Di tích ruộng Tịch Điền.

Một phần của tài liệu lễ hội chùa đọi trong đời sống của cư dân trong vùng (Trang 29 - 30)

Đọi Sơn được coi là thế đất phát tích đế vương. Nơi đây, ngay trong những buổi đầu độc lập, vua Lê Đại Hành đã cày ruộng tịch điền ở chân núi Đọi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép: “Đinh Hợi/Thiên Phúc năm thứ 8, mùa xuân, vua lần đầu tiên đi cày ruộng tịch điền ở chân núi Đọi được một hũ nhỏ vàng, lại cày ở núi Ban Hải được một hũ nhỏ bạc nhân đó đặt tên là ruộng kim ngân”. Đây là ông vua đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam đi cày ruộng tịch điền để khuyến khích phát triển nông nghiệp. Trong đền vua Lê ở Hoa Lư-Ninh Bình còn giữ được câu đối ca ngợi Lê Hoàn cày ruộng:

Thuỵ vân, cam vũ thiên hữu ngưỡng Tạc tỉnh, canh điền đế lực chi.

Nghĩa là: Mây lành mưa ngọt ơn tiên đế, Đào giếng, cày ruộng sức của vua.

Hiện nay khu ruộng tịch điền này vẫn còn dấu tích, nhân dân trong vùng quen gọi là ruộng làng Lê chạy dài suốt từ đình làng Đọi Tam đến chân núi Đọi Nhất. Giữa khu ruộng rộng còn dấu vết của một nền nhà vuông vắn rộng 6 sào cao hơn các ruộng xung quanh 30cm gọi là nhà hiến nơi dâng của ngon vật lạ của nhân dân trong vùng khi vua đến đây cày ruộng. Cách nhà Hiến 200m về phía Đông Nam còn có dấu vết của một nền nhà vuông vắn nữa rộng độ 3 mẫu cao hơn xung quanh 40cm mà nhân dân quen gọi là Dinh ngoài. Cách Dinh ngoài 50m về phía Đông là Dinh trong nằm sát chân núi cũng rộng khoảng 3 mẫu. Giữa Dinh ngoài và Dinh trong có một nơi gọi là Tàu ngựa nơi nhốt ngựa của nhà vua.

Một phần của tài liệu lễ hội chùa đọi trong đời sống của cư dân trong vùng (Trang 29 - 30)