Kính thưa Quốc hội,
Sau khi đọc kỹ dự luật, tôi tán thành với việc cần thiết sửa đổi Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên để Luật doanh nghiệp trở thành luật chung cho các loại hình doanh nghiệp, các luật khác có liên quan phải dựa trên nền tảng của Luật doanh nghiệp cũng như Luật đầu tư, Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước, Luật phá sản, tôi xin có một số ý kiến như sau:
Một là áp dụng Luật doanh nghiệp và các luật có liên quan Điều 3, theo tôi nên giữ lại phần điều ước quốc tế.
Hai là về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Điều 7, Khoản 2 nên chuyển qua Điều 12, vì đây là các hành vi kinh doanh bị cấm không phải ngành nghề kinh doanh. Khoản 4, đề nghị xem xét lại định kỳ hàng năm rà soát, đánh giá lại với định kỳ như vậy có thể tạo sự không ổn định trong môi trường kinh doanh, nên với định kỳ chiến lược kinh tế - xã hội nhằm nhất quán với các định hướng ưu tiên mục tiêu kinh tế - xã hội tương ứng với các yêu cầu về quản lý và điều hành nền kinh tế.
Ba, về doanh nghiệp xã hội Điều 11, cần có sự phân biệt giải thích cụ thể vấn đề xã hội trong Điều 11 và sản phẩm dịch vụ công ích trong Điều 10. Điểm b, Khoản 2, Điều 11 nên bỏ theo đúng nghĩa sửa đổi luật nhằm tạo môi trường thông thoáng trong việc cấp giấy phép chứng chỉ và chứng nhận đối với mọi doanh nghiệp. Các khác biệt chỉ nên thể hiện qua cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động vốn, nhận tài trợ.
Bốn, về đăng ký thành lập doanh nghiệp, Chương II. Theo tôi cụ thể hóa trong luật quy trình, thủ tục thành lập quản lý ngành nghề, việc chào bán riêng cổ phiếu cho công ty, vấn đề minh bạch thông tin. Cần quy định cụ thể các điều kiện cần thiết để xét và cấp phép thành lập doanh nghiệp theo từng ngành kinh tế, từng lĩnh vực kinh doanh, không nên quá dễ dãi trong việc cấp phép, bởi càng dễ dãi sẽ càng khó quản lý.
Đặc biệt, chúng tôi đề nghị cần quy định cụ thể vốn pháp định, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu thực có của doanh nghiệp khi thành lập và mở doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tránh tình trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp như các cụ chúng ta có câu "có bột mới gột nên hồ", thực tế nhiều doanh nghiệp hiện nay tối thiểu cũng phải có 20-30% vốn tự có, đến nay nhiều doanh nghiệp không có, thậm chí vay tiền ngân hàng để khai vốn, 1-2 tháng sau là âm. Tình trạng đó hiện nay rất nhiều doanh nghiệp, hàng năm hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản, tạo nên tình trạng vốn ảo hiện nay rất lớn trong nền kinh tế và vốn ảo của doanh nghiệp hiện nay gây mất ổn định và bền vững của nền kinh tế.
Điều 29 điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, theo tôi nên hướng doanh nghiệp được tự do kinh doanh ở lĩnh vực pháp luật không cấm, trừ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Năm, về cơ cấu tổ chức, quản lý công ty cổ phần, cần quy định rõ và chặt chẽ hơn về quản trị doanh nghiệp như trong dự thảo tôi thấy phải nghiên cứu tiếp, đưa ra những nội dung phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế hiện nay như các đại biểu đã có ý kiến. Cần quy định cụ thể đối với doanh nghiệp cổ phần đa sở hữu thì ban kiểm soát phải do hội đồng cổ đông bầu và có cơ chế hoạt động của ban kiểm soát rất cụ thể. Nên có một chương quản lý nhà nước về doanh nghiệp để nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước sau khi doanh nghiệp thành lập và đi vào hoạt động.
Về tiêu chuẩn và điều kiện thành viên hội đồng quản trị cũng cần quy định rõ, ngoài những kỹ năng và trình độ chuyên môn cần có đòi hỏi từng thành viên Hội đồng quản trị phải được trải nghiệm trong thực tiễn, có bản lĩnh thương trường và có tâm, tài, trí.
Điều 6 quy định về doanh nghiệp nhà nước, tôi đề nghị bỏ toàn bộ chương này. Quy định về doanh nghiệp nhà nước thì nên thiết kế và đề cập các nội dung một cách đầy đủ, chặt chẽ trong Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng ta nên xây dựng Luật doanh nghiệp là một luật chung, mọi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế khi thành lập và hoạt động đều phải tuân thủ các quy định chung của Luật doanh nghiệp.
Bảy, những vấn đề xin ý kiến cổ đông để được thông qua, dự luật điều chỉnh đối với các quyết định thông thường, tỷ lệ cổ đông tán thành 51%, trường hợp quan trọng tỷ lệ cổ đông đồng ý tối thiểu là 65% thay vì tỷ lệ cũ là 65% và 75%. Theo tôi nên giữ nguyên tỷ lệ cũ là 65% và 75%, lý do đề xuất giữ tỷ lệ cũ vì một là bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nhỏ, hai là trong bối cảnh thông tin chưa minh bạch, nếu giảm tỷ lệ cổ đông tán đồng xuống thì dễ làm sai lệch mục tiêu của doanh nghiệp. Ở Việt Nam tình trạng cổ đông lớn bao gồm cả các cổ đông nhà nước được giao cho một số người nắm giữ, đôi khi làm lệch chuẩn định hướng kinh doanh của doanh nghiệp, có lợi cho một nhóm người nhất định. Vì vậy, trong điều kiện quản lý và giám sát của các cơ quan có liên quan còn bất cập, thông tin không minh bạch, trách nhiệm giải trình hạn chế thì không nên hạ thấp tỷ lệ tán
thành của các cổ đông và nên giữ nguyên là 65% và 75%. Trên đây là một số ý kiến của tôi. Xin cám ơn Quốc hội.