3. Những nguyên nhân cá nhân
3.1. Từ phía nạn nhân
3.1.1. Bị phụ thuộc kinh tế
Có rất nhiều lý do khiến người phụ nữ phải chấp nhận tình trạng bạo lực trong gia đình, trong đó bị phụ thuộc kinh tế khiến người phụ nữ phải chịu đựng tình trạng bạo lực trong thời gian dài. Theo nguyên tắc thứ hai
Phạm Thị Mai Hương
84
trong lý thuyết xung đột của Collins thì: Các chủ thể có tiềm năng vật chất lớn có thể cưỡng lại, thậm chí có thể biến đổi các giới hạn vật chất. Trong khi đó, các chủ thể có ít tiềm năng thì hầu như bị hệ thống vật chất của chính họ chi phối suy nghĩ và hành động.
Chị H là người có tư tưởng cam chịu vì bị phụ thuộc kinh tế không làm ra tiền. Chị chưa bao giờ nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng nào vì chị muốn yên cửa yên nhà. Chị đã nghĩ đến ly hôn nhiều lần nhưng vì thương con nên lại thôi. Khó khăn của chị là nếu ly hôn chị sẽ không có gì cả. Chị có nguyện vọng được nuôi con nhưng lo sợ không thể đảm bảo kinh tế, không có được điều kiện nuôi con ăn học, không có chỗ ở.
(Ca số 137: N.T.H, 36 tuổi)
Trong trường hợp trên, người vợ trở thành nạn nhân của bạo lực khi hoàn toàn bị phụ thuộc về kinh tế và người chồng kiểm soát mọi chuyện trong gia đình. Hơn thế nữa, người vợ còn thiếu tin tưởng vào khả năng của bản thân, lo ngại không có tiền bạc hoặc không đủ tiền để chăm sóc con cái. Họ còn có quan niệm rằng việc chồng bạo lực đối với vợ là việc riêng tư của gia đình nên đã không tìm sự can thiệp từ bên ngoài.
3.1.2. Nhận thức sai lầm
Bản thân người phụ nữ cũng có những xét đoán sai lầm về bạo lực trong gia đình, coi rượu chè, sự căng thẳng của chồng hoặc những lỗi lầm của người vợ là nguyên nhân gây bạo lực. Với hy vọng người gây bạo lực sẽ thay đổi, nhất là họ đang trong giai đoạn hối lỗi, phụ nữ đã chấp nhận và tha thứ. Chính sự chấp nhận, chịu đựng của người vợ đã làm cho chu kỳ bạo lực tiếp diễn và lặp lại.
Chị N còn cho mình sướng hơn nhiều người có chồng nghiện hút bị chồng đánh đập, hành hạ đến chết và chuyện chồng đánh vợ là phổ biến, bình thường.
(Ca số 126: Đ.T.N, 38 tuổi)
Nạn nhân cho rằng mặc dù có hành vi bạo lực, thủ phạm có thể có những phẩm chất tốt nên anh ta sẽ thay đổi. Thực tế cho thấy một số thủ
Phạm Thị Mai Hương
85
phạm bạo lực gia đình có thể là người trụ cột tốt của gia đình, công dân chịu khó, tốt bụng nhưng anh ta vẫn đánh nạn nhân. Đôi khi nạn nhân bị lầm do những tính tốt này và cho rằng bạo lực có thể không thật sự đã xảy ra.
Chị L kết hôn với anh L người mà lúc đầu chị nhận xét là hiền lành, chịu khó làm ăn, không rượu chè, cờ bạc lại ít nói. Trong cuộc sống gia đình, anh vẫn chăm chỉ làm việc, kiếm được bao nhiêu tiền đưa hết cho vợ quản lý.
Nhưng do tính khí cục cằn, trong một lần vợ trách “Anh mua thịt thế này thì
con làm sao mà ăn được!”, anh lập tức cầm dao đuổi đánh vợ, chém vào tay
phải, đứt cơ cẳng tay dài gần 7cm và một vết rách khác dài 4cm.
(Ca số 174: N.N.L, 29 tuổi)
Trong trường hợp trên, chị L muốn tha thứ cho chồng để gia đình được hạnh phúc nhưng chị cũng mong muốn có ai đó giáo dục để chồng không đánh chị nữa.
3.1.3. Nạn nhân chịu đựng
Mặc dù bị bạo lực, không phải tất cả nạn nhân đều tìm đến ly hôn như một biện pháp trốn chạy. Số lượng nạn nhân âm thầm chịu đựng sống trong cảnh bị bạo lực khá lớn (62 ca= 37,6 %). Sự im lặng của họ do nhiều nguyên nhân: ảnh hưởng của tư tưởng truyền thống về vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ, tư tưởng bất bình đẳng về giới.
