Giao điểm Keynes trong nền kinh tế đóng

Một phần của tài liệu Bài giảng Kinh tế vĩ mô: Phần 2 - Trường ĐH Thăng Long (Trang 38 - 40)

Mục tiêu tiếp theo ở đây là giải thích quá trình sản xuất cân bằng với tổng cầu trên thị trường hàng hóa và dịch vụ. Trong các bài trước, chúng ta đã xây dựng các hàm cầu cho các thành phần của tổng cầu, cụ thể là:

- Hàm tiêu dùng: C = C(Yd) = C(Y-T)

Trong đó Yd là thu nhập sẵn có của dân cư, bằng tổng thu nhập của nền kinh tế (Y) trừ đi thu nhập của chính phủ (T). Thuế T được coi là biến ngoại sinh do chính phủ quyết định.

- Hàm đầu tư: I = I( r )

89

Đồng thời Keynes cũng giải thiết chi tiêu chính phủ (G) là biến ngoại sinh do chính phủ kiểm soát. Theo giả thuyết Keynes, cầu sẽ xác định sản xuất, tức là sản xuất được điều chỉnh để thực hiện cân bằng trên thị trường hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên mô hình này vẫn có quan hệ ngược từ cung tới cầu thông qua các thành phần C, I. Khi đó chúng ta có phương trình xác định tổng nhu cầu hàng hóa và dịch vụ ngắn hạn dự kiến hay nhu cầu chi tiêu xã hội ngắn hạn dự kiến (E) làm cơ sở để các doanh nghiệp bố trí phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, như sau:

E = C + I + G

Thay các phương trình trên vào E, chúng ta có: E = C(Y-T) + I( r ) + G

Đây là hàm tăng theo Y vì các lý thuyết và thực tiễn đều khẳng định thu nhập tăng lên sẽ làm tiêu dùng tăng lên.

Độ dốc của đường này chính là xu hướng tiêu dùng cận biên (mpc = ∆C/∆Y), tức là khi thu nhập tăng thêm 1 đồng thì tiêu dùng sẽ tăng lên mpc đồng.

Vì giá cố định, tỷ lệ lạm phát bằng 0 nên lãi suất danh nghĩa bằng lãi suất thực (i = r). Do đó trong phương trình trên, có thể thay lãi suất thực (r) bằng lãi suất danh nghĩa (i).

Khi nền kinh tế ở trạng thái cân bằng thì thu nhập = chi tiêu, tức là: Y = E Nghĩa là: chi tiêu thực tế (GDP thực) = Chi tiêu dự kiến (kế hoạch)

Hình 5.2 mô tả phản ứng của tổng cầu mong muốn trước các biến động của sản xuất. Đường cầu mong muốn có độ nghiêng dương. Khi GDP (thu nhập) tăng lên, tiêu dùng và đầu tư cũng sẽ tăng lên; do vậy tổng cầu cũng sẽ tăng. Vì sản xuất luôn luôn đáp ứng đủ cầu nên nói chung, cầu sẽ tăng theo GDP nhưng với tỷ lệ thấp hơn. Do đó độ nghiêng của đường tổng cầu thấp hơn đường thẳng 45° đi qua gốc tọa độ. Đường 45° là đường cân bằng cung cầu dài hạn.

90

- Khi bổ sung đường chi tiêu dự kiến E nêu trên, hai đường sẽ cắt nhau. Giao điểm cắt nhau tại A được gọi là giao điểm Keynes.

 Giao điểm Keynes là phương thức xác định thu nhập Y tại mỗi mức đầu tư I dự kiến với chính sách tài khóa (thuế T và chi tiêu chính phủ G) định trước. Khi một trong các nhân tố này thay đổi thì thu nhập sẽ thay đổi.

Một phần của tài liệu Bài giảng Kinh tế vĩ mô: Phần 2 - Trường ĐH Thăng Long (Trang 38 - 40)