Lễ hội chùa Đọi góp phần củng cố khối đoàn kết cộng đồng.

Một phần của tài liệu lễ hội chùa đọi trong đời sống của cư dân trong vùng (Trang 75 - 78)

Chùa Đọi là một cơ sở sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân Đọi Sơn và là trung tâm thờ cúng của nhân dân cả xã chứ không phải là của một làng cụ thể nào. Điêù này có vẻ hơi khác lạ. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Như vậy kiến trúc không gian của ngôi làng

cổ truyền của người Việt đặc biệt là làng trong vùng ĐBBB thì hầu như mỗi làng quê đều có một ngôi chùa. Đó không chỉ là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trong làng đặc biệt vào các ngày rằm và mồng một mà còn là linh hồn của cả làng, là trung tâm văn hoá của người dân làng đó. Như vậy trong tâm thức những người con xa quê thì mái chùa vô cùng thiêng liêng và gần gũi như một phần trong tâm hồn của họ.

Xã Đọi Sơn có 7 làng nhưng toàn xã chỉ có 2 ngôi chùa trong đó ngôi chùa Long Đọi Sơn là ngôi chùa chung của tất cả người dân nơi đây (ngôi chùa dưới làng Đọi Tam cũng thuộc quản lí của ngôi chùa này gọi là chùa Hạ nhưng chủ yếu là người dân Đọi Tam cúng lễ). Ngôi chùa không chỉ là tài sản chung mà còn là niềm tự hào của nhân dân nơi đây. Do vậy lễ hội chùa Long Đọi Sơn được tổ chức vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm của toàn dân trong xã.

Ngày hội chùa Đọi, nhân dân Đọi Sơn từ già trẻ, gái, trai đều tham gia một cách hết sức nhiệt tình trên tinh thần tự nguyện thậm chí còn nhận thấy đó là một vinh dự lớn. Có thể trong công việc hàng ngày trong từng làng thì người dân tự giải quyết một cách độc lập. Nhưng chùa Đọi là ngôi chùa chung và lễ hội chùa Đọi là lễ hội chung nên rất cần sự đoàn kết chung của nhân dân trong toàn xã góp công sức để tổ chức cho buổi lễ hội nơi đây một cách chu đáo nhất để xứng đáng với vị thế của ngôi chùa này, là nơi thể hiện bộ mặt của người dân nơi đây. Đó là công việc chung của cả tổng mà lại là công việc thuộc về tâm linh tôn giáo nên nhân dân trong vùng tự giác bảo ban nhau chuẩn bị tổ chức lễ hội thật chu đáo như là một cách thể hiện tấm lòng thành của nhân dân

Đọi Sơn dâng lên Đức Phật mong các bậc thánh thần phù hộ độ trì cho nhân dân. Đó chính là chỗ dựa tinh thần cho người dân trong cuộc sống.

Ngoài ra nhân dân Đọi Sơn không chỉ có lễ hội chùa Đọi là lễ hội chung của toàn xã mà vùng này còn có một ngày lễ hội chung của các làng được tổ chức vào 10,11,12-7 âm lịch hàng năm. Đó là lễ hội đền Đức Thánh Cả thờ Cao Sơn Đại Vương mà tất cả các thôn trong xã Đọi Sơn đều thờ làm thành hoàng làng mình. Ngày đó tất cả các thôn đều lấy làm ngày hội làng. Tuy đây là hai lễ hội chung của nhân dân trong vùng nhưng nó hơi khác ở chỗ một lễ hội chùa thờ Phật và một lễ hội đình thờ Thánh. Điều đó thể hiện sự phong phú về đời sống tâm linh tôn giáo của người dân nơi đây. Với đặc thù là một vùng tổ chức nhiều lễ hội chung nên đây cũng là công việc chung cần tất cả mọi làng cùng góp công sức thực hiện

