Đau là do các đầu mút thần kinh cảm giác tiếp nhận các kích thích rồi truyền vào vỏ não theo các con đường khác nhau. Cơ thể sẽ giải phóng ra một hoặc nhiều chất gây đau như histamin, chất chuyển hóa acid, các kinin huyết tương (bradykinin, kalidin,...). Khi dùng thuốc giảm đau, nó giúp con vật giảm nhạy cảm với các kích thích đau. Các thụ cảm, cảm nhận các cảm giác đau có ở khắp nơi trên da, các cơ trơn, giữa các mao mạch,… Màng não mẫn cảm nhất với cảm giác đau.
Trong phẫu thuật ngoại khoa, cảm giác đau gây cản trở việc tiến hành các ca phẫu thuật. Trong bệnh nội khoa, cơn đau thường làm phức tạp thêm các quà trình bệnh lý. Vì vậy, dùng thuốc giảm đau có ý nghĩa ngăn ngừa các tác hại nói trên trong quá trình điều trị bệnh.
1. Thuốc phiện và các alkaloid của nó
Thuốc phiện có vị đắng, màu nâu đen, mùi hắc tan 50-70% trong nước.
Thuốc phiện gồm 25 alkaloid khác nhau. Trong đó, morphine là một trong những alkaloid được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh. Các alkaloid của thuốc phiện được xếp thành hai nhóm: nhóm các dẫn xuất phenanthrene (morphine thuộc nhóm này), và nhóm các dẫn xuất isoquinoline. Cả hai nhóm đều có từ nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc tổng hợp như methyl-morphine (codeine), dimethyl- morphine (thebaine) và diacetyl-morphine (heroin). Thuốc phiện loại chất lượng tốt, khô ít nhất có 10% morphin.
1.1. Morphine
Năm 1803, Serturner phân lập được từ cây thuốc phiện một alkaloid và đăt tên là morphine xuất phát từ tên morpheus-là tên gọi một vị thần cai quản về ban đêm và mộng mị trong thần thoại Hy-Lạp.
Năm 1925, Grelland và Robinson xác định được cấu trúc hóa học gốc của morphine.
Năm 1952, Gates, Tschudi tổng hợp được morphine
và xác định được công thức hóa học của nó như sau: C17H19NO3HCl.3H2O.
Trong điều trị morphine thường được sử dụng dưới dạng muối chlohydrate, hoặc sulfate. Dạng được sử dụng phổ biến là chlohydrate morphine.
Dạng nguyên chất, morphine là chất kết tinh hình vuông, vị đắng, tan kém trong nước, tan nhiều trong cồn và glycerin. Nhưng các muối của morphine dễ tan trong nước.
Tác dụng dược ly
Công thức cấu tạo của morphine
Tác dụng lên hệ thần kinh trung ương Tác dụng giảm đau:
Thuốc có tác dụng giảm đau rất mạnh và nhanh. Thuốc làm lu mờ cảm giác đau và nhận thức đau (nếu là ở người). Tác dụng của thuốc này là làm tăng ngưỡng cảm giác đau, do vậy làm giảm độ nhạy cảm đối với các kích thích đau. Ở gia súc, khi cho morphine, ở một số gia súc lúc đầu có những biểu hiện kích thích nhẹ hoặc mạnh tùy loài, sau đó mới có tác dụng ức chế. Tuy nhiên, ở mỗi loài gia súc có mức độ kích thích khác nhau đối với thuốc. Ngựa, bò, dê, cừu, lợn, mèo thường bị kích thích trước khi đỡ đau và gây ngủ. Đặc biệt mèo, trạng thái kích thích rất rõ.
Tác dụng gây nghiện:
Morphine tác dụng lên não, với liều thấp thuốc sẽ gây ức chế nhẹ. Đối với người thuốc sẽ mang lại nhiều ý tưởng dồn dập, những cảm giác dồi dào tạo nên một sự mơ màng, khoái lạc. Do đó nếu thuốc được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây nghiện.
Tác dụng lên các cơ quan khác Tác dụng lên hệ hô hấp:
Thuốc sẽ ức chế trung khu hô hấp, giảm phản xạ ho, gây co thắt khí quản và phóng thích histamine gây cơn hen khí quản. Morphine còn ức chế trung tâm ho ở hành tủy, từ đó có tác dụng chế ngự phản xạ ho.
Tác dụng lên hệ tuần hoàn:
Với liều điều trị, thuốc gây tác dụng không rõ. Với liều cao thử trên động vật thí nghiệm thì gây ức chế trung khu vận mạch làm giảm nhịp tim, giảm huyết áp.
Tác dụng lên hệ tiêu hóa:
Thuốc có tác dụng kích thích cơ vòng hậu môn, trong khi lại ức chế nhu động ruột làm cho thức ăn lưu lại trong đường tiêu hóa, nhất là ruột già, vì vậy sinh ra hiện tượng táo bón.
Tác dụng lên hệ tiết niệu và sinh dục:
Morphine có tác dụng chống lợi tiểu làm cho con vật giảm thải nước tiểu. Thuốc tác dụng điều hòa hoạt động làm giảm co bóp tử cung của oxytocin.
