2.1. Gia đình có truyền thống bạo lực
Giống như nhiều hình thức xâm hại khác, bạo lực gia đình không phải do nguyên nhân di truyền hay bệnh tật. Người ta sinh ra không phải để trở thành thủ phạm của bạo lực và phần lớn không phải do ốm đau, bệnh tật đã biến một người hiền lành thành kẻ gây bạo lực hung dữ. Bạo lực gia đình là một hành vi thu nhận được thông qua quan sát và giao tiếp với cá nhân và các thiết chế xã hội. Các hành vi cũng như những động cơ ngầm ẩn bên trong thủ phạm như: chống lại ai? làm như thế nào? ở đâu? khi nào?...đều do học hỏi mà có.
Bố chồng chị L cục cằn, thô lỗ, thường xuyên đánh chửi mẹ chồng và những người con trai trong gia đình cũng theo gương bố mà bắt chước. Hàng xóm xung quanh cũng đều xa lánh, chẳng có ai muốn va chạm với họ. Họ cũng nhiều khi chửi mắng hàng xóm khi họ sang can ngăn. Bản thân chị L cũng phải nhẫn nhịn mỗi khi bị chồng đánh mà không dám kể cho hàng xóm biết.
(Ca số 174: N.N.L, 27 tuổi)
Bạo lực gia đình và sự ủng hộ cho hành vi này đã được thủ phạm học hỏi qua quan sát trực tiếp. Chẳng hạn như đứa bé trai chứng kiến bố hành hạ
Phạm Thị Mai Hương
82
mẹ nó hay những hình ảnh bạo lực trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì đứa trẻ đó có nguy cơ trở thành người gây ra bạo lực vì nó có thể nhận thấy trong nhiều trường hợp thủ phạm không bị quy trách nhiệm, không bị bắt, truy tố hay kết án do hành vi bạo lực mà hắn gây ra.
2.2. Gia đình có kinh tế khó khăn
Thực tế cho thấy, bạo lực thường xảy ra ở những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hơn là những gia đình khá giả. Cách giải thích chung nhất cho hiện tượng này là những cặp vợ chồng phải bươn chải vất vả để kiếm sống thường có nhiều sự căng thẳng hơn. Đã có thời người ta tránh nói đến hai chữ “thất nghiệp” và những người thất nghiệp được gọi bằng một từ dễ nghe hơn là “lực lượng lao động dự bị”. Tuy vậy hiện nay việc thất nghiệp hay mất việc làm đã không còn là điều gì xa lạ nữa. Khi một người phụ nữ mất việc mà người chồng vẫn đi làm bình thường thì gia đình cũng chỉ gặp những khó khăn nhất định. Không hiếm người chồng còn muốn vợ thôi việc để chăm sóc gia đình. Nhưng khi người đàn ông, người đã được xã hội coi là
“trụ cột gia đình” mà mất việc thì bầu không khí nặng nề bao trùm lên ngôi
nhà...Bạo lực giới trong gia đình cũng do những khó khăn kinh tế gây ra.
Từ khi làm ăn lụi bại, cuộc sống gia đình T hết sức khó khăn. Bố T sinh ra tâm lý bất mãn nên thường xuyên cáu bẳn, gắt gỏng, nói năng thô tục thậm chí đánh cả mẹ. Mấu chốt của vấn đề là từ kinh tế gia đình, bố mặc cảm với sự thua thiệt và cố gỡ, nhưng càng gỡ lại càng tệ hơn. Vay vốn làm ăn không có khả năng thanh toán hết. Bây giờ làm được đồng nào bố lại nướng hết vào đỏ đen, số đề, kết cục phải đem nhà đi gán nợ. Mẹ T tiều tụy, gầy guộc nhưng vẫn cố làm vì các con. Mấy mẹ con thường xuyên phải nghe bố nạt nộ, ăn nói tục tĩu. Mẹ con có nhắc nhở thì bố lập tức trừng mắt, chửi, đánh. Bố T không cho các em học, vì theo ông học tốn tiền mà chẳng làm được gì.
(Ca số 21: N.T.T, 20 tuổi)
Khi một người mất việc thì thu nhập của gia đình giảm sút, kinh tế trở nên eo hẹp, đời sống trở nên khó khăn. Người phụ nữ được chồng nuôi có khi lại tự hào, nhưng không mấy người đàn ông thích được vợ nuôi. Khi đó họ
Phạm Thị Mai Hương
83
không chỉ cảm thấy lép vế với vợ con mà còn ngại gặp bạn bè. Tự nhiên mất đi vai trò “trụ cột”, đàn ông sẽ cảm thấy mình là người vô tích sự, ăn bám vợ con. Song điều lớn hơn cả đối với người đàn ông khi mất việc là vấn đề hụt hẫng tâm lý bởi đó là một cú sốc lớn trong cuộc sống.
Bạo lực gia đình có nguồn gốc từ những thay đổi nhanh chóng về kinh tế- xã hội. Đó chính là sức ép của xã hội hiện đại đối với vai trò giới, do nam
giới phải chịu nhiều áp lực xã hội về vai trò giới. Nam giới thường được coi
là trụ cột trong gia đình. Khi địa vị kinh tế, xã hội của họ có nguy cơ bị phụ nữ lấn lướt hoặc chịu nhiều áp lực quá nặng nề của xã hội công nghiệp, khi vai trò trụ cột của người nam giới không đáp ứng được mong đợi, họ cảm thấy bị hụt hẫng thì họ thường có những hành vi sai lệch và có xu hướng sử dụng bạo lực để thể hiện “nam tính”. Gia đình là môi trường thuận lợi để nam giới khẳng định địa vị, quyền lực của họ bằng bạo lực [31, 132]
Nhận thức chung cho rằng bạo lực trong gia đình do những khó khăn kinh tế gây ra. Tuy nhiên, không chỉ gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà tình trạng bạo lực còn xuất hiện trong những gia đình bắt đầu khá giả như trường hợp sau.
Mọi chuyện trở nên không gỡ nổi khi chồng chị T có tiền bán đất. Từ khi có tiền, chồng chị sinh ra chơi bời hay đem tiền đi “bao” gái không ai khuyên nổi. Nay anh ta quá si mê một cô cave. Anh ta ngang nhiên cặp bồ, dẫn về nhà nhiều lần, chị chỉ còn biết cam chịu nhẫn nhục vì hễ mở miệng nói gì là anh ta đánh không tiếc tay. Chị thường xuyên bị chồng túm tóc, đập đầu vào tường, xuống nền nhà hoặc anh ta lấy gót giầy đánh vào đầu, vào mặt.
(Ca số 117: T.T.T, 36 tuổi)