Qua hoạt động sinh hoạt văn hoá tâm linh chung, nhân dân vùng này cảm thấy thân ái nhau hơn. Họ cùng ngồi lại với nhau, bàn bạc xây dựng và thống nhất các kế hoạch tổ chức lễ hội. Từ đó khối đại đoàn kết giữa các làng trong tổng Đọi Sơn ngày càng được cũng cố vững chắc. Đó chính là cội nguồn của sức mạnh dân tộc. Đặc biệt trong lễ hội đền Đức Thánh Cả hiện nay còn có tục ăn giao hiếu giữa hai thôn Đọi Lĩnh và Đọi Tín. Sau khi các hoạt động tế lễ tại đền Đức Thánh Cả đã hoàn tất, các đội tế và kiệu rước trở về làng mình còn đội lễ và đội kiệu của thôn Đọi Lĩnh không về đình làng mình ngay mà theo lời mời của thôn Đọi Tín thanh la chiêng trống cùng kiệu về đình Đọi Tín tổ chức ăn uống linh đình từ trưa sang chiều sau đó mới trở về làng mình tổ chức lễ hội làng. Hôm đó người Đọi Lĩnh là thượng khách. Tại sân đình Đọi Tín, hai người đứng đầu hai thôn làm lễ giao hiếu nêu cao tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong mọi lĩnh vực. Theo tục truyền thì năm nay thôn Đọi Tín mời thôn Đọi Lĩnh thì sang năm thôn Đọi Lĩnh lại mời thôn Đọi Tín về đình làng mình ăn giao hiếu và mọi việc vẫn diễn ra như vậy. Do đó, người Đọi Lĩnh và Đọi Tín luôn coi nhau như anh em một nhà. Với truyền

thống đó nhân dân hai làng đã giúp nhau rất nhiều trong sự phát triển kinh tế xã hội hay bất cứ công việc trong lĩnh vực nào và mối quan hệ giữa những người dân trong hai làng này rất tốt đẹp. Đó là một truyền thống quý báu của người dân hai làng cần bảo tồn và phát triển.

Tinh thần đoàn kết, cộng cảm cùng nhau gánh vác công việc chung của nhân dân Đọi Sơn được thể hiện rất rõ trong quá trình chuẩn bị và tổ chức lễ hội. Người dân các thôn tự giác phân công nhau cùng giúp chính quyền xã và nhà chùa chuẩn bị tổ chức lễ hội cho thật chu đáo từ chuyện dọn dẹp đến phục vụ trong mấy ngày diễn ra lễ hội. Những truyền thống văn hoá tốt đẹp đó cũng xuất phát từ hoàn cảnh thực tế của vùng mà nó được tiềm ẩn dưới cái vỏ của sinh hoạt văn hoá tôn giáo. Như chúng ta đã biết từ xưa Hà Nam nói chung và vùng Đọi Sơn nói riêng là vùng có vị trí địa lí quan trọng và rất thuận lợi về giao thông thuỷ bộ mà sách Lịch triều hiến chương loại chí có ghi “Thực là cái bình phong phiên chắn của trung đô và kho tàng của nhà vua”. Đó là con đường huyết mạch thông thương Bắc-Nam, là con đường sông mà vua quan nhà Trần từ Thăng Long về hành cung Tức Mặc (Thiên Trường-Nam Định). Nếu lực lượng nào khống chế được vùng này đặc biệt là con đường giao thông thì sẽ kiểm soát được một vùng rất rộng lớn và sẽ uy hiếp trực tiếp kinh thành Thăng Long. Do vậy vùng này luôn phải đối đầu với nạn ngoại xâm nên người dân nơi đây phải đoàn kết nhau lại cùng bảo vệ nền độc lập của nước nhà. Mặt khác, với địa thế cao của chùa Đọi có thể khống chế một vùng rộng lớn xung quanh. Do vậy trong cuộc kháng chiến chống Pháp nhân dân Đọi Sơn đã đoàn kết nhau thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến không để cho bọn giặc Pháp đóng trên núi Đọi buộc chúng phải dịch chuyển và đóng trên núi Điệp cách đó khoảng 2 km về phía Bắc.

Bên cạnh đó, đây còn là một cái rốn nước của vùng ĐBSH. Khi xưa hệ thống thuỷ lợi chưa được kiện toàn như bây giờ thì vùng này quanh năm ngập úng và lũ lụt xảy ra triền miên. Có năm vào mùa lũ nước ngập trắng một

vùng và ngập đến chân lưng núi Đọi. Để chống chọi với sức tàn phá của thiên nhiên và nạn giặc ngoại xâm để tồn tại và phát triển buộc nhân dân nơi đây không còn sự lựa chọn nào khác là phải đoàn kết nhau một lòng chiến đấu và chiến thắng trong cuộc đấu tranh sinh tồn đầy khắc nghiệt này.

Ngày nay, khi nỗi lo về nạn ngoại xâm và lụt lội tạm nhẹ đi nhưng nhân dân nơi đây vẫn cần phải phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết trong cuộc đấu tranh mới. Lễ hội chùa Đọi là một nhân tố quan trọng để củng cố khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư nơi đây tạo nên sức mạnh, là nguồn gốc và động lực cho quá trình phát triển của người dân. Đó cũng là những giá trị truyền thống quý báu của con người nơi đây thể hiện trong hoạt động lễ hội.

Một phần của tài liệu lễ hội chùa đọi trong đời sống của cư dân trong vùng (Trang 75 - 78)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(136 trang)
w