Kính thưa Chủ tọa kì họp, Kính thưa Quốc hội.
Tôi thống nhất về nội dung dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) được trình lên Quốc hội lần này, nhất là sự cần thiết sửa đổi hoạt động Luật doanh nghiệp theo lịch trình của Chính phủ trên cơ sở Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban kinh tế. Tôi tham gia ý kiến cụ thể như sau:
Thứ nhất là áp dụng Luật doanh nghiệp và các Luật có liên quan ở địa bàn. Để khẳng định rõ nguyên tắc áp dụng thống nhất Luật doanh nghiệp như một luật chung về tổ chức, bởi doanh nghiệp cần sửa đổi quy định tại điều này theo hướng quy định về những nội dung về thành lập, tổ chức quản lí của từng loại doanh nghiệp có tính bắt buộc, áp dụng chung được quy định thống nhất trong Luật doanh nghiệp. Trường hợp đặc thù liên quan đến việc tổ chức quản lí hoạt động doanh nghiệp được quy định tại luật khác thì áp dụng theo quy định tại luật đó. Đồng thời điều kiện được cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp có liên quan đến các điều kiện đầu tư áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài theo điều ước quốc tế về pháp luật đầu tư. Do vậy, tôi đề nghị cần điều chỉnh cụ thể, đầy đủ hơn ở Điều 3 như sau:
Điều 3 là áp dụng Luật doanh nghiệp định hướng quốc tế và các luật có liên quan khác.
Một, việc thành lập, tổ chức, quản lí và hoạt động của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế áp dụng theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thứ hai, trường hợp đặc thù liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lí và hoạt động của doanh nghiệp được quy định tại luật khác thì áp dụng theo quy định của luật đó.
Thứ ba, trường hợp các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế.
Vấn đề thứ hai là về ngành nghề điều kiện kinh doanh. Ở Điều 7, Hiến pháp quy định mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Quy định quyền của con người, của công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong những trường hợp cần thiết. Do vậy, quyền tự do công dân của người dân không thể bị hạn chế ngay từ nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ, ngành hay quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Không thể vì năng lực quản lí hạn chế mà giới hạn một trong những quyền cơ bản của con người, của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Mặt khác, môi trường đầu tư của nước ta đang thiếu sự hấp dẫn so với các quốc gia khác nên việc quy định và cụ thể hoá những ngành nghề cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện ngay trong luật này không chỉ giúp quy định của Hiến pháp năm 2013 được thi hành, mà còn giúp tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cá nhân và doanh nghiệp. Do vậy tại Khoản 1, 2, 3 Điều 7 tôi kiến nghị điều chỉnh như sau:
Khoản 1: Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Khoản 2: Đối với ngành nghề mà pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan quy định phải có điều kiện của doanh nghiệp thì được kinh doanh hành nghề khi có đủ điều kiện theo quy định.
Khoản 3: Điều kiện kinh doanh đã yêu cầu doanh nghiệp phải có hoặc phải thực hiện khi kinh doanh ngành nghề cụ thể được thể hiện bằng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, yêu cầu về vốn pháp định hoặc yêu cầu khác.
Thứ ba, về nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ở Điều 30 thống nhất đề nghị trong Luật doanh nghiệp sửa đổi lần này nên quy định không cần ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy phép đăng ký kinh doanh mà chỉ ghi những ngành nghề kinh doanh có điều kiện để các cơ quan chức năng tiện theo dõi, còn những ngành nghề kinh doanh pháp luật không cấm thì không cần ghi nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh được thuận lợi hơn. Vì mỗi khi doanh nghiệp muốn thay đổi ngành nghề kinh doanh thì phải có ý kiến của đại hội cổ đông đối với công ty cổ phần, trong khi để tổ chức đại hội cổ đông đối với doanh nghiệp có hàng nghìn cổ đông thì sẽ rất khó khăn và không phải lúc nào doanh nghiệp cũng tổ chức đại hội cổ đông được.
Điểm bất cập nữa là giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư cùng đồng nhất là một, điều đó là bất hợp lý, vì nếu doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận kinh doanh, nếu dự án đầu tư bán dự án cho đối tượng khác thì rất khó vì liên quan đến pháp lý của doanh nghiệp. Đăng ký kinh doanh thể hiện pháp lý của doanh nghiệp gồm tên của tổ chức, ngành nghề kinh doanh, còn chứng nhận đầu tư là chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp. Trên thực tế có những doanh nghiệp khi đã thành lập xong mới có những dự án đầu tư, sau đó lại muốn chuyển dự án đầu tư cho đơn vị khác thì bị vướng về pháp lý, được cấp giấy chứng nhận kinh doanh, đồng thời là giấy chứng nhận đầu tư sau đó muốn tách riêng ra trong Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư không có quy định. Để giải quyết vấn đề này,
luật sửa đổi nên tách riêng hai loại giấy này để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động.
Thứ tư, một số vấn đề cụ thể khác tôi góp ý là Khoản 1, Điều 15 người đại diện pháp luật của doanh nghiệp cần quy định rõ người đại diện pháp luật của doanh nghiệp chỉ có một, còn người đại diện hợp pháp có thể có nhiều để phù hợp với quy định về người đại diện pháp luật trong Luật dân sự. Mặt khác, quy định này có nguy cơ tạo ra sự khó kiểm soát doanh nghiệp khi thành lập thực hiện các giao dịch với khách hàng, đồng thời tạo rủi ro cao cho các khách hàng, có thể làm phát sinh những tranh chấp không đáng có. Do vậy nên giữ quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 về người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là phù hợp.
Điểm e, Khoản 1, Điều 25 quy định giám đốc, tổng giám đốc công ty ký hợp đồng liên doanh công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền chủ tịch hội đồng thành viên, quy định này trong thực tế đã bị hiểu nhầm rất phổ biến là giám đốc, tổng giám đốc công ty ký hợp đồng liên doanh công ty là đúng thẩm quyền, nhưng ở đây nếu người đại diện pháp luật của công ty là chủ tịch hội đồng thành viên thì giám đốc, tổng giám đốc công ty ký hợp đồng cũng phải được chủ tịch hội đồng thành viên ủy quyền mới phù hợp.
Điều 218 xử lý vi phạm có quy định 7 trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhưng chưa có quy định biện pháp xử lý doanh nghiệp và cá nhân liên quan không tiến hành giải thể khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn 6 tháng liên tục kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc thay đổi trụ sở cũng thuộc trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên việc xác định hành vi trên của doanh nghiệp rất khó khăn, không phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 93 Luật quản lý thuế thì sau khi nhận được văn bản yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 102 Luật quản lý thuế thì cơ quan đăng ký cho kinh doanh thực hiện thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 3 của Nghị định 43 của Chính phủ. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp đã xử lý tồn tại về thuế phải được cơ quan thuế mở lại mã số thuế, đồng thời cũng là mã số doanh nghiệp để hoạt động trở lại thì cơ quan đăng ký kinh doanh xử lý thế nào. Vấn đề này Luật doanh nghiệp cũ không đề cập, nhưng Nghị định 43 năm 2010 của Chính phủ lại quy định, nên luật mới cần quy định rõ để phù hợp với Điều 102 Luật quản lý thuế. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.