Theo quy định của WTO, để có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với các hàng hoá nhập khẩu, cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh được hai nội dung là hàng hoá nhập khẩu có bán phá giá hoặc có trợ cấp và việc bán phá giá, trợ cấp gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước.
Căn cứ vào hai nội dung này, một số nước sử dụng mô hình gồm hai cơ quan độc lập và mỗi một cơ quan sẽ chịu trách nhiệm về một nội dung nói trên, theo đó sẽ có hai cơ quan độc lập:
- Cơ quan điều tra để xác định mức độ bán phá giá, mức trợ cấp và mức tăng trưởng nhập khẩu từ các nước xuất khẩu.
- Cơ quan điều tra mức độ thiệt hại gây ra cho ngành sản xuất nội địa và mối liên hệ giữa những hành vi nêu trên với thiệt hại.
Những nước áp dụng mô hình này thường là các nước có lịch sử áp dụng các biện pháp này từ rất lâu như Hoa Kỳ, Canada (gần 100 năm),... Việc áp dụng mô hình này có ưu điểm là tính chuyên môn hóa cao. Phương pháp điều tra cũng rất quy củ và nguồn nhân lực phục vụ cho công tác điều tra dồi dào và có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là bộ máy rất cồng kềnh, yêu cầu cao về mặt nhân sự và tài chính để duy trì các cơ quan này cũng là một vấn đề đáng phải cân nhắc.
Do đó, có một số nước lại theo mô hình thành lập một cơ quan duy nhất để thực hiện cả hai nội dung đó.
- Mô hình gồm hai cơ quan độc lập và mỗi một cơ quan sẽ chịu trách nhiệm về một nội dung điều tra của Hoa Kỳ
Theo pháp luật Hoa Kỳ, cơ quan chịu trách nhiệm thực thi các biện pháp đảm bảo công bằng trong thương mại quốc tế gồm có hai cơ quan là Bộ Thương mại (Department of Commerce - DOC) và Uỷ ban thương mại quốc tế (International Trade Commission – ITC).
DOC là cơ quan hành pháp có trách nhiệm và vai trò điều tra, xem xét là liệu hàng nhập khẩu có bị bán phá giá hay trợ cấp hay không và nếu có thì biên độ phá giá (trong các vụ chống bán phá giá) và mức trợ cấp (trong các vụ chống trợ cấp) là bao nhiêu. ITC là một cơ quan độc lập, được Quốc hội thành
lập năm 1916 dưới tên gọi Uỷ ban Thuế quan Hoa Kỳ (U.S. Tariff Commission). Sau đó Luật thuế thương mại năm 1974 đã đổi tên cơ quan này thành Uỷ ban thương mại Quốc tế Hoa Kỳ như hiện nay. ITC có nhiệm vụ điều tra, xem xét, phân tích về việc liệu hàng nhập khẩu bị bán phá giá có phải là nguyên nhân gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước hay không.
- Mô hình thành lập một cơ quan duy nhất để thực hiện cả hai nội dung điều tra của Hàn Quốc.
Cơ quan xử lý các vấn đề về chống bán phá giá, chống trợ cấp và áp dụng các biện pháp tự vệ của Hàn Quốc là Uỷ ban Thương mại Hàn Quốc (Korean Trade Commission) trực thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng (MOCIE – Ministry of Commerce, Industry and Energy). Ủy ban này được thành lập vào tháng 7 năm 1987 theo Điều 38 của Luật Thương mại quốc tế.
Theo quy định của “Luật Điều tra các hành vi thương mại quốc tế không lành mạnh và các biện pháp khắc phục thiệt hại đối với ngành sản xuất”, Uỷ ban Thương mại Hàn Quốc hiện nay gồm 1 Chủ tịch và 7 ủy viên trong đó có một ủy viên thường trực. Chủ tịch và các ủy viên do Tổng thổng bổ nhiệm dựa trên đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng. Chủ tịch và các ủy viên có nhiệm kỳ 3 năm và có thể được bổ nhiệm lại.
Uỷ ban Thương mại Hàn Quốc có các chức năng sau :
+ Thực thi các biện pháp để đối phó với thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa gây ra bởi việc bán phá giá hoặc trợ cấp cũng như sự gia tăng nhập khẩu từ các nhà xuất khẩu nước ngoài;
+ Thực hiện các biện pháp chống lại các hành vi thương mại quốc tế không lành mạnh như vi phạm quyền sở hữu trí tuệ;
+ Điều tra các tác động lên cạnh tranh đối với ngành sản xuất trong nước do các hành vi nhập khẩu gây ra;
+ Điều tra và nghiên cứu các hành vi thương mại khác.
Giúp việc cho Ủy ban là 4 Ban chức năng như Ban điều hành, Ban điều tra bán phá giá, Ban điều tra thiệt hại và Ban điều tra thương mại không lành mạnh.
Như vậy có thể thấy mô hình của Hoa Kỳ và Hàn Quốc khác nhau chủ yếu ở việc hai bộ phận điều tra bán phá giá, trợ cấp và bộ phận điều tra thiệt hại nằm ở hai cơ quan độc lập hay nằm chung trong một cơ quan. Đa số các cơ quan được thành lập sau này đều đi theo mô hình ghép chung hai bộ phận trong cùng một cơ quan vì sẽ thuận tiện hơn cho quá trình điều tra và phối hợp. Còn mô hình tách riêng hai cơ quan chủ yếu được áp dụng cho các nước phát triển và đã thành lập những cơ quan này từ lâu (chủ yếu thành lập trước khi có Hiệp định GATT 1947).