Cục quản lý cạnh tranh

Một phần của tài liệu Pháp luật về cơ quan quản lý cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp (Trang 36 - 38)

Thực tiễn các nước trên thế giới có nhiều mô hình tổ chức quản lý cạnh tranh như đã phân tích ở mục 1.2.1 Chương 1. Ở Việt Nam hiện nay, Cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam là Cục quản lý cạnh tranh trực thuộc Bộ thương mại (nay là Bộ Công thương).

Theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật cạnh tranh, Cơ quan quản lý cạnh tranh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Kiểm soát quá trình tập trung kinh tế theo quy định của Luật này;

- Thụ lý hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ; đề xuất ý kiến để Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

- Điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh;

- Xử lý, xử phạt hành vi cạnh tranh không lành mạnh; - Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Với nhiệm vụ, quyền hạn nói trên, Cơ quan quản lý cạnh tranh của Việt Nam vừa có chức năng giống như một cơ quan tư pháp, vừa có chức năng của một cơ quan hành chính. Chức năng giống như một cơ quan tư pháp thể hiện qua chức năng điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh và trực tiếp xử lý, xử phạt

hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Chức năng của một cơ quan hành chính thể hiện qua nhiệm vụ kiểm soát quá trình tập trung kinh tế và thụ lý hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ, đề xuất ý kiến đề Bộ trưởng Bộ Thương mại quyết định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bên cạnh đó theo khoản 1 Điều 1 Nghị định số 06/2006/NĐ-CP ngày 9/1/2006 về việc thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh ngoài chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Công thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, còn thực hiện chức năng chống bán phá giá, chống trợ cấp, áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc đối phó với các vụ kiện trong thương mại quốc tế liên quan đến bán phá giá, trợ cấp và áp dụng các biện pháp tự vệ. Cục Quản lý cạnh tranh do Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương.

Cũng theo Nghị định này chức năng, nhiệm vụ chính của Cục Quản lý cạnh tranh được thể hiện trên ba lĩnh vực chính đó là: cạnh tranh, phòng vệ thương mại và bảo vệ người tiêu dùng, cụ thể là :

* Lĩnh vực cạnh tranh, Cục quản lý cạnh tranh có nhiệm vụ và quyền hạn: - Thụ lý, tổ chức điều tra các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh

- Tổ chức điều tra xử lý đối với các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác

- Kiểm soát quá trình tập trung kinh tế

- Phát hiện và kiến nghị cơ quan có liên quan giải quyết theo thẩm quyền về những văn bản đã ban hành có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật cạnh tranh

- Xây dựng luật và chính sách cạnh tranh

* Lĩnh vực phòng vệ thương mại (hay còn gọi là các biện pháp bảo đảm công bằng thương mại), Cục quản lý cạnh tranh có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Thụ lý, tổ chức điều tra việc nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam để đề xuất áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ theo quy định của pháp luật

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng trong nước đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ của nước ngoài đối với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam

- Xây dựng luật và chính sách liên quan đến việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

* Lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, Cục quản lý cạnh tranh có nhiệm vụ và quyền hạn:

- Quản lý hoạt động bảo vệ người tiêu dùng của tổ chức xã hội, tổ chức hòa giải; hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng; tư vấn, hỗ trợ và nâng cao nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng

- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

- Xây dựng luật và chính sách bảo vệ người tiêu dùng.

Một phần của tài liệu Pháp luật về cơ quan quản lý cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp (Trang 36 - 38)