Thuốc tác dụng tới huyết tương

Một phần của tài liệu Bài giảng Dược lý học Thú y (Trang 99 - 103)

II. Thuốc tác dụng lên hệ thống tuần hoàn

4. Thuốc tác dụng tới huyết tương

4.1. Thuốc gây đông máu

4.1.1. Thrombin

Chế phẩm của nó là một chất bột máu vàng nhạt. Là một loại men có trong huyết tương, tan trong nước.

Trước khi sử dụng hòa tan vào nước sinh lý. Hoạt tính của dung dịch được đo bằng đơn vị coagulant. Một đơn vị coagulant là một lượng thrombin hòa tan trong 1ml nước muối sinh lý, làm đông 1ml máu oxalat trong một phút ở nhiệt độ 200C.

Thường được dùng trong các trường hợp chảy máu mao quản cục bộ. Pha dung dịch 0,2% trong nước muối sinh lý để cầm máu ngoài da.

4.1.2. Vitamin K

a) Nguồn gốc

Từ thực vật, vitamin K có trong thảo mộc, rơm rạ, cỏ, đặc biệt có nhiều trong cây họ đậu.

Từ động vật, có nhiều trong dầu cá, mỡ lợn, lòng đỏ trứng,…

Gia súc ăn cỏ thường không thiếu vitamin K vì trong cỏ có một hàm lượng vitamin K nhất định. Mặt khác vi sinh vật đường ruột, đặc biệt hệ vi sinh vật dạ cỏ cũng tổng hợp được một lượng vitamin K nhất định.

b) Tính chất

Là chất lỏng, màu hơi vàng, sánh như dầu. Có thể ở dạng tinh thể nhưng không bền vững, dễ bị oxy hóa. Do vậy thường được bảo quản trong lọ thủy tinh màu tối. Vitamin K tan trong mỡ, chính vì vậy muốn cơ thể hấp thu được tốt vitamin K cần phải nhũ hóa mỡ. Quá trình nhũ hóa này nhờ mật từ tuyến mật đổ vào ruột. Những con vật gan yếu, khả năng sinh mật kém, hoặc bị tắc ống dẫn mật sẽ không hấp thu được vitamin K nên dễ thiếu vitamin K.

Trong các bệnh nhiễm trùng đường ruột, do uống nhiều thuốc kháng sinh, sulphamid, làm giảm khả năng tổng hợp vitamin K của hệ vi sinh vật đường ruột gây thiếu vitamin K.

c) Tác dụng dược lý

Vitamin K khi vào cơ thể sẽ tham gia vào quá trình tổng hợp prothrombin. Do đó làm cho lượng prothrombin trong máu tăng lên sẽ xúc tiến quá trình đông máu.

d) Ứng dụng điều trị

Dùng để cầm máu trong các trường hợp chảy máu, hoặc cầm máu trong phẫu thuật.

Dùng bổ sung trong các trường hợp cơ thể thiếu vitamin K, thấy hiện tượng máu khó đông (do dùng nhiều các thuốc kháng sinh điều trị bệnh ở đường ruột,…)

Công thức cấu tạo của vitamin K

Dùng cầm máu trong các trường hợp ngộ độc các chất antivitamin K, cumarin, indandion,… làm máu khó động.

Cách dùng: thường dùng tiêm bắp, có thể cho uống. Liều lượng:

Trâu, bò: 0,1 - 0,25g/con

Ngựa: 0,1 - 0,2g/con

Dê, cừu: 0,05 - 0,07g/con

Lợn: 0,02 - 0,025g/con.

4.1.3. Calcium chloride (CaCl2.6H2O)

Là chất bột màu trắng, dễ hút ẩm, rất dễ tan trong nước và cồn, có vị đắng.

a) Tác dụng dược lý

Thuốc có tác dụng hoạt hóa men thrombokinaza, do vậy xúc tiến quá trình đông máu. Ngoài ra còn cầm máu theo cơ chế gây co mạch ngoại biên.

b) Ứng dụng điều trị

Dùng cầm máu trong các trường hợp chảy máu, máu khó đông.

