Sự lựa chọn và thích ứng

Một phần của tài liệu quan hệ văn hóa ấn độ - đông nam á mười thế kỷ đầu công nguyên (Trang 70 - 75)

Hari-hara-Phnom Da

2.3.Sự lựa chọn và thích ứng

Trong khi Ấn Độ đã đạt đến trình độ văn minh cao thì tại Đông Nam Á vẫn còn là một xã hội sơ khai, mới hình thành nhà nước và các tín ngưỡng bản địa, khi tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