Đô thị hóa đã trực tiếp ảnh hưởng đến đất nông nghiệp, nhưng khi xem xét thực trạng sử dụng lao động nông nghiệp, đô thị hóa cũng có nhiều tác động không chỉ mặt tích cực mà cả mặt tiêu cực.
Số lao động nông nghiệp giảm đi rõ rệt và có xu hướng chuyển sang các ngành nghề khác. Hiện nay số lao động nông nghiệp đang duy trì sản xuất nông nghiệp ở các thị trấn, phường hầu hết hoạt động trong các loại hình tổ sản xuất, nhóm sản xuất, lao động nông nghiệp ít trồng lúa mà chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao ở đô thị như: hoa, cây cảnh, rau.
Tuy số lao động giảm nhưng số hộ làm nông nghiệp vẫn duy trì, nhưng hầu hết số lao động trẻ thường không có xu hướng làm nông nghiệp mà chuyển sang làm thuê trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, ở các làng nghề thủ công truyền thống, làm thuê ở các đô thị lớn có thu nhập cao hơn, tổng số lao động trẻ được tạo việc làm mới trong các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các huyện Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Đảo, Phúc Yên, Vĩnh Yên năm 2006 khoảng 12633 người. Hiện nay số lao động nông nghiệp của tỉnh vẫn còn rất lớn, ở huyện Mê Linh, lao động nông nghiệp trong độ tuổi năm 2004 chiếm 77,04% tổng số người lao động trong độ tuổi. Vấn đề đặt ra hiện nay là khi tiến hành đô thị hóa, thì số lao động nông nghiệp giảm do mất đất thì làm thế nào để tạo điều kiện cho họ tìm công ăn việc làm.