ hậu kiểm ngay trong luật này rất cần thiết, mong Quốc hội xem xét.

Bốn, về doanh nghiệp xã hội được quy định tại Điều 11 của dự thảo luật. Tôi cho rằng Luật doanh nghiệp (sửa đổi) lần này bổ sung khái niệm về doanh nghiệp xã hội là phù hợp với quy luật phát triển kinh tế của thế giới, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận của mình để đầu tư vào lĩnh vực an sinh xã hội, góp phần cùng với nhà nước giải quyết vấn đề xã hội và môi trường. Đặc biệt hơn trong giai đoạn hiện nay Đảng, Nhà nước đang có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn sẽ góp phần thu hút các doanh nghiệp xã hội thực hiện tốt vai trò của mình, góp phần phát triển khu vực nông thôn, mở ra thêm những cơ hội cho người dân nông thôn được tiếp cận các dịch vụ, những sản phẩm mới.

Mặt khác, khi doanh nghiệp xã hội có được một vị trí pháp lý cao như trong dự thảo luật thì sẽ thực hiện tốt được sứ mệnh của mình là liên kết, nối kết, hàn gắn về văn hóa giữa những người dân sống ở vùng nông thôn. Thông qua loại hình doanh nghiệp này sẽ giúp cho người dân nông thôn có xu hướng hỗ trợ nhau giải quyết các vấn đề phát sinh và một số vấn đề khác hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng cuộc sống ở vùng nông thôn, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, luật cũng cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn để khuyến khích các doanh nghiệp xã hội

nhưng cũng ngăn ngừa các doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi của nhà nước đối với doanh nghiệp xã hội để trục lợi. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Một phần của tài liệu BienBan17-6S (Trang 38 - 40)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(54 trang)
w