Những nhân vật được thờ tự trong chùa Long Đọi Sơn.

Một phần của tài liệu lễ hội chùa đọi trong đời sống của cư dân trong vùng (Trang 34 - 38)

Việt Nam không phải là quê hương của bất kì một tôn giáo lớn nào nhưng lại là nơi tiếp thu và dung hoà nhiều tôn giáo lớn trên thế giới với tín ngưỡng dân gian bản địa tạo nên một màu sắc tôn giáo độc đáo và đa dạng.Do vậy, một hiện tượng thường thấy là trong bất cứ một ngôi chùa nào đó ở miền Bắc Việt Nam hiện nay không đơn thuần chỉ thờ Phật mà bên cạnh đó còn có phủ thờ Mẫu, ban thờ Đức Thánh, Đức Hoàng Hậu. Chùa Long Đọi Sơn cũng là một ngôi chùa như vậy. Ngay từ thời nhà Lý nơi đây đã được coi là nơi tùng lâm chốn tổ, nơi đất Phật nên trong chùa là thờ tượng Phật là chủ yếu. Đây là nơi ngự thiền của các vị Bồ Tát, Đức Phật Di Lặc, các vị La Hán và Hộ pháp trong các gian chùa chính. Tuy nhiên, trong hậu điện của chùa có thờ nhị vị đức chúa (Lý Thường Kiệt, Lý Nhân Tông), Nguyên phi Ỷ Lan, phía phải ngôi chùa còn có phủ để thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, phía trái là nhà thờ tổ thờ 10 đời sư tổ đã trụ trì nơi đây.

Nhị vị Đức Chúa là Lý Thường Kiệt-một danh tướng nhà Lý đã có công lớn trong các cuộc phá Tống bình Chiêm năm xưa và đựơc nhân dân tôn là vị anh hùng dân tộc. Đây là nhân vật có tầm quan trọng lớn đối với sự tồn vong của đất nước cũng như triều Lý trong buổi đầu độc lập. Nhớ ơn to lớn đó, triều Lý cùng nhân dân nhiều nơi đắp tượng thờ vọng ông-một vị công

thần khai quốc. Do vậy khi nhà Lý cho xây dựng ngôi chùa này đã lập điện thờ ông.

Bên cạnh tượng Lý Thường Kiệt là tượng vua Lý Nhân Tông ngồi song hành trên ban Đức Chúa. Đây là vị vua thứ 4 triều Lý con của vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan. Là một đấng minh quân, cả đời ông luôn chăm lo cho cuộc sống của muôn dân trăm họ nên trong thời gian trị vì của ông cũng là lúc Đại Việt triều Lý thanh bình thịnh vượng. Công đức của ông đã được Lê Quý Đôn ca ngợi “Xứng đáng là vị anh quân đời Lý”. Là một vị vua tôn sùng đạo Phật trong thời gian trị vì ông đã cho xây dựng chùa tháp ở khắp nơi như xây chùa Diên Hựu (Hà Nội), tháp Vạn Phong Thành Thiên ở núi Chương Sơn (Ý Yên- Nam Định), Chùa Phật Tích ở núi Lạn Kha (Tiên Sơn- Bắc Ninh)... Chính ông là người cho mở mang chùa Long Đọi Sơn, xây bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh với mong muốn cầu mãi điều thiện, kéo dài tuổi thọ và phúc lộc cho muôn dân. Từ đó vị thế của ngôi chùa được khẳng định, nhân dân trong vùng và khách thập phương về đây lễ Phật quanh năm.

Trong hậu điện có thờ Thái hậu Phù Thánh Linh Nhân (Vương phi Ỷ Lan). Đây là một vị hoàng hậu được sử sách ca ngợi rất nhiều công lao to lớn của bà trong nội trị trên vai trò nhiếp chính thay cho vua Lý Thánh Tông đang đi dẹp loạn ở phương Nam. Trong thời gian bà thay quyền chồng, nội bộ triều Lý được yên ổn, đoàn kết, đời sống nhân dân được chăm lo, mùa màng tươi tốt, nhân dân hưởng thái bình. Đây cũng là một động lực rất lớn cho vua Lý Thánh Tông quyết tâm dẹp yên loạn giặc phương Nam khải hoàn trở về cho xứng đáng với công lao của bà.

