b) Nguyên nhân từ phía các doanh nghiệp
3.3.1.6. Giải pháp về khuyến khích hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực
Lợi thế cạnh tranh nhờ giá nhân công rẻ ngày càng giảm dần, thay vào đó là xu hướng cạnh tranh bằng lao động lành nghề. Hiện nay, Việt Nam tuy có nhiều trường đào tạo công nhân song chưa có một trường nào đào tạo công nhân tay nghề cao trong lĩnh vực chế biến gỗ trong khi nhu cầu công nhân lành nghề trong lĩnh vực này ngày càng lớn. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ việc xây dựng và đào tạo công nhân lành nghề trong ngành công nghiệp chế biến gỗ. Có một số biện pháp sau:
Thứ nhất, ngân sách Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí đào tạo các thợ cả trong sản xuất và chế biến gỗ; đây là cơ sở để tuyển chọn bồi dưỡng, phát triển thành nghệ nhân, một lực lượng quan trọng quyết định đến chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ.
Thứ hai, cần có hình thức đào tạo chuyên sâu về đồ gỗ, thiết kế đồ gỗ trong các khoa và trường mĩ thuật công nghiệp. Có hình thức thích hợp để kết hợp giữa đội ngũ nghệ nhân và các hoạ sĩ được đào tạo để hình thành đội ngũ thiết kế sản phẩm, phát triển mẫu mã sản phẩm gỗ.
Thứ ba, các cơ quan hữu quan của Nhà nước nên nghiên cứu và tập hợp nhu cầu về đào tạo tiếng Nhật cho kinh doanh sản xuất và xuất khẩu với thị trường Nhật Bản trong phạm vi cả nước và tham vấn cho các cơ sở đào tạo về quy mô, nội dung và phương pháp đào tạo về kinh doanh với thị trường Nhật Bản, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu hàng hoá nói chung và sản phẩm gỗ nói riêng sang thị trường Nhật Bản.
Thứ tư, các cơ quan hữu quan nhà nước đứng ra tổ chức (và hỗ trợ một phần kinh phí) các lớp đào tạo ngắn hạn hay dài hạn, tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học về xuất khẩu sản phẩm gỗ sang thị trường Nhật Bản cho doanh nghiệp, mời các chuyên gia của Việt Nam, chuyên gia Nhật Bản hay quốc tế giảng dạy.
Thứ năm, nhà nước cần áp dụng các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động đào tạo nghề, đào tạo công nhân kỹ thuật cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Thứ sáu, nhà nước nên khuyến khích các nhà đầu tư Nhật Bản chuyển giao công nghệ và đào tạo quản lý cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam sang Nhật Bản thông qua các hợp đồng thầu phụ…
Thứ bảy, nhà nước cần khuyến khích các hình thức hợp tác đào tạo giữa các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ với các cơ sở đào tạo nghề của cả khu vực nhà nước và tư nhân, cả trong và ngoài nước.