Kính thưa Đoàn chủ toạ kì họp, Kính thưa Quốc hội.
Qua nghiên cứu dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi), tôi xin có một số ý kiến xung quanh về các quy định liên quan đến doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh. Để đảm bảo vũ khí, trang bị kĩ thuật cho quốc phòng, an ninh, kết hợp với kinh tế, làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, hiện nay, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang tổ chức quản lí các loại hình doanh nghiệp, đó là các xí nghiệp quốc phòng an ninh, các doanh nghiệp quốc phòng an ninh kết hợp với kinh tế. Hiện tại Luật doanh nghiệp hiện hành cũng đã quy định doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế được tổ chức và quản lí hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp và quy định riêng của Chính phủ theo Điều 167. Dự thảo luật này cũng đã tiếp tục quy định như vậy tại Khoản 4, Điều 219. Tôi thấy rằng quy định như vậy về cơ bản tôi cũng tán thành, tuy nhiên, có một số quy định cần cụ thể hơn. Tôi xin phát biểu một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, đề nghị cần cụ thể hoá các quy định riêng về doanh nghiệp trực tiếp phục vụ an ninh vì các lí do sau: Thứ nhất, hiện tại Luật Quốc phòng, pháp lệnh về công nghiệp quốc phòng đã quy định cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là những cơ sở nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa lớn, cải tiến, hiện đại hoá vũ khí, trang bị kĩ thuật quân sự, vật tư kĩ thuật được nhà nước đầu tư phục vụ cho Quốc phòng an ninh, làm nòng cốt để xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang trực tiếp quản lý. Các doanh nghiệp được công nhận là cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt là các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ Quốc phòng và An ninh. Bộ Quốc phòng sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan lập danh sách các cơ sở công nghiệp quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó pháp lệnh cũng đã quy định một số chính sách của nhà nước đối với các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt. Ưu tiên đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn lực, ngành nghề mũi nhọn và công nghệ quốc phòng, công nghệ ứng dụng vừa phục vụ quốc phòng. vừa phục vụ kinh tế. Một số chính sách ưu đãi về hỗ trợ đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất vật liệu mới, sản xuất công nghệ cao, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng của dự án quan trọng trên các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tôi đề nghị cần phải khẳng định rõ hoạt động của các loại hình doanh nghiệp này.
Lý do thứ hai, đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ Quốc phòng và an ninh, mặc dầu đã được cụ thể hóa trong quy định của Luật doanh nghiệp hiện hành về tổ chức và quản lý hoạt động doanh nghiệp, của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước là chủ sở hữu. Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ Quốc phòng an ninh là doanh nghiệp nhà nước, để trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ mang tính ổn định thường xuyên trong các lĩnh vực, địa bàn trực tiếp phục vụ Quốc phòng an ninh liên quan đến bảo đảm bí mật quốc gia và nâng cao năng lực quốc phòng an ninh.
Về cơ cấu, tổ chức quản lý của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ Quốc phòng an ninh cũng căn cứ vào quy mô và đặc thù hoạt động, chủ sở hữu doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh quyết định áp dụng cơ cấu tổ chức theo mô hình hội đồng một thành viên hoặc tổng giám đốc, giám đốc, kiểm soát viên, hoặc theo mô hình chủ tịch công ty, tổng giám đốc, giám đốc, kiểm soát viên.
Đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ Quốc phòng an ninh hoạt động trong các ngành như việc ở biển thì cơ cấu, tổ chức quản lý của doanh nghiệp cũng do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Về mặt nhân sự quản lý doanh nghiệp, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc, giám đốc và các chức danh quan trọng khác, các chức danh liên quan trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ Quốc phòng an ninh hoặc đảm bảo bí mật quốc gia trong doanh nghiệp trực tiếp phục vụ Quốc phòng an ninh thuộc biên chế do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý.
Quy định trên tôi cho rằng rất phù hợp với thực tiễn và cần được kế thừa để quy định trong dự án luật đảm bảo tính cụ thể hơn.
Thứ ba, căn cứ vào chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng ngoài nhiệm vụ đảm bảo Quốc phòng an ninh còn tham gia các hoạt động kinh tế góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời tăng cường bảo đảm các mặt trong quân đội trong điều kiện ngân sách của chúng ta còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Điều 68 của Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định quan điểm về chính sách nhà nước xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế và kinh tế với quốc phòng, an ninh. Như vậy, xét về căn cứ pháp lý và thực tiễn thì doanh nghiệp trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là loại hình doanh nghiệp đặc thù được hoạt động tuân theo quy định chung của Luật doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng phải có các quy định riêng. Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) đã quy định đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh được tổ chức và hoạt động theo quy định của luật này cũng như theo quy định riêng của Chính phủ. Cũng đã có tính đến những yêu cầu đặc thù của doanh nghiệp quốc phòng an ninh.
Tuy nhiên, tôi thấy rằng cần phải cụ thể hóa, tôi kiến nghị cần có các điều khoản quy định cụ thể hơn về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước
trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh hoặc là kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh. Để luật hóa một số nội dung đã được thực hiện ổn định như xác định tiêu chí, xác định doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an, ninh như tiêu chí về nhiệm vụ, tiêu chí về địa bàn, tiêu chí về sản phẩm quốc phòng an ninh. Xác định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh ngoài những quyền và nghĩa vụ như doanh nghiệp sản xuất cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích. Quy định được sử dụng các nguồn lực được giao để tiến hành hoạt động kinh doanh, bổ sung hoặc đầu tư góp vốn vào các doanh nghiệp khác để kinh doanh ngoài sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh được giao.
Quy định thẩm quyền thành lập mới doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhà nước đối với doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh. Quy định như vậy mới có căn cứ để làm cơ sở cho Chính phủ quy định để bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp này. Đồng thời cũng bảo đảm khi Chính phủ quy định không trái với các nguyên tắc chung của dự án luật. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.