b) Nguyên nhân từ phía các doanh nghiệp
3.1.2. Kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm gỗ của Malaysia
a) Tình hình xuất khẩu sản phẩm gỗ của Malaysia
Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Malaysia năm 2006 ước đạt 23,6 tỷ RM, tăng khoảng 5% so với 21,5 tỷ RM năm 2005. EU, Nhật Bản và Mỹ là ba thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ chính của Malaysia.
Ông Datuk Teo Wee Cheng, Giám đốc Điều hành Công ty SHH Resources Holdings Bhd., cho biết, xuất khẩu đồ gỗ nội thất năm 2007 của Malaysia sang thị trường Mỹ có thể sẽ suy giảm do sức mua tại thị trường này giảm sút. Theo ông Datuk, nguyên nhân khiến nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ nội thất trên thị trường Mỹ giảm chủ yếu do nền kinh tế Mỹ, sau khi tăng trưởng mạnh vào đầu năm 2006, đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại vì tính bấp bênh trong tỷ lệ lãi suất của nước này, giá năng lượng cao và sự chậm lại theo chu kỳ kinh tế thông thường. Bên cạnh đó, Malaysia cũng sẽ vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước sản xuất đồ gỗ nội thất có chi phí sản xuất thấp như Việt Nam và Trung Quốc. Tuy vậy, ông Datuk vẫn bày tỏ tin tưởng đối với ngành đồ gỗ nội thất của Malaysia sẽ có thể duy trì được sức cạnh tranh trên thị trường thế giới miễn là các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu của nước này chú trọng hơn vào cải tiến mẩu mã thiết kế và nâng cao tính sáng tạo để tiếp tục tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Ông Datuk Peter Chin, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đồn điền và Hàng hoá Malaysia cho biết, nước này đang lên kế hoạch tăng cường xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang châu Âu. EU hiện là thị trường xuất khẩu gỗ xẻ lớn nhất của Malaysia. Ông Chin nhận định, các sản phẩm gỗ của Malaysia sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn trên thị trường EU do một số khách mua tại đây không thích sử dụng gỗ Meranti đỏ vì cho
rằng nó không bền. Tuy vậy, dựa trên một nghiên cứu mới đây của Hiệp hội Nghiên cứu và Phát triển Gỗ của Anh, thì loại gỗ Meranti đỏ có thể rất bền trong điều kiện khí hậu ở châu Âu. Để có thể đáp ứng được những yêu cầu và thị hiếu tại thị trường châu Âu, theo ông Chin, vấn đề quan trọng là các nhà sản xuất gỗ nước này phải nắm bắt được những thay đổi và diễn biến mới nhất trên thị trường này. Hiện nay ngành gỗ Malaysia đang phải đối mặt với nhiều thách thức như nguồn cung gỗ nguyên liệu hạn hẹp và chi phí lao động gia tăng. Tuy nhiên, ông Chin tin tưởng ngành này sẽ khắc phục được những thách thức trên và nổi lên mạnh mẽ hơn. Theo Tổ chức Đồ gỗ Nhiệt đới Quốc tế (ITTO), một đoàn đại biểu của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tới Malaysia vào tháng 11/06 để ký Hiệp định đối tác tình nguyện (VPA), nhằm ngăn chặn các sản phẩm gỗ được chế biến trái phép xâm nhập thị trường EU. VPA sẽ cho phép hải quan các nước EU, nơi mua tới 30% tổng đồ gỗ xuất khẩu của Malaysia, tiến hành các biện pháp điều tra về nguồn gốc sản phẩm gỗ, bắt đầu từ nơi khai thác, hợp đồng khai thác, và kiểm soát cả quá trình vận chuyển gỗ tới các xưởng chế biến gỗ và cảng của châu Âu.
Malaysia hy vọng hiệp định đầu tiên được ký kết theo Luật bảo vệ rừng của EU này sẽ tạo lợi thế cho Malaysia trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ lớn ở châu Á như Indonesia, Trung Quốc và Việt Nam. Malaysia hiện là một trong những nước sản xuất đồ gỗ lớn ở châu Á.
