b) Kết cấu chặt chẽ giữa nhà sản xuất và nhà phân phối
2.2.1. Khái quát tình hình sản xuất gỗ của Việt Nam
a) Về nguyên liệu của ngành sản xuất đồ gỗ: Nguồn nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu từ chỗ dựa vào rừng tự nhiên là chính đã chuyển sang dựa vào nguồn gỗ nhập khẩu và gỗ rừng trồng.
Một là về tài nguyên rừng và việc trồng rừng:
Theo báo cáo của Tổng cục địa chính thì năm 2000, tổng diện tích đất có rừng là 11,58 triệu ha, trong đó: Rừng tự nhiên 9,77 triệu ha, chiếm 84,37%; rừng trồng 1,81 triệu ha, chiếm 14,63%; toàn bộ diện tích đất có rừng đó được phân ra 3 loại rừng: Rừng sản xuất 4,717 triệu ha, chiếm 40,73%; rừng phòng hộ 5,42 triệu ha, chiếm 46,8%; rừng đặc dụng 1,443 triệu ha, chiếm 12,46%. Năm 2000 tỷ lệ che phủ rừng đạt 35,14%. Đất đồi núi chưa sử dụng còn 7,694 triệu ha, trong đó có 3,1 triệu ha đất có khả năng trồng rừng và 3,9 triệu ha có khả năng khoanh nuôi tái sinh thành rừng.
Năm 2005 tổng diện tích đất có rừng đạt 12,8-12,9 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên 9,8 triệu ha và rừng trồng 3,0-3,1 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,8-39,1%. So với năm 2000 tổng diện tích rừng tăng thêm 1,2-1,3 triệu ha. Như vậy, diện rừng nguyên liệu của ngành gỗ Việt Nam vào khoảng 825.000 ha với những loại cây có thể cho thu hoạch sau 15 năm. Kết hợp với các chương trình trồng rừng quốc gia, đến năm 2020, dự kiến nguồn gỗ trong nước sẽ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu ngành chế biến gỗ trong nước với sản lượng 20 triệu m3/năm.
Tại Việt Nam, từ năm 1998, Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (World Wide Fund for Nature - WWF) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Phát triển Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm và một số cơ quan trong ngành lâm nghiệp trong việc tổ chức các hội thảo quốc gia về quản lý rừng bền
vững cũng như thành lập Tổ công tác quốc gia Việt Nam về quản lý rừng bề vững. Từ đó đến nay, WWF Đông dương là tổ chức giúp đỡ chủ yếu về tài chính và kỹ thuật cho Tổ công tác quốc gia Việt Nam trong việc xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về quản lý rừng bền vững dựa theo các nguyên tắc và tiêu chuẩn của FSC.
Hai là về nguồn gỗ nhập khẩu của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gỗ:
Để bù đắp sự thiếu hụt về nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên, hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 250.000 đến 300.000 m3 gỗ từ các nước lân cận và tăng cường sử dụng gỗ rừng trồng, ván nhân tạo để sản xuất hàng xuất khẩu. Nguồn gỗ nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á như Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia thường không ổn định do chính sách lâm sản của các quốc gia này luôn thay đổi, trong khi nguồn nhập khẩu từ các quốc gia khác như New Zealand, Australia, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Canada, Mỹ, Châu Phi lại cách xa về địa lý nên giá thành nguyên liệu bị đội lên rất cao, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam.
Ba là, nhằm chuẩn bị chủ động nguồn gỗ, bên cạnh việc trồng rừng, Việt Nam cũng đang tích cực phát triển các nhà máy sản xuất ván nhân tạo, đóng một vai trò quan trọng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu: Nhà máy ván sợi MDF Gia Lai công suất 54.000m3 sản phẩm/năm, MDF Sơn La với công suất 15.000 m3 sản phẩm/năm, MDF Bình Thuận với công suất 10.000 m3 sản phẩm/năm, Nhà máy Ván dăm Thái Nguyên với 16.500m3 sản phẩm/năm, Thái Hòa (Nghệ An) 15.000m3 và Hoành Bồ (Quảng Ninh) 3.000m3/năm.