c) Sự dịch chuyển của đường tổng cung ngắn hạn
KẾT LUẬN: NGUỒN GỐC CỦA TỔNG CẦU VÀ TỔNG CUNG
Bài này có hai mục tiêu chính và đến đây chúng ta đã đạt được. Thứ nhất, chúng ta đã thảo luận một số đặc điểm quan trọng về các biến động kinh tế ngắn hạn. Thứ hai, chúng ta đã giới thiệu mô hình cơ bản để giải thích những biến động kinh tế, gọi là mô hình tổng cầu và tổng cung. Sau khi đã có những hiểu biết sơ bộ về mô hình này, chúng ta cũng nên nhìn lại lịch sử của nó.
Mô hình về các biến động kinh tế ngắn hạn hình thành như thế nào? Câu trả lời là, về cơ bản nó là sản phẩm phụ của cuộc Đại suy khủng hoảng kinh tế trong những năm 1930. Các nhà kinh tế và hoạch định chính sách vào thời gian này rất bối rối, không hiểu được nguyên nhân của thảm họa này và không biết đối phó với nó như thế nào. Năm 1936, nhà kinh tế John Maynard Keynes xuất bản cuốn sách có tiêu đề Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ để lý giải những biến động kinh tế trong ngắn hạn nói chung và cuộc Đại khủng hoảng kinh tế nói riêng. Thông điệp cơ bản của Keynes là suy thoái và đại khủng hoảng có thể xảy ra vì tổng cầu về hàng hoá và dịch vụ thấp. Từ lâu Keynes đã phê phán lý thuyết kinh tế cổ điển vì nó chỉ giải thích được những ảnh hưởng dài hạn của chính sách.
Một vài năm trước khi đưa ra cuốn Lý thuyết tổng quát, Keynes đã viết về kinh tế học cổ điển như sau: Dài hạn là sự định hướng sai lầm cho các vấn đề hiện tại. Trong dài hạn, tất cả
84
chúng ta đều sẽ chết. Các nhà kinh tế tự đặt cho mình một nhiệm vụ quá dễ dãi, quá vô tích sự nếu như trong mùa giông bão, họ chỉ có thể nói với chúng ta khi nào bão táp đã qua thì biển sẽ lặng.
Thông điệp của Keynes nhằm vào cả các nhà hoạch định chính sách và các nhà kinh tế. Khi nền kinh tế thế giới phải chịu mức thất nghiệp cao, Keynes ủng hộ các chính sách kích thích tổng cầu, trong đó có chi tiêu chính phủ cho các chương trình việc làm công cộng. Trong hai bài cuối của môn học này, chúng ta sẽ kiểm tra xem các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng chính sách tiền tệ và tài khoá như thế nào để tác động vào tổng cầu. Các phân tích trong ba bài cuối cùng (4-6) này đều dựa trên lý thuyết của John Maynard Keynes.
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Văn Ngọc (2011), “Bài giảng Nguyên lý kinh tế vĩ mô”, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, Bài 12.
Tập bài giảng Kinh tế vĩ mô, Tập thể giảng viên Bộ môn Kinh tế học, Khoa Kinh tế- Quản lý biên soạn (lưu hành nội bộ), Chương 4