Tác dụng hợp đồng và đối lập
Tác dụng hợp đồng: morphine có tác dụng hợp đồng với một số thuốc mê, thuốc an thần, atropine….
Tác dụng đối lập: morphine đối lập với nalorphine.
Dược động học
Hấp thu: morphine được hấp thu qua đường tiêu hóa, qua niêm mạc mũi, phổi (người hút thuốc phiện), qua đường tiêm dưới da, tiêm bắp, ít khi tiêm tĩnh mạch.
Bài tiết: thuốc này được bài tiết chủ yếu qua nước tiểu (90%), một số ít được bài tiết qua phân.
Ứng dụng điều trị
Trong thú y morphine có thể sử dụng can thiệp vào các trường hợp sau:
Được sử dụng phối hợp với các thuốc ngủ, thuốc mê để tạo cơn mê sâu hơn và an toàn hơn. Thường trước khi sử dụng các dẫn xuất barbiturate 45 phút, cho morphine để ức chế trung khu hô hấp, giảm tai biến.
Dùng để giảm đau bên ngoài, hoặc bên trong (xương, khớp, nội tạng) của các loài gia súc.
Làm thuốc dịu đau toàn thân.
Có thể dùng trong chứng đau bụng ngựa. Liều lượng (đối với morphine chlohydrate):
Ngựa: 0,25 - 0,75 g/kgP
Trâu, bò: 0,5 - 1,0 g/kgP
Lợn: 0,01 - 0,015 g/kgP
Chó: 0,005 - 0,01 g/kgP
Cách dùng: tiêm dưới da hoặc tiêm bắp. Chú y: dùng morphine khi con vật đang đói.
Độc tính
Morphine thuộc nhóm thuốc độc, do vậy nếu dùng sai chỉ dẫn có thể gây ngộ độc ở các mức độ khác nhau như sau:
Ngộ độc cấp tính: thể hiện qua hai giai đoạn:
Giai đoạn đầu: giai đoạn này diễn ra nhanh trong thời gian gắn. Con vật ở trạng thái kích thích, lảo đảo, mạch nhanh, hô hấp tăng, có trường hợp nôn mửa.
Giai đoạn tiếp theo: con vật bị ức chế sâu, ngủ li bì, đồng tử mắt khép lại và giảm phản ứng với ánh sáng, con vật thở khó (thường thở kiểu Cheynes - stockes), tiến tới ngạt thở, tím tái và chết.
Cách giải độc: tiến hành rửa dạ dày nhiều lần (15-20 phút/ lần) dù là thuốc uống hay thuốc tiêm, cho uống thuốc tẩy muối, than hoạt tính tính tính, đồng thời tiêm giải độc bằng nalorphine (liều 2mg/kg trong lượng sống của gia súc, tiêm dưới da).
Ngộ độc mãn tính:
Trường hợp này chủ yếu gặp ở những người nghiện thuốc phiện hoặc người sử dụng lạm dụng morphine. Biểu hiện ở người là rối loạn tâm sinh lý, giảm khả năng chống bệnh, dễ bị nhiễm trùng và dễ chết do bệnh ở phổi.
Cách giải độc: ở người hiện tại có nhiều phương pháp khác nhau. Nói chung các phương pháp đều sử dụng trên hai khía cạnh chủ yếu, một mặt dùng thuốc, mặt khác tác động nhiều biện pháp tâm sinh lý khác nhau trong qua trình điều trị.
Chống chỉ định
Morphine được chống chỉ định trong các trường hợp sau: Đang bị suy hô hấp cấp hoặc mãn tính.
Đang bị suy gan hoặc thận.
Trẻ em, người già, phụ nữ đang có thai, do thuốc qua được nhau thai ảnh hưởng đến bào thai.
Chú ý: trong thú y cùng nhóm với morphine còn có thể dùng codeine, pethidine hydrochloride, entophine,…
1.2. Papaverin
Tính chất lý hóa học
Papaverin là alkaloid có tỷ lệ thuốc phiện 0,8 - 1%. Là thuốc độc bảng A. Dạng thường dùng trong điều trị là papaverin chlorhydrate, là chất kết tinh, màu trắng.
Tác dụng dược lý
Thuốc không tác dụng tới hệ thần kinh trung ương. Chủ yếu tác dụng chống hiện tượng co thắt cơ trơn. Trường hợp cơ trơn không ở trạng thái co thắt, thuốc gây tác dụng không đáng kể.
Ứng dụng điều trị
Thuốc thường được dùng để giảm các cơn đau bụng. Dùng trong trường hợp con vật có hiện tượng co thắt mạch quản gây khó thở. Dùng để cầm ỉa chảy. Dùng để giảm co thắt tử cung trong trường hợp xảy thai. Dùng giảm nôn do phản xạ ở chó.
Liều lượng:
Đại gia súc: 0,2 - 0,4g/kgP
Chó: 0,01 - 0,05g/kgP
Cách dùng: tiêm dưới da hoặc bắp thịt, thường dùng kết hợp với atropin sulfate.
