Bên cạnh những hoạt động thể thao và các trò chơi giải trí thì lễ hội chùa Đọi còn tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ phong phú đa dạng mang
nhiều phong cách truyền thống và hiện đại nhằm thoả mãn nhu cầu giao lưu tình cảm của con người đến với lễ hội và để mỗi cá nhân con người có cơ hội thể hiện tài năng của mình trước đám đông quần chúng mà bình thường không mấy có cơ hội, để họ hiểu nhau hơn, cảm thấy cuộc đời đẹp hơn và mọi người gần nhau hơn mặc dù họ là những người không hề quen biết.
Chiều 20-3 Phòng Văn hoá-Thể thao huyện kết hợp với ban tổ chức lễ hội tổ chức một buổi giao lưu văn nghệ quần chúng trước sân nhà Tam Quan. Các “ca sĩ” là những người đi hội và họ hát đủ những thể loại âm nhạc cả truyền thống đến hiện đại để tô điểm cho không khí của lễ hội. Hoạt động này thu hút đại đa số nam nữ thanh niên đi hội và họ hát với tất cả nhiệt tình của tuổi trẻ.
Tối 20-3, đoàn chèo Hà Nam biểu diễn và giao lưu tại sân bàn cờ. Các cô gái mặc quần lĩnh áo tứ thân, các chàng trai áo the đen khăn xếp đem đến cho lễ hội những làn điệu dân ca cổ và những làn điệu dân ca Hà Nam mượt mà đằm thắm ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa và ca ngợi cảnh đẹp và văn hoá của con người nơi đây. Những khúc hát giao duyên, những điệu chèo lại càng làm cho lễ hội thêm đậm nét văn hoá truyền thống xưa.
Ngoài những hoạt động văn nghệ đó còn rất nhiều hoạt động văn nghệ quần chúng. Các đoàn lễ thập phương về đây lễ Phật nghỉ lại qua đêm, họ tổ chức những buổi diễn lại các tích xưa để răn đời hay tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống đích thực trong cuộc sống hiện đại như các tích: Lưu Bình-Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, ….Họ biểu diễn trước mọi người xem lễ hội không trang phục diễn xuất, không đạo diễn hay kịch bản mà họ diễn bằng tài năng của mình và thật sự đó là những màn biểu diễn đầy ấn tượng. Ngày xưa ở lễ hội chùa Đọi thường có những tốp hát xẩm nhưng hiện nay không còn nữa. Đồng thời các đội chèo của các xã lân cận cũng được mời
tham dự để phục vụ nhu cầu thưởng thức văn nghệ của nhân dân trong lễ hội và để tôn cao những giá trị cao đẹp của lễ hội truyền thống nơi đây.
Lễ hội chùa Đọi xưa thường được tổ chức rất nhiều trò chơi truyền thống. Những hoạt động đó ngoài việc mang lại những giá trị thiết thực ngay trong lễ hội là đem lại tiếng cười sảng khoái cho những người tham dự lễ hội, nó đã đem lại những giây phút thư giãn để mọi người lấy lại thăng bằng và sức lực trong cuộc sống ngày mới sau những ngày lao động vất vả. Mặt khác nó còn là những hoạt động nhằm tái hiện và giáo dục những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc cho thế hệ trẻ để họ biết tự hào, trân trọng và gìn giữ những giá trị đích thực của ông cha bao đời nay đã xây dựng và gìn giữ mà mọi người thường tôn vinh là những giá trị Chân Thiện Mĩ trong cuộc sống con người vươn tới. Đó cũng là một phần giá trị đích thực của lễ hội truyền thống nơi đây.
Tuy nhiên sau một thời gian dài không được tổ chức, trong lễ hội chùa Đọi hiện nay thì một số hoạt động truyền thống không còn được diễn ra nữa mà thay vào đó là một số hoạt động vui chơi hiện đại. Đây là một hiện tượng tất yếu trong thực trạng lễ hội truyền thống được tổ chức trong xã hội ngày nay. Điều đó cần được sự quan tâm của các cấp, ban, ngành nhằm bảo lưu và phát triển những giá trị văn hoá truyền thống, tổ chức hợp lí những trò chơi hiện đại để có sự kết hợp hài hoà giữa giá trị truyền thống và hiện đại nhằm hạn chế những tác động xấu của cơ chế thị trường tới hoạt động lễ hội truyền thống của vùng hiện nay.
Tiểu kết.
Lễ hội chùa Đọi là một lễ hội chùa truyền thống mang đậm bản sắc văn hoá của vùng nông nghiệp trồng lúa nước đặc biệt là vùng chiêm trũng nơi đây.Trong lễ hội này nó còn bảo lưu được nhiều giá trị văn hoá truyền thống thể hiện qua các hoạt động diễn ra trong lễ hội. Đó chính là các giá trị tạo nên
sức mạnh to lớn của dân tộc được tryền từ đời này qua đời khác. Trong sự biến đổi chung của đất nước, lễ hội chùa Đọi cũng không nằm ngoài quy luật đó. Một số yếu tố truyền thống mất đi thay vào đó những yếu tố hiện đại nhưng không phải vì vậy mà các giá trị truyền thống bị lấn át trong nhịp sống hiện đại. Ngày nay theo chủ trương của Đảng ta thì “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ( Nghị quyết 5, BCHTƯĐ khoá 7). Ngày nay lễ hội chùa Đọi đã dần đựơc khôi phục lại những giá trị truyền thống bên cạnh những yếu tố văn hoá hiện đại. Đó là con đường phát triển tất yếu của lễ hội trong tiến trình phát triển của dân tộc. Lễ hội chùa Đọi được diễn ra hàng năm càng tô thêm vẻ đẹp của quê hương Hà Nam-một vùng tươi đẹp về phong cảnh nhưng cũng rất khắc nghiệt đối với cuộc sống của con người. Lễ hội chùa Đọi là một sinh hoạt văn hoá tâm linh vô cùng quan trọng đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi con người nơi đây như là sức mạnh lôi cuốn những người xa trở về với quê nhà sau những ngày xa xứ.
CHƯƠNG 3