b) Về tình hình sản xuất sản phẩm gỗ của Việt Nam:
2.2.2. Tình hình xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam
Những năm gần đây, ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản Việt Nam đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu của ngành này đã tăng gần 10 lần, từ 290 triệu USD năm 2000 lên 1,57 tỷ USD năm 2005 và đạt gần 2 tỷ USD trong năm 2006. Sản phẩm gỗ đã trở thành một mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đứng thứ 5 trong nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất.
Sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt nam từ chỗ chỉ là sản phẩm thô (gỗ tròn, gỗ xẻ) đã phát triển lên một trình độ gia công cao hơn, áp dụng công nghệ tẩm, sấy, trang trí bề mặt... xuất khẩu các sản phẩm hoàn chỉnh, sản phẩm có giá trị gia tăng về công nghệ và lao động. Có thể chia các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam thành 4 nhóm chính: (1) Nhóm sản phẩm đồ mộc ngoài trời bao gồm các loại bàn ghế vườn, ghế băng, dù che nắng, ghế xích đu... làm hoàn toàn từ gỗ hoặc gỗ kết hợp với các vật liệu khác như sắt, nhôm, nhựa...; (2) Nhóm sản phẩm đồ mộc trong nhà bao gồm các loại bàn ghế, giường, tủ, giá kê sách, đồ chơi, ván sàn... làm hoàn toàn từ gỗ hay gỗ kết hợp với các vật liệu khác như da, vải...; (3) Nhóm đồ mỹ nghệ chủ yếu từ gỗ rừng tự nhiên bao gồm bàn, ghế, tủ... áp dụng các công nghệ chạm, khắc, khảm; (4) Sản phẩm dăm gỗ sản xuất từ gỗ rừng trồng mọc nhanh như gỗ keo,
gỗ bạch đàn... Hiện nay, hàng gỗ chế biến xuất khẩu sang thị trường Mỹ chủ yếu là bàn ghế ngoài trời làm từ gỗ cứng trong khi hàng tới thị trường Nhật Bản và EU chủ yếu là đồ dùng trong nhà làm từ gỗ mềm.
Thị trường xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã có nhiều biến chuyển mạnh mẽ trong những năm gần đây, từ chỗ tập trung vào các thị trường trung chuyển như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc... để tái xuất khẩu sang một nước thứ ba, đến nay đã xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường của người tiêu dùng. Bứt phá từ năm 2004, liên tục trong mấy năm gần đây, đồ gỗ luôn đạt tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu vượt trội, nếu như năm 2000, mới đạt giá trị xuất khẩu trên 200 triệu USD thì năm 2006 đạt tới 2 tỷ USD. Như vậy, trong vòng 6 năm qua, giá trị xuất khẩu đồ gỗ đã tăng 10 lần và đưa Việt Nam lên hàng thứ 4 Đông Nam Á về lĩnh vực này, sau Malaysia, Indonesia và Thái lan.
Sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng khẳng định chỗ đứng của mình tại 120 thị trường. Những thị trường lớn mà các doanh nghiệp đã thâm nhập khá thành công là EU, Mỹ, Nhật Bản… Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang EU năm 2006 đạt khoảng 251,5 triệu USD, tăng 25% so năm 2005 và chiếm 13,2% tổng kim ngạch. Xuất khẩu sang Mỹ đạt 40,2% ; sang Nhật Bản đạt 292 triệu USD, chiếm 15,3%.... Ngoài các thị trường truyền thống EU, Nhật Bản…, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nội thất như bàn, ghế, giường và tủ sang các thị trường Canada, Nga và một số nước Đông Âu. Năm 2006, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều tăng so với năm 2005. Hungary là thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, tăng 137,7% so với năm 2005, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,86 triệu USD. Ả rập xê út là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh thứ 2 với kim ngạch đạt 3,39 triệu USD, tăng 106% so với năm 2006. Ai Len, Nga, Canada là 3 thị trường có tốc độ tăng trưởng kim ngạch lớn tiếp theo với tốc độ tăng trên 90%. Tuy nhiên, cũng có những thị trường giảm nhập khẩu sản phẩm gỗ từ Việt Nam như: Áo giảm 57,9%; Singapore giảm 21,9%; Tây Ban Nha giảm 17%; Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất giảm 16%; Hồng Kông giảm 16%; Đức giảm 7%; Cộng hoà Séc giảm 5,2%; Hy Lạp giảm 4,5%. Các thị trường có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh trong năm 2006: Mỹ: tăng 177,1 triệu USD; Nhật Bản: tăng
45,92 triệu USD; Trung Quốc: tăng 33,72 triệu USD; Anh: tăng 20,75 triệu USD. Một số thị trường có kim ngạch giảm mạnh là: Tây Ban Nha: giảm 5,72 triệu USD; Đức: giảm 5,33 triệu USD; Singapore: giảm 2,69 triệu USD; Hồng Kông: giảm 1,38 triệu USD.
Theo các chuyên gia thương mại dự báo năm 2007 sẽ tiếp tục là một năm thành công đối với ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam do nhu cầu nhập khẩu sản phẩm gỗ trên thế giới rất lớn trong khi thị phần của Việt Nam còn rất nhỏ, đồng thời sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng tạo được uy tín trên thị trường đồ nội thất bằng gỗ của thế giới.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cơ hội cho ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu còn lớn hơn rất nhiều với việc giảm thuế nhập khẩu gỗ nguyên liệu vào Việt Nam cũng như việc giảm thuế nhập khẩu sản phẩm hàng hóa nói chung của Việt Nam, trong đó có đồ gỗ, vào các nước khác. Đây sẽ là thuận lợi để ngành này thực hiện mục tiêu đạt 5,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu vào năm 2010 và đạt 15,5 tỷ vào năm 2020.