7. Kết cấu của luận văn
2.2.2. Xây dựng và ban hành danh mục dự án thu hút FDI
Đây là hoạt động rất quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước để định hướng hoạt động FDI phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với các sở, ban ngành liên quan lập và công bố danh mục dự án thu hút FDI trên địa bàn, Trong đó, Đà Nẵng ưu tiên các dự án FDI đầu tư công nghiệp đóng sửa tàu biển, du lịch giải trí, chế biến nông lâm thuỷ sản, công nghiệp điện tử có tính công nghệ cao ít gây ô nhiễm phù hợp với qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thời gian qua, công tác này đã có bước tiến đáng kể trong định hướng thu hút FDI, làm cơ sở để tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến FDI vào Đà Nẵng. Việc xây dựng và ban hành danh mục dự án thu hút FDI của Đà Nẵng đã góp phần chỉ rõ những tiềm năng và cơ hội kinh doanh, tạo cơ sở thông tin quan trọng và giảm thiểu thời gian cho việc ra quyết định, lựa chọn ngành đầu tư phù hợp, cũng như giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Kết quả thu hút FDI gần đây cũng cho thấy, các dự án FDI tại Đà Nẵng đã có xu hướng tập trung vào các ngành mà thành phố ưu tiên phát triển. Trong những năm qua giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp FDI đã không ngừng phát triển và đóng góp kim ngạch xuất khẩu của thành phố Đà Nẵng ngày càng gia tăng. Như vậy, có thể nói các doanh nghiệp FDI đã nhanh chóng nắm bắt được cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Đà Nẵng. Trong thời gian tới, nếu Đà Nẵng tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến để thu hút được nhiều nguồn vốn FDI theo chiến lược đã đề ra, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ có tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế của Đà Nẵng theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Trong thời gian qua, do việc rà soát và điều chỉnh quy hoạch phát triển theo ngành và không gian của thành phố Đà Nẵng để làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược xúc tiến đầu tư cũng như hoàn thành bản đồ quy hoạch đất đai chi tiết phát triển cho từng lĩnh vực, ngành nghề, nên đã dẫn đến việc giới thiệu địa điểm đầu tư thực hiện chưa tốt. Xây dựng và ban hành chính sách còn dàn đều, chưa có nhiều ưu đãi cho các lĩnh vực ưu tiên, nên hướng đầu tư còn phụ thuộc phần lớn vào ý định của các nhà đầu tư nước ngoài và còn mang tính tự phát. Việc thu hút vốn FDI vào ngành du lịch cũng không đồng bộ, chỉ mới tập trung vào đầu tư khách sạn, chưa có nhiều dự án FDI vào các ngành khai thác cảnh quan thiên nhiên.
Đà Nẵng, đã thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư để tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt thủ tục đầu tư, nhưng trong quan hệ của các nhà đầu tư với cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa giải quyết tốt được tình hình. Hoạt động xúc tiến thu hút FDI tại Đà Nẵng còn nhiều hạn chế, việc xúc tiến các dự án đầu tư triển khai chậm, nhất là trong việc xin chủ trương thực hiện dự án và địa điểm cho dự án. Các hoạt động tuyên truyền quảng bá chưa tốt do sự phối hợp giữa các cơ quan thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập và mở rộng hơn nữa trong quan hệ quốc tế.
Thành phố Đà Nẵng lập tổ biên tập trang Web về đầu tư, những do nguồn kinh phí còn hạn chế nên việc thành lập đội ngũ cộng tác viên để thu thập, tổng hợp và biên dịch thông tin đưa lên mạng chưa được triển khai. Do vậy việc cung cấp thông tin qua mạng chưa đáp ứng tốt nhu cầu của các nhà đầu tư. Điều này sẽ làm cho các nhà đầu tư do dự trước khi đầu tư vào thành phố, trong khi các tỉnh thành phố khác cạnh tranh rất gay gắt sẽ dẫn đến mất cơ hội được đầu tư.
2.2.3. Cấp và điều chỉnh giấy phép đầu tư
Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư tực tiếp nước ngoài của Đà Nẵng đã có nhiều cải thiện theo hướng tạo môi trường đầu
tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư nước ngoài, nhất là trong việc xem xét cấp phép đối với các dự án FDI.
Ở Đà Nẵng, cấp phép đầu tư được thực hiện thông qua cơ chế “một cửa” tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Đà Nẵng. Nhà đầu tư nước ngoài được miễn các chi phí liên quan đến công tác giải quyết thủ tục đầu tư.
Thời gian cấp giấy chứng nhận đối với dự án thuộc diện đăng ký kinh doanh không quá 5 ngày làm việc, thay đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không quá 3 ngày, cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định không quá 10 ngày. Còn với dự án thuộc diện đăng ký cấp giấy phép đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài có thể nộp đơn xin giấy phép đầu tư qua mạng Internet để các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
2.2.4. Kiểm tra, thanh tra và giám sát
Công tác giám sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng chưa được quan tâm đúng mức mà chỉ mới tập trung quan tâm tới cấp phép, chưa chú ý đến khâu quản lý sau cấp giấy phép.
Về công tác quản lý hoạt động xây dựng cơ bản và thanh quyết toán công trình đối với doanh nghiệp FDI tại Đà Nẵng do Sở xây dựng là cơ quan chủ trì quản lý các thủ tục liên quan đến xây dựng cơ bản như thẩm định, thiết kế kỹ thuật công trình về: quy hoạch tổng thể, mật độ xây dựng, chất lượng công trình, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và quy chuẩn xây dựng áp dụng. Tuy nhiên có thể nói, công tác này chưa chặt chẽ, còn buông lỏng thiếu sự kiểm tra thường xuyên của các cơ quan chức năng, vẫn còn tình trạng để mặc cho bên nước ngoài tổ chức thực hiện, nên nhiều công trình làm không đúng thủ tục thẩm định thiết kế, phá vỡ cảnh quan môi trường của thành phố. Đây là những yếu kém và thiếu đồng bộ về cơ sở phát lý về phê duyệt thiết kế. Công tác thanh quyết toán công trình, xác nhận vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI chưa được thực hiện nghiêm túc. Phần lớn các dự án sau khi kết thúc xây dựng cơ bản không làm báo cáo hoặc miễn
cưỡng để đối phó. Cơ quan quản lý nhà nước còn buông lỏng hoặc coi nhẹ, các văn bản hướng dẫn quyết toán chậm được ban hành không đánh giá được tầm quan trọng của công tác này.
Công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, được thực hiện chủ yếu thông qua nắm bắt các thông tin từ các báo cáo kết quả hàng năm của doanh nghiệp gửi lên và từ những nguồn thông tin đại chúng, nên những thông tin thu được thường chậm không kịp thời, có tình trạng doanh nghiệp rơi vào “lỗ giả lãi thật” đã ảnh hưởng đến việc thu thuế của thành phố. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn mỏng nên khó có thể theo dõi quản lý liên tục, thường xuyên.
Trong các doanh nghiệp FDI về thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng, bảo vệ lợi ích của người lao động chưa được quan tâm. Trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, quan hệ chủ - thợ rất rõ nét; giới chủ luôn hướng đến tối đa hoá lợi nhuận, dẫn đến ở không ít các doanh nghiệp quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bị vi phạm như tiền công, tiền lương chưa thỏa đáng, thời gian cũng như cường độ lao động căng thẳng, điều kiện lao động chưa đảm bảo đã dẫn đến gây tranh chấp lao động (Công ty TNHH giày da Quốc bảo).