Nguyễn Anh Dũng Bắc Giang

Một phần của tài liệu BienBan17-6S (Trang 41 - 44)

Kính thưa Quốc hội.

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật doanh nghiệp sửa đổi, tôi xin phát biểu đóng góp một số nội dung sau đây:

Luật doanh nghiệp hiện hành được Quốc hội ban hành từ tháng 11 năm 2005 đến nay đã được 9 năm. Trong 9 năm qua đã có rất nhiều thay đổi, phát triển về mặt kinh tế xã hội, tới nay Luật doanh nghiệp đã bộc lộ những khiếm khuyết gây khó khăn vướng mắc cho các hoạt động và phát triển của doanh nghiệp, hạn chế môi trường kinh doanh. Vì vậy việc sửa đổi Luật doanh nghiệp là việc làm rất cần thiết và kịp thời. Nhằm khắc phục những nhược điểm nói trên tạo điều kiện động lực mới cho phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp.

Về tổng thể tôi nhận thấy dự thảo luật đã được chuẩn bị khá kỹ, nội dung có nhiều đổi mới so với luật hiện hành, theo hướng tạo điều kiện thông thoáng hơn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Về nội dung cụ thể tôi xin đóng góp một số ý kiến sau đây:

Một, việc áp dụng Luật doanh nghiệp và các luật có liên quan nêu tại Điều 3, tôi đề nghị sửa đổi theo hướng khẳng định rõ nguyên tắc áp dụng thống nhất Luật doanh nghiệp như là đạo luật chung về tổ chức quản lý doanh nghiệp.

Hai, về ngành nghề và điều kiện kinh doanh nêu tại Điều 7. Theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 mọi người được tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, mặt khác để khi luật được ban hành nhanh chóng đi vào thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không phải chờ đợi các văn bản hướng dẫn dưới luật, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần tổng hợp thành một danh mục những ngành nghề mà pháp luật cấm và đưa ngay vào trong đạo luật này. Đây chính là một nội dung được nhiều doanh nghiệp, những người đang và dự định tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia kinh doanh kỳ vọng có sự thay đổi mới bằng việc cụ thể hóa nội dung này ngay trong dự luật.

Ba, về doanh nghiệp xã hội nêu tại Điều 11, tôi thấy rằng doanh nghiệp xã hội như nêu tại dự thảo luật không phải là một loại hình doanh nghiệp mới, mà vẫn là một trong những loại hình doanh nghiệp đang tồn tại hiện nay, chỉ khác ở khâu phân phối lợi nhuận. Hiện nay tôi chưa thấy có sự phổ biến hay bức xúc nào về sự tồn tại và phát triển loại hình doanh nghiệp này, trong thực tiễn yêu cầu phải có luật điều chỉnh. Hơn nữa việc quy định các chế độ ưu đãi về đầu tư, huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động cân bằng doanh nghiệp rất dễ bị lợi dụng dẫn đến tiêu cực hoặc quay lại cơ chế xin cho để được công nhận là loại hình doanh nghiệp xã hội, để được hưởng những ưu đãi mà ta khó quản lý được. Vì vậy, tôi đề nghị không đưa nội dung này vào luật sửa đổi.

Bốn, về nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nêu tại Điều 30. Đây là một nội dung có sự đổi mới lớn trong dự thảo luật kỳ này theo hướng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh. Theo quy định của luật hiện hành thì khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải ghi rõ ngành nghề mà mình sẽ kinh doanh theo những mẫu mã ngành nghề

quy định sẵn và chỉ được kinh doanh trong những nội dung đã đăng ký, khi muốn phát triển thêm những ngành nghề kinh doanh mới thì lại phải đợi đăng ký bổ sung, việc đó vừa phiền hà, tăng thủ tục hành chính, làm mất thời gian, nhiều khi ảnh hưởng tới cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy tôi nhất trí cao với nội dung ghi trong dự thảo luật là doanh nghiệp chỉ phải ghi những nội dung ngành nghề kinh doanh nếu kinh doanh những ngành nghề có điều kiện theo quy định của pháp luật.

Năm, về cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần nêu tại Điều 137, dự thảo luật nêu có 2 cách tổ chức quản lý và hoạt động công ty cổ phần, thực ra chỉ khác nhau về việc có hoặc không có ban kiểm soát. Tôi nhận thấy rằng ban kiểm soát là một bộ phần thay mặt các cổ đông để kiểm soát hoạt động điều hành của tổng giám đốc. Việc ban hành nghị quyết chỉ đạo của hội đồng quản trị để thực hiện các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, các hoạt động của ban kiểm soát giữa hai kỳ đại hội cổ đông là rất quan trọng, nó đảm bảo các nghị quyết của đại hội cổ đông được tuân thủ, kịp thời chỉ ra, uốn nắn những sai sót, lệch lạc nếu có một cách kịp thời.

Trên thực tế Đại hội cổ đông chỉ họp thường kỳ mỗi năm 1 lần trừ những trường hợp họp đại hội đột xuất nhưng cũng rất hãn hữu. Hơn nữa với kinh nghiệm kiếm thức và trình độ quản trị các công ty của doanh nghiệp hiện còn nhiều hạn chế. Thời gian phát triển doanh nghiệp chưa dài, khả năng tự bảo vệ chưa cao, do đó tôi đề nghị vẫn giữ nguyên mô hình tổ chức như luật hiện hành là phù hợp nghĩa là chỉ có một mô hình mà vẫn có ban kiểm soát.

Sáu, về việc bổ sung Chương IV, chương nói về doanh nghiệp nhà nước vào dự thảo luật. Doanh nghiệp nhà nước nêu tại dự thảo luật là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 100% vốn nhà nước. Theo tôi doanh nghiệp này phải tuân thủ đầy đủ những yêu cầu của Luật doanh nghiệp về thành lập, tổ chức hoạt động như các loại hình doanh nghiệp khác mà không có sự phân biệt tính chất sở hữu và thành phần kinh tế. Vì vậy, đưa Chương IV vào dự thảo luật này là không hợp lí về mặt kết cấu, bản chất và chức năng của Luật doanh nghiệp. Hơn nữa, Luật doanh nghiệp nhà nước mới hết hiệu lực thực hiện năm 2010 nay ta lại đưa vào dự thảo chương doanh nghiệp nhà nước, dễ tạo tâm lí có sự phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy rằng doanh nghiệp nhà nước có những đặc thù riêng về chủ sở hữu nên cần có những quy định riêng đặc thù về cơ cấu tổ chức, quản lí, trách nhiệm v.v... Không những chỉ với loại hình công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước mà còn với cả công ty cổ phần mà vốn nhà nước giữ cổ phần chi phối trên 50%. Những nội dung này cần phải viết cụ thể và chi tiết hơn và đưa vào một chương trong Luật đầu tư quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được Quốc hội thảo luận tại kì họp này. Trong dự thảo đó thiếu hẳn phần quy định về cơ cấu tổ chức, hoạt động, là một trong những yếu tố rất quan trọng để quản lí tốt vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trên đây là một số ý kiến đóng góp vào Luật doanh nghiệp (sửa đổi). Xin cám ơn Quốc hội.

Một phần của tài liệu BienBan17-6S (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(54 trang)
w