Một số nước lại chia cơ quan xử lý các vụ việc đảm bảo công bằng thương mại thành hai cơ quan độc lập là cơ quan điều tra mức độ bán phá giá, mức trợ cấp, mức tăng trưởng nhập khẩu và cả điều tra thiệt hại do các hành vi trên gây ra đối với ngành sản xuất trong nước và cơ quan ra quyết định xử lý vụ việc dựa trên cơ sở điều tra của cơ quan trên. Chẳng hạn như mô hình của Liên minh Châu Âu
Trước đây các quốc gia Châu Âu đều có luật pháp và cơ quan riêng xử lý những vụ kiện thương mại như chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ. Tuy nhiên vào tháng 3/1957, 6 quốc gia đầu tiên (Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luc-xam-bua, Đức, Ý) đã ký Hiệp ước thành lập Cộng đồng kinh tế chung châu Âu (EEC). Trên cơ sở đó, tháng 2/1992, Liên minh Châu Âu (EU) được thành lập với 12 nước sáng lập và đến nay đã có 25 thành viên [31].
Việc thành lập EEC là một bước ngoặt trong chính sách chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ của các thành viên vì đây là một liên minh thuế quan và thương mại. Theo đó hàng hoá giữa các quốc gia thành viên được miễn thuế và có một hệ thống thuế quan chung đối với thị trường các quốc gia ngoài Liên minh. Chính vì vậy, EU đã phải thành lập một cơ quan chuyên trách xử lý các vụ kiện thương mại đại diện cho cả 25 thành viên. Cơ quan đó chính là Tổng vụ Thương mại châu Âu, thuộc Ủy ban Châu Âu (EC).
Tổng vụ Thương mại Châu Âu trực thuộc Uỷ ban Châu Âu là cơ quan thực thi những công việc liên quan đến biện pháp khắc phục thương mại, trong đó chịu trách nhiệm chính là Vụ Bảo vệ Thương mại (Trade Defense). Vụ Bảo vệ Thương mại (Vụ B) thuộc Tổng vụ Thương mại là nơi tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ (bao gồm cả điều tra biên độ phá giá, mức trợ cấp và điều tra thiệt hại).
Sau khi Tổng Vụ Thương mại hoàn tất quá trình điều tra sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ sang Uỷ Ban Châu âu (European Council) và Uỷ ban Châu Âu sẽ là nơi quyết định mức thuế và các biện pháp áp dụng với hàng nhập khẩu từ các nước vào EU. Mô hình này tương đương với mô hình hiện nay của Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định của Việt Nam hiện nay, Cục Quản lý cạnh tranh là nơi tiến hành điều tra, sau đó sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cho Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ để tư vấn và trình Bộ trưởng Bộ Thương mại ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý.
CHƯƠNG 2