Đa số các địa phương tập trung nhiều người DTTS có nền sản xuất còn lạc hậu, chất lượng lao động thấp, đại bộ phận người dân còn sản xuất nương rẫy và trình độ dân trí thấp. Việc chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và việc thực hiện các chính sách giải quyết việc làm cho người lao động dân tộc thiểu số. Do chất lượng nguồn nhân lực thấp, chủ yếu chưa qua đào tạo nên hiệu quả sản xuất không cao, dẫn đến kết quả của công tác giải quyết việc làm không bền vững. Trình độ phát triển kinh tế của vùng lao động DTTS thường thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, năng suất lao động thấp gây khó khăn trong vấn đề tích lũy vốn nội tại của vùng để mở rộng sản xuất. Điều này dẫn đến những việc làm cũ vẫn tồn tại và năng suất lao động thấp, những việc làm mới chậm mở rộng và kém phát triển.
1.3.3. Dân số
Dân số, lao động, việc làm và nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Tăng trưởng dân số với tốc độ và quy mô hợp lý là nguồn cung cấp nguồn nhân lực vô giá. Đa số các dân tộc thiểu số đều có tập quán thích đông con và còn hạn chế trong nhận thức về sức khỏe sinh sản về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Điều này sẽ tạo nên những áp lực nhất định về mặt dân số và xã hội. Mức sinh, mức chết, cơ cấu giới, tuổi của dân số đều ảnh hưởng đến quy mô của lực lượng lao động. Nếu mức sinh cao dẫn đến gia tăng nhanh chóng số lượng người trong độ tuổi lao động tương lai.
Ngoài ra, vấn đề di dân của lao động DTTS cũng tạo ra những khó khăn nhất định đối với các chương trình và chính sách giải quyết việc làm cho lao động dân tộc thiểu số.