b) Kết cấu chặt chẽ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối
1.4.3. Những điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam
Việt Nam sang thị trường Nhật Bản
Nhật Bản là một trong ba thị trường chủ yếu để xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam. Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 286,8 triệu USD tăng 19,1% so với năm 2005, chiếm 14,86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ.
Hiện nay, Việt Nam đã vượt qua Đài Loan để trở thành nước xuất khẩu sản phẩm gỗ đứng thứ hai sang Nhật Bản (chỉ sau Trung Quốc - nước xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất thế giới) và chiếm 8% thị phần. Trước, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam do chưa có hệ thống bán hàng vào Nhật, không ổn định nguồn nguyên liệu... nên chưa có khả năng tiếp cận và tăng cường thị phần tại thị trường Nhật. Nhưng nay, sản phẩm gỗ xuất khẩu của ta sang Nhật đã tiếp cận được với hệ thống phân phối, tức là vào được các hệ thống siêu thị MR Mart, Tokyu Hands, OK, Mitsukoshi…
Nhật Bản là thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm gỗ, hàng năm, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm gỗ lên tới hàng trăm tỷ Yên. Kim ngạch nhập khẩu sản phẩm gỗ của nước này năm 2006 là 236 tỷ Yên (tương đương khoảng 2 tỷ USD), tăng
12,7% so với năm 2005 do nền kinh tế Nhật Bản trong năm nay đang trên đà khởi sắc, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng khá.
Một thuận lợi nữa cho hoạt động xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam sang thị trường Nhật Bản là cước phí vận chuyển sản phẩm gỗ Việt Nam sang Nhật Bản chỉ bằng hoặc nhỏ hơn cước phí vận chuyển nội địa nên giá thành sản phẩm gỗ Việt Nam rất cạnh tranh.
Như vậy, trên thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để khẳng định vị trí của mình. Trong khi các doanh nghiệp Nhật Bản chỉ đáp ứng được 43% nhu cầu nội địa thì có đến 90% sản lượng gỗ nhập khẩu vào Nhật Bản có xuất xứ từ các nước khu vực Châu Á. Mặc dù ở thị trường này, Việt Nam còn giữ thị phần đứng sau Trung Quốc, nhưng theo nhận định của các chuyên gia chỉ có Việt Nam mới có thể cạnh tranh với hàng đồ gỗ của Trung Quốc với ưu thế lao động giỏi và rẻ.
Hơn thế, đồ gỗ Việt Nam phần lớn được làm bằng phương pháp thủ công nên có thể làm được những mẫu mã phức tạp nhất, sẽ đáp ứng đựơc tốt nhất yêu cầu rất khắt khe của người tiêu dùng Nhật. Ngày nay người Nhật đã phân biệt được phong cách đồ gỗ nội thất Việt Nam (thường chịu ảnh hưởng của phong cách Pháp) với phong cách đồ gỗ Trung Quốc, Đài Loan (ảnh hưởng đồ gỗ thời phong kiến Trung Hoa) và thích phong cách Việt Nam hơn vì nó gần gũi, hiện đại. Người tiêu dùng đồ gỗ ở Nhật cho rằng, đây là phong cách mới sẽ vượt trội hơn trong tương lai. Và một ưu thế nữa đó là Việt Nam và Nhật Bản có mối quan hệ bạn hàng hữu hảo ở tầm vĩ mô với kim ngạch thương mại Việt Nam - Nhật Bản năm 2006 đã đạt hơn 9,9 tỷ USD.
Tất cả các yếu tố trên đều cho thấy sự cần thiết phải thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam sang thị trường Nhật Bản nhất là trong thời điểm “thiên thời địa lợi” như hiện nay để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.
CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU SẢN PHẨM GỖ VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG NHẬT BẢN TỪ NĂM 1999 ĐẾN
NĂM 2006 TRONG ĐIỀU KIỆN GIA NHẬP WTO