b) Về tình hình sản xuất sản phẩm gỗ của Việt Nam:
2.4.2.2. Hạn chế từ phía các doanh nghiệp
Một là, mặc dù số lượng doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam là hơn 300, nhưng trong số đó hầu hết là quy mô vừa và nhỏ. Đến năm 2006, doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu lớn ở Việt Nam cũng chỉ có khoảng trên 10 tỷ đồng, nhưng với nước ngoài 10 tỷ đồng thì cũng chưa được 1 triệu USD. Với quy mô đó, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với một số doanh nghiệp ở các nước xung quanh như: Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc... Khó khăn nhất là phía bán lại xuất khẩu theo lô hàng lớn, từ 5.000 m3 – 7.000 m3 trở lên. Các nước giàu như Nhật Bản, Trung Quốc, và Hồng Kông, Đài Loan có lợi, nhưng đối với Việt Nam thì rất gay go. Bởi vì các doanh nghiệp của chúng ta đều nhỏ, khó có
doanh nghiệp nào đủ 10 triệu USD để mua lô hàng lớn như thế. Cho nên phải nhập khẩu nhỏ lẻ rồi gom dần hàng, tăng thêm chi phí gom, gửi đồ. Ở Việt Nam cũng không có kho hải quan nào cho để gỗ lâu, cũng không có cảng nào dành riêng cho gỗ như ở Nhật Bản.
Thực tế, số doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất xuất khẩu 100 container/tháng trở lên hay nhà máy có diện tích trên 10 ha là rất ít. Chính điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam phải bỏ lỡ những hợp đồng lớn do không đủ năng lực sản xuất và cung cấp sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản đã phải qua trung gian nước ngoài để đến với nhà phân phối lớn.
Việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ. Tuy nhiên, có một thực tế là, các đơn đặt hàng lớn thường vượt quá năng lực của từng doanh nghiệp riêng rẽ, nên nếu tiếp tục phương thức làm ăn nhỏ lẻ thì chắc chắn, nhiều cơ hội lớn sẽ bị bỏ lỡ. Một doanh nghiệp thường chỉ đáp ứng được đơn hàng vài ngàn mét khối, nhưng có những đơn hàng lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn mét khối, do đó, nếu không tăng cường liên kết, hợp tác thì các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong hoạt động. Bên cạnh đó, khắc phục lối làm ăn manh mún của các doanh nghiệp cũng là một vấn đề khá nan giải, hiện tượng doanh nghiệp làm ăn đơn lẻ, tự tìm kiếm khách hàng cho riêng mình đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tự ghìm giá để giành lấy hợp đồng, khiến thị trường xuất khẩu mất ổn định. Sự thiếu liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp còn dẫn tới mất cơ hội thực hiện các đơn hàng lớn của nước ngoài.
Hai là, mất cân đối giữa yêu cầu chất lượng sản phẩm và công nghệ lạc hậu.
Nhìn chung quy mô các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở mức nhỏ và vừa, sản xuất kết hợp giữa thủ công và cơ khí. Đại bộ phận các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ có hệ thống thiết bị khá lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của các đơn hàng lớn hay các thị trường yêu cầu chất lượng cao. Thiết bị chế biến gỗ của các doanh nghiệp hiện nay đa phần lạc hậu, chỉ có khoảng 25% doanh nghiệp đổi mới dây chuyền công nghệ hiện đại. Các doanh nghiệp Việt Nam còn bị hạn chế rất
nhiều về năng lực sản xuất, công nghệ chế biến gỗ nhất là khâu sấy khô sản phẩm, sơn phủ bề mặt và công nghệ hoá chất, kỹ thuật số phục vụ chế biến gỗ.
Chất lượng sản phẩm là một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ. Thị trường WTO rộng mở, song các hàng rào kỹ thuật ngày càng chặt chẽ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ quy trình quản lý chất lượng. Hiện nay, trong số 2.000 doanh nghiệp gỗ toàn quốc, mới chỉ có trên 10% doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm. Yêu cầu của thị trường đồ gỗ xuất khẩu về chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn môi trường ngày càng cao, thách thức từ hội nhập cũng không nhỏ đang đòi hỏi doanh nghiệp chế biến gỗ phải đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã và hạ giá thành sản phẩm.
Ba là, các doanh nghiệp đồ gỗ phát triển ồ ạt kéo theo sự khan hiếm thợ kỹ thuật lành nghề, làm xảy ra tình trạng lôi kéo công nhân bằng mọi cách khiến các doanh nghiệp không đảm bảo chất lượng sản phẩm và trễ hẹn giao hàng.
Bốn là, phần lớn các lao động trong ngành nghề chế biến lâm sản chưa qua đào tạo cơ bản, chủ yếu vẫn ở dạng phổ thông nên năng suất lao động thấp. Khó khăn hơn là công nhân lành nghề, cán bộ quản lý ngày càng thiếu hụt do Việt Nam chưa có chương trình đào tạo bài bản. Hạn chế này làm cho hiệu suất sản xuất không cao.
Năm là, các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam chưa tạo được thương hiệu uy tín cho mình, do các doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm trong tiếp thị, xúc tiến thương mại, thâm nhập thị trường. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm gia công theo mẫu của khách hàng vì vậy việc thiếu những thương hiệu uy tín cũng là một cản trở lớn cho ngành xuất khẩu đồ gỗ.
Sáu là, giá thành sản phẩm gỗ Việt Nam còn cao, do phải nhập khẩu 80% nguyên liệu, một phần cũng là do các doanh nghiệp chưa xuất khẩu sản phẩm gỗ được trực tiếp sang Nhật Bản.
Bảy là, sản phẩm gỗ Việt Nam mẫu mã chưa phong phú, đa dạng. Trong khi đó, người tiêu dùng Nhật Bản lại ưa chuộng những sản phẩm có mẫu mã phong phú, đa dạng.
Tám là, hệ thống phân phối sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam sang thị trường Nhật Bản còn yếu.