Chị T đã có ý định ly dị và bỏ về nhà mẹ đẻ trong 2 tháng. Sau đó bố mẹ 2 bên đều khuyên vợ chồng quay lại với nhau. Mẹ chị còn nói chị nên chịu đựng, nhẫn nhịn, phụ nữ thì thường chịu thiệt thòi. Bản thân T là chị cả, không muốn ảnh hưởng tới tâm lý của các em nên chị chấp nhận quay lại và không bao giờ nghĩ đến chuyện ly dị nữa.
(Ca số 170: N.T.T, 29 tuổi)
Ngoài ra, sự tồn tại của những tư tưởng bất bình đẳng về giới khiến cho người phụ nữ nghĩ rằng cần phải nhẫn nhục chịu đựng để giữ danh dự cho gia đình và không muốn nhờ sự giúp đỡ của bên ngoài.
Chị B cảm thấy rất chán sống cuộc sống như thế này nhưng lại không dám ly hôn vì không có công ăn việc làm. Hơn nữa nhà chị có 6 anh chị em lập gia đình thì có đến 2 người đã ly hôn. Khi chị có ý định ly hôn thì bố mẹ đẻ của chị nói rằng “thà chết đi còn hơn”, ông sợ xấu hổ với bà con hàng
Phạm Thị Mai Hương
86
xóm. Nên nếu ly hôn, chị B không có khả năng về ở với bố mẹ, như vậy chị sẽ bơ vơ không biết nương tựa vào đâu.
(Ca số 116: C.B, 27 tuổi)
Vai trò giới là kết quả của quá trình xã hội hóa cá nhân. Các cấu trúc hành vi, tình cảm và thái độ đặc thù cho mỗi giới đã có sẵn trong xã hội trước khi đứa trẻ chào đời. Kể từ khi lọt lòng đến khi mất đi, con người không ngừng tiếp thu và làm theo các cấu trúc giới đang tồn tại một cách khách quan. Trẻ em nam và trẻ em nữ bắt chước, học tập các cách ứng xử theo khuôn mẫu quy định một cách tương ứng đối với nam hay nữ. Sự phát triển trí tuệ của phụ nữ theo lứa tuổi thể hiện rõ sự phân biệt giới hay vai trò giới. Một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, quá trình xã hội hóa của phụ nữ trải qua những giai đoạn tiếp thu kiến thức rất khác so với nam giới. Nếu nhìn nhận một cách cực đoan, có thể hình dung là: Khi còn nhỏ ở nhà, phụ nữ phải tiếp nhận kiến thức một chiều, kiến thức chủ quan- giáo điều của cha mẹ. Khi đi làm việc, phụ nữ phải tiếp thu kiến thức- thủ tục, những cách chỉ dẫn về cách làm việc mà nhiều khi không cần và không được hỏi, được biết tại sao lại phải làm như vậy. Với cách nhìn khách quan hơn, có thể thấy qúa trình xã hội hóa vai trò giới của nữ tỏ ra nặng nề, cứng nhắc hơn so với nam. Điều này bộc lộ qua hiện tượng khá phổ biến trong xã hội phong kiến ngày trước là
“trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”. Chính vì định kiến về
giới nói trên mà chị B tiếp tục chấp nhận cuộc sống không hạnh phúc khi bố mẹ nói “thà chết đi còn hơn” nếu chị ly hôn.
Trong hầu hết các gia đình, dù mâu thuẫn vợ chồng xảy ra ở mức độ nào cũng đều có tác động xấu đến con cái. Đôi khi người phụ nữ che giấu tình trạng bị bạo lực của mình nhằm giữ hình ảnh về một gia đình đầm ấm, hạnh phúc nhưng rồi “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra”.
Sau khi bị chồng hành hạ, đe dọa, chị H nước mắt như mưa, lang thang hơn 2 tiếng đồng hồ rồi mới về nhà. Đứa con gái bé ra tận cổng đón mẹ. Nó bảo “nhìn mặt bố hằm hằm, lại không có mẹ về cùng, chúng con
Phạm Thị Mai Hương
87
không dám hỏi nhưng con nghĩ là có chuyện. Anh con cất hết dao búa rồi. Bố để một cái gậy to ở đầu giường, mẹ đừng về”.
(Ca số 11: H.M.H, 43 tuổi)
Lúc ấy chị không còn thương thân mình nữa mà là thương con, chị đã giấu con những va chạm, mâu thuẫn vợ chồng, nhưng chính cách hành xử của anh khiến các con đều biết. Chị ôm con khóc rưng rức. Chị có 3 con chăm ngoan, học giỏi, kinh tế gia đình ổn định nhưng một điều khổ tâm nhất với chị là ông chồng vũ phu mà chị luôn phải đối mặt hơn 20 năm nay. Chị nhẫn nhịn duy trì cuộc sống hôn nhân sẽ tốt hơn cho con cái.