Cách dùng: liều lượng cho đại gia súc từ 0,025 - 0,03g/kg thể trọng; tiểu gia súc từ 0,01 - 0,03g/kg thể trọng, pha dung dịch 10% tiêm tĩnh mạch.

Ngoài ra còn nhiều thuốc cầm máu khác nhau pectinum, gelatinum, calcium, gluconate,…

4.2. Thuốc chống đông máu 4.2.1. Heparin

Heparin là một mucopolysarcharid có trọng lượng phân tử cao (15000 - 17000), được điều chế từ gan, phổi bò, là chất bột màu nâu, dễ tan trong nước.

a) Tác dụng dược lý

Thuốc có tác dụng kích thích cục bộ, nếu cho uống sẽ bị mất hoạt tính bởi tác động của dịch vị dạ dày. Tiêm vào cơ thể thuốc có tác dụng chống đông máu. Tiêm tĩnh mạch có tác dụng ngay, thời gian tác dụng kéo dài được 1 - 6giờ.

b) Cơ chế chống đông máu

Heparin khi vào cơ thể sẽ gắn với protein huyết tương (globulin), làm giảm hoạt tính của men thronbokinaza. Thuốc còn có tác dụng tăng ái lực của thrombin với antithrombin và gắn với chúng, do đó có tác dụng ngăn cản fibrinogen chuyển thành fibrin. Heparin mất hoạt tính ở gan do tác dụng của men heparinaza.

c) Ứng dụng điều trị

Dùng để phòng và trị hiện tượng nghẽn mạch, tắc mạch, cấp cứu trong trường hợp tắc mạch tim, não, phổi.

Liều lượng: liều trung bình cho các loài gia súc là 75 – 130UI/kg thể trọng, tiêm tĩnh mạch.

4.2.2. Natrium citrate

Là chất bột kết tinh không mùi hắc, màu trắng, vị hơi mặn, dễ tan trong nước, không tan trong cồn.

a) Tác dụng dược lý

Có tác dụng chống đông máu theo cơ chế: thuốc kết hợp với ion Ca++ tạo thành calcium citrate ít phân li, do vậy làm giảm lượng ion Ca++ trong cơ chế đông máu, cản trở việc chuyển prothrombin thành thrombin hoạt động.

b) Ứng dụng điều trị

Dùng bảo quản máu, dung dịch 2,5 - 3,8%.

Dùng tráng hệ thống truyền máu trực tiếp với nồng độ 3,8 - 5%. Dùng trong các xét nghiệm nghiên cứu về máu, nồng độ 5%.

Dùng chống tắc mạch nghẽn mạch, liều lượng đại gia súc 5 - 8g/con; chó 0,2 -0,7g/con.

Liều trung bình cho các loại gia súc là 0,75mg/kg thể trọng. Pha dung dịch 10% trong nước muối sinh lý, tiêm tĩnh mạch.

Ngoài ra còn nhiều thuốc chống đông máu khác như dicoumarolum, neodiciumarium, acid oxalic, natrium oxlate,...

4.3. Các dịch thay thế máu (dịch truyền)

Về tác dụng, các dung dịch này có vai trò thay thế huyết tương nên còn gọi là plasma expandex. Dịch này được dùng truyền vào cơ thể thay thế máu điều chỉnh thể tích, ổn định huyết áp trong các trường hợp cơ thể bị mất máu, chống ngộ độc, ỉa chảy, mất nước,...

Có nhiều loại dịch truyền khác nhau, hiệu quả nhất là truyền máu, huyết tương, huyết thanh. Ngoài ra là các dung dịch điện giải khác.