Trong những năm gần đây, Malaysia đã thành công trong việc sử dụng thân cây dừa để sản xuất gỗ dán xuất khẩu, sản phẩm rất được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản-nơi mua tới 70% khối lượng gỗ dán của Malaysia.
Chính phủ Malaysia đã ban hành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 9 giai đoạn 2006-2010. Theo đó, ngành gỗ vẫn đóng vai trò chủ đạo trong nguồn thu ngoại tệ của đất nước. Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu từ các sản phẩm giá trị gia tăng và chế biến như đồ nội thất, gỗ mặt, MDF và gỗ dán dự kiến sẽ đạt 53 tỷ ringit (gần 14,4 tỷ USD). Để duy trì khả năng cạnh tranh, ngành gỗ cần phải mở rộng tự động hoá kỹ thuật cũng như tăng cường đầu tư vào nguồn nhân lực. Mặc dù công nghệ đã sẵn có nhưng ngành vẫn còn do dự trong đầu tư vào công nghệ tự động hoá vì có sẵn nguồn cung lao động nước ngoài giá rẻ và hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn về tài chính. Hơn nữa, ngành nội thất cần phát triển chuỗi giá trị để duy trì khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Muốn thế, ngành phải tiến hành thiết kế và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm để trở thành những nhà thiết kế có thương hiệu riêng. Tổng số vốn đầu tư vào ngành gỗ
trong kế hoạch 5 năm lần thứ 9 vào khoảng 25,5 tỷ ringit (1,7 tỷ USD) một năm. Dự kiến, xuất khẩu sẽ tăng với tỷ lệ bình quân 6,4%/năm đạt 53 tỷ ringit vào năm 2020.
Nhằm đạt những mục tiêu trên, Malaysia đã đề ra 8 chiến lược sau: 1. Phát triển chuỗi cung và sản xuất tầm khu vực
2. Đẩy mạnh hiệu quả và quản lý tốt nguồn tài nguyên rừng
3. Mở rộng tiếp cận thị trường thông qua chương trình xúc tiến và marketing sâu rộng nhằm quảng bá sản phẩm
4. Phát triển và đẩy mạnh tiềm năng tăng trưởng trong sử dụng ít hơn nguồn nguyên liệu, những loại vật loại không phải là gỗ hoặc nguồn gỗ phế liệu, hướng phát triển vào những sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao hơn
5. Mở rộng sản xuất những đồ nội thất đã có thiết kế và thương hiệu riêng 6. Tăng cường nghiên cứu phát triển và phát triển công nghệ
7. Phát triển lực lượng lao động có kỹ năng
8. Tăng cường hỗ trợ và cải tiến hệ thống phân phối của ngành
b) Bài học rút ra từ hoạt động xuất khẩu và những chiến lược xuất khẩu sản phẩm gỗ của Malaysia
Một là, nghiên cứu kỹ điều kiện khí hậu của nước xuất khẩu ảnh hưởng đến độ bền của sản phẩm gỗ. Phải nắm bắt được những thay đổi và diễn biến mới nhất trên thị trường xuất khẩu.
Hai là, ký kết hiệp định Đối tác tình nguyện theo Luật bảo vệ rừng của nước xuất khẩu nhằm ngăn chặn những sản phẩm gỗ được chế biến trái phép và tạo được lợi thế cạnh tranh với các nước cùng xuất khẩu vào thị trường đó.
Ba là, cần chú trọng vào chuỗi giá trị để duy trì khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế vì vậy phải tiến hành thiết kế, cải tiến mẫu mã và nâng cao tính sáng tạo để tạo ra những sản phẩm gỗ chất lượng cao và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm để trở thành những nhà thiết kế có thương hiệu riêng.
Bốn là, mở rộng tự động hoá kỹ thuật cũng như tăng cường đầu tư vào nguồn nhân lực. Tăng cường nghiên cứu phát triển và phát triển công nghệ, sử dụng thân
cây dừa để sản xuất gỗ dán xuất khẩu là sản phẩm rất được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản.