Phân loại trò chơi vận động

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ứng dụng trò chơi vận động phát triển thể lực cho học sinh khối 4 trường tiểu học nong song hong – thủ đô viêng chăn (Trang 33 - 35)

Qua nghiên cứu và tìm hiểu thực tế ở Lào và các nước trong khu vực, ngày nay trò chơi rất phong phú, đa dạng và được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, đặc biệt trong giáo dục nói chung trong đó có GDTC học sinh.

Do sự đa dạng và phong phú của trò chơi, nên việc phân loại rất phức tạp và khó khăn. Người ta chia toàn bộ trò chơi ra làm ba nhóm chính: Trò chơi sáng tạo, trò chơi vận động và trò chơi thể thao. Dưới đây một số cách phân loại. Cách phân loại căn cứ vào những động tác cơ bản: gồm một số loại trò chơi: trò chơi về nhảy, ném, leo, mang vác…và những trò chơi phối hợp hai hay nhiều hoạt động trên. Mục đích của cách phân loại này là để cho người dạy dễ chọn lọc sử dụng trong việc rèn luyện những kỹ năng vận động cơ bản cho học sinh.

Cách phân loại căn cứ vào sự phát triển các tố chất thể lực: Gồm một số loại trò chơi nhằm rèn luyện sức nhanh, trò chơi rèn luyện sức bền, trò chơi rèn luyện sức mạnh…Tuy nhiên cách phân loại này đôi khi không được chính xác bởi một trò chơi không chỉ rèn luyện một tốt chất cơ bản, mà thường là hai ba tốt chất.

Cách phân loại căn cứ vào khối lượng vận động không đáng kể được xếp vào loại trò chơi ‘ tĩnh’, ví dụ một số trò chơi: ‘Bịt mắt bắt dê’. ‘ Bỏ khăn’, … Một số trò chơi có khối lượng vận động ở mức trung bình và cao được xếp vào loại trò chơi ‘ động’, ví dụ các trò chơi chạy tiếp sức ‘ tiếp sức chuyển khăn’, ‘ chạy đổi chỗ’, ‘ chạy thoi’… Tuy nhiên cách phân loại này đôi khi không chính xác bởi cường độ, khối lượng vận động của một trò chơi có thể tăng, giảm còn phụ thuộc vào cách tổ chức ài nghệ điều khiển trò chơi.

Cách phân loại trò chơi thành hai nhóm chính và một nhóm phụ: Trò chơi chia đội, không chia đội và một nhóm phụ chuyển tiếp ở giữa.

Nhóm trò chơi không chia đội lại có thể chia ra: Loại có người điều khiển và loại không có người điều khiển; trong đó có thể chia nhỏ ra loại có toàn bộ số người tham dự cuộc chơi cùng tham gia vào chơi cùng một lúc và một loại có số người tham gia chơi phải lần lượt, thứ tự. Đặc điểm của những trò chơi không chia đội là người chơi không cùng một đích, mà mỗi người chơi độc lập, cá nhân chịu trách nhiệm về công việc của mình, ví dụ ‘ném bóng vào rổ’, ‘nhảy bao bố’…

Trò chơi chia thành đội được tiến hành với điều kiện số người chơi của các đội phải ngang nhau, thậm chí tỉ lệ các em nữ với nữ, nam với nam cũng phải bằng nhau, ví dụ ‘lăn bóng bằng tay’, ‘lò cò tập thể’….Luật của những trò chơi này thường nghiêm và chặt chẽ hơn. Như trò chơi ‘kéo co’ phải quy định từ cách đặt chân ở vạch phân chia, cách cầm dây v.v… Mỗi đội phải hành động đồng loạt với sự phối hợp chính xác, vì đôi khi sự thắng thua là kết quả của sự hiệp đồng chặt chẽ ở mức khác nhau của mỗi đội. Những trò chơi này có tác dụng giáo dục tinh thần tập thể, tính tổ chức, kỷ luật rất tốt.

Nhóm phụ ở giữa là những trò chơi vừa mang tính chất cá nhân, nhưng khi cần thiết có thể hợp thành những nhóm nhỏ, tuy nhiên sự kết hợp ở đây không thường xuyên mà là ngẫu nhiên. Ví dụ như trò chơi ‘người thừa thứ 3’…

Cách phân loại như trên đôi khi không chính xác, có những trò chơi có thể xếp ở nhóm này đồng thời cũng có thể xếp ở nhóm khác. Ví dụ trò chơi ‘rồng rắn’, ‘giành cờ’…

Qua sự trình bày ở trên, cúng ta thấy có nhiều cách phân loại trò chơi nhưng chưa có cách phân loại hoàn chỉnh, phản ảnh đầy đủ đặc điểm, tính chất của trò chơi, nhất là yếu tố giáo dục quá trình chơi và tổ chức học sinh chơi.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ứng dụng trò chơi vận động phát triển thể lực cho học sinh khối 4 trường tiểu học nong song hong – thủ đô viêng chăn (Trang 33 - 35)