Bà là mẹ của vua Lý Nhân Tông và là một người rất tôn sùng đạo Phật. Trong cuộc đời bà đã cho xây dựng chùa tháp trên một trăm nơi trong đó có chùa Long Đọi Sơn. Tuy là người phụ nữ tài đức nhưng trong vai trò người nhiếp chính khi đất nước đang loạn lạc, bà đã không tránh khỏi một số sai lầm. Tương truyền Thái hậu hối hận việc Dương thái hậu và nhiều cung nữ

khác vô tội mà bị giết nên bà đã xây nhiều chùa để sám hối và giải oan. Tuy vậy, điều đó cũng không làm giảm đi công lao của bà đối với đất nước. Bà đã cúng vào chùa Đọi 72 mẫu ruộng thờ tự được ghi rất rõ ở mặt sau của tấm bia đá Sùng Thiện Diên Linh. Với công lao với đất nước, đối với nhân dân và với chùa Long Đọi Sơn, nhân dân nơi đây đã thờ phụng bà ngay trong hậu cung của nhà chùa quanh năm hương khói.

Ngoài Đức Phật, Đức Chúa, Đức Hoàng Hậu thì chùa Long Đọi Sơn còn thờ nhiều danh nhân đất nước. Đó vừa là biểu hiện của bức tranh tôn giáo đa dạng nơi đây(Nho-Phật-Đạo) vừa thể hiện đạo lí Uống nước nhớ nguồn

của dân tộc như một thành tố quan trọng hình thành nên bản sắc văn hoá và sức mạnh khối đoàn kết dân tộc của nhân dân nơi đây.

Tiểu kết

• Trên đây là những nét tổng quan về Đọi Sơn và di tích chùa Đọi. Đó là môi trường hình thành nên lễ hội chùa Long Đọi Sơn.Trong môi trường ấy con người nơi đây đã xây dựng cho mình một sắc thái văn hoá mang đặc trưng của vùng đồng trũng. Thiên nhiên ưu đãi nơi đây nhiều cảnh đẹp nhưng cũng đem lại không ít khó khăn cho cuộc sống con người với nạn lụt lội luôn thường trực. Thế ứng sử của con người với tự nhiên và con người với con người đã tạo nên một phong cách riêng biệt của người dân nơi đây. Tìm hiểu về chùa Đọi và lễ hội chùa Đọi ta hiểu được văn hoá và đời sống tâm linh của người dân vùng này. Mặt khác, chùa Đọi không chỉ là một trung tâm sinh hoạt tôn giáo tâm linh của nhân dân vùng này mà còn là một ngôi chùa cổ lưu giữ rất nhiều di vật cổ quý giá lại toạ lạc trong một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Đến với chùa Đọi và lễ hội chùa Đọi, chúng ta không chỉ để lễ Phật cầu may mà còn được chiêm ngưỡng những di vật của ông cha để lại, đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên nơi cửa Phật tìm lại giây phút thanh thản trong

cuộc sống. Điều đó làm cho chùa Đọi và lễ hội chùa Đọi mang một giá trị nhân văn sâu sắc.

CHƯƠNG 2:

LỄ HỘI CHÙA ĐỌI

Chùa Đọi là một ngôi chùa dựng trên núi Đọi. Núi lấy tên chùa, chùa lấy vẻ đẹp của núi. Đây là một ngôi chùa đã xuất hiện có lẽ ngay từ buổi đầu khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam. Trong lịch sử tồn tại chùa đã lưu giữ dấu ấn của nhiều thế hệ các cao tăng và những người xây dựng nên ngôi chùa này.

Lễ hội chùa Đọi bắt đầu tổ chức vào năm 1840 mà có thể trước đó nó cũng được tổ chức vào một ngày nào đó nhưng quy mô nhỏ hơn. Đây là lễ hội ngoài việc tham quan vãn cảnh và lễ Phật ra thì còn là dịp tưởng nhớ ngày mất của Hoà thượng Thích Chiếu Thường Nhục Thân Bồ Tát - người có công lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển chùa vào ngày 21-3 âm lịch.

Hoà thượng Thích Chiếu Thường sinh năm 1765 mất năm 1840 quê ở Đọi Lĩnh-Đọi Sơn-Duy Tiên-Hà Nam. Là một vị chân tu đức cao vọng trọng nên một lúc hoà thượng trụ trì tại 3 chùa: chùa Thọ ở Thường Tín (Hà Tây), chùa Đa Bảo ở Phú Xuyên (Hà Tây) nhưng nơi chính vẫn là chùa Đọi ở Đọi Sơn (Duy Tiên-Hà Nam). Sách nhà Phật có ghi “ Vị chân tu đạo cao đức trọng này đã có lần vào trong Thanh Hoá cầu nguyện cho mẹ vua (Quốc Mẫu) khỏi được bệnh khi ra về được vua ban cho một đôi đũa Kim giao và một chén ngọc (hiện vật này bị mất vào năm 1947 do chủ trương tiêu thổ kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta)

Một phần của tài liệu lễ hội chùa đọi trong đời sống của cư dân trong vùng (Trang 34 - 38)