1.3. No - spa
Có các tác dụng dược lý tương tự như papaverin, nhưng có mạnh hơn. Liều lượng:
Đại gia súc: 0,2 - 0,4g/kgP
Tiểu gia súc: 0,04 - 0,08g/kgP
2. Một số thuốc giảm đau khác2.1. Pethidine hydrochloride 2.1. Pethidine hydrochloride 2.1.1. Tính chất lý hóa học
Tên thương phẩm là dolargan, meperidin, dolatin. Là chất bột kết tinh màu trắng, vị đắng, dễ hòa tan trong nước và các dung môi hữu cơ, hòa tan kém hơn trong cồn và chloroform.
2.1.2. Tác dụng dược lý
Pethidine hydroclorid là một thuốc giảm đau tổng hợp có tính chất giống morphin, nhưng pethidine có tác dụng nhanh hơn và thời gian tác dụng ngắn hơn so với morphin.
Pethidine gây khô miệng, nhưng với liều giảm đau tương đương với morphin thì ít gây co thắt cơ trơn (ở đường mật, ống tiêu hóa, đường tiết niệu), ít gây táo bón, và làm giảm phản xạ ho kém hơn. Khác với morphin, liều gây độc có thể kích thích hệ thần kinh trung ương. Pethidine có thể gây nghiện thuốc giống morphin và do đó có nguy cơ bị lạm dụng.
Thuốc có tác dụng giải trừ các cơn đau, nhất là đau do cơ trơn co thắt. Thuốc được hấp thu nhanh: ở chó sau khi uống 30-45 phút là có hiệu quả giảm đau, thời gian tác dụng kéo dài 4-6 giờ; sau khi tiêm bắp trong vòng 20 phút đã có tác dụng, thời gian tác dụng kéo dài khoảng 3-4 giờ, thời gian tác dụng của thuốc tùy thuộc vào mức độ đau, con vật càng đau tần số cho thuốc càng phải ngắn lại.
2.1.3. Dược động học
Khi uống, pethidine hydroclorid được hấp thu ở ống tiêu hóa, nhưng khả dụng sinh học theo đường uống kém hơn so với đường tiêm, vì thuốc phải qua chuyển hóa ban đầu ở gan, chỉ có khoảng 50 - 60% liều đi vào vòng đại tuần hoàn dưới dạng không biến đổi. Tác dụng của pethidine uống chỉ bằng một nửa so với tiêm. Nồng độ đỉnh trong huyết tương xuất hiện sau khi uống thuốc từ 1 đến 2 giờ. Nồng độ trong huyết tương cần thiết để có tác dụng giảm đau là 500 - 700 microgram/lít.
Tác dụng xuất hiện sau khi uống thuốc 15 phút và kéo dài 2 - 3 giờ. Sau khi tiêm bắp, tác dụng xuất hiện khoảng 10 phút, tác dụng giảm đau mạnh nhất xuất hiện sau 0,5 - 1 giờ và kéo dài từ 2 - 4 giờ. Khoảng 60 - 80% thuốc gắn vào các protein huyết tương. Thể tích phân bố là 4,4 ± 0,9 lít/kg. Sự đào thải pethidine và norpethidine tăng lên nếu nước tiểu acid. Trong nước tiểu có khoảng 2 - 5% liều thuốc được bài xuất dưới dạng không bị biến đổi.
Liều lượng: liều cho tất cả các loài: 3-5 mg/kg, cho uống hoặc tiêm bắp.
Công thức hóa học của pethidine hydrochloride
2.2. Estocelan
2.2.1. Tác dụng dược lý
Estocelan là một biệt dược có tác dụng gây an thần đối với hệ thần kinh trung ương, đồng thời gây ức chế hệ thần kinh phó giao cảm do đó có tác dụng chống co thắt cơ trơn. Tác dụng của thuốc kéo dài từ 4-6 giờ.
2.2.2. Ứng dụng điều trị
Trị các chứng đau bụng do tăng nhu động ruột, ỉa chảy, chứng đau co thắt của hệ tiết niệu - sinh dục, trị chướng bụng đầy hơi của bê nghé.
Liều lượng:
Trâu, bò, ngựa: 20 -25 ml/con
Bê, nghé, lợn: 5-10 ml/con
Chó mèo: 1-2,5 ml/con
Cách dùng: tiêm chậm vào tĩnh mạch và tiêm bắp thịt đối với trâu, bò, lợn, và tiêm dưới da đối với mèo. Ngoài ra còn có dạng thuốc viên nén dùng cho mèo.
2.3. Isaverin
Thuốc này tác dụng tương tự như papaverin, chủ yếu là chống hiện tượng co thắt cơ trơn.
Trong thú y thuốc được dùng chủ yếu để trị chứng đau bụng ngựa, cũng có thể dùng trong các chứng co thắt cơ trơn loài nhai lại.
Liều lượng: ngựa: 10 - 20 ml, tiêm dưới da hay bắp thịt.