4.3.1. Hydrolyrate

Là dung dịch đạm thủy phân, thành chủ yếu là các polipeptid và các acid amin,

thường dùng truyền tĩnh mạch. a) Tác dụng dược lý

Hydrolyrate có tác dụng thay máu. Nó có ưu điểm là dễ hấp thu, bổ sung được các acid amin và protein cho cơ thể, thường dùng kết hợp với dung dịch glucoza. Thuốc có tác dụng giải độc và kích thích tăng trưởng gia súc.

b) Ứng dụng điều trị

Thường dùng hydrolysium là hydrolyzate của máu trâu bò (có chứa các acid amine không thay thế, 2% glucoza và kalium chloride).

Được dùng trong các trường hợp viêm ruột, suy dinh dưỡng, bỏng, ngộ độc, chống nôn, nhiễm trùng máu, kích thích tăng trưởng cho gia súc.

Liều lượng: tiêm dưới da hoặc tiêm bắp, bê, nghé 50 - 100ml/con; lợn con 25 -4ml/con, dùng trong 3 - 5 ngày.

4.3.2. Dextran

Còn gọi là haemodex, là dung dịch dextran 6%, sảm phẩm của loài vi khuẩn

Leuconostoe mesenteroides, plysarcharid có trọng lượng phân tử lớn gần như

anbumine huyết. Thuốc ở dạng dung dịch có màu vàng nhạt.

a) Tác dụng dược lý

Khi truyền tĩnh mạch sẽ giữ được trong máu từ 24 - 48giờ (do có phân tử lượng cao nên khó thấm qua thành mạch để thải trừ ra ngoài).

Có tác dụng làm tăng thể tích huyết tương và máu, dẫn đến tăng huyết áp. Nếu dùng phối hợp dung dịch dextran và máu với tỷ lệ 1/1 sẽ có tác dụng giải độc rất tốt.

b) Ứng dụng điều trị

Được dùng trong các trường hợp choáng do mất máu, do chấn thương, dùng trong phẫu thuật, dùng khi con vật bị tiêu chảy máu, bị các bệnh gan, thận.

Liều lượng: dùng dung dịch 6% truyền tĩnh mạch, liều thường dùng cho các loài gia súc là 10 - 25ml/kg thể trọng.

Ngoài ra còn có các dung dịch khác như polyvinypyrolidonum, polymerizat,...

4.4. Các dung dịch đẳng trương 4.4.1. Dung dịch đường glucoza

Dung ưu trương 10 - 40%. Dung dịch đẳng trương 5%. Dung dịch nhược trương 2,5%.

a) Tác dụng dược lý

Các dung dịch này chỉ có tác dụng bù lượng nước cơ thể đã bị mất và cung cấp thêm năng lượng cho cơ thể. Ngoài ra còn có tác dụng hạn chế sự tự phân hủy protein trong cơ thể. Dung dịch này không có tác dụng cân bằng chất điện giải.

b) Ứng dụng điều trị

Dùng trong các trường hợp cơ thể bị mất nước do ỉa chảy, nôn mửa, mất máu, suy dinh dưỡng, toan huyết. Dung dịch ưu trương được dùng trong trường hợp bại huyết, chảy máu do chấn thương, viêm não,...

4.4.2. Dung dịch muối NaCl

Dung dịch ưu trương 10%. Dung dịch đẳng trương 0,9%. Dung dịch nhược trương 0,45%.

a) Tác dụng dược lý

Có tác dụng bổ sung lượng nước cơ thể đã mất, góp phần cân bằng chất điện giải.

b) Ứng dụng điều trị

Dung dịch ưu trương dùng trong trường hợp liệt ruột, giảm co bóp. Dung dịch đẳng trương dùng trong mất máu, mất nước do ỉa chảy.

Dung dịch nhược trương dùng trong trường hợp con vật bị bệnh đường huyết.

Một phần của tài liệu Bài giảng Dược lý học Thú y (Trang 99 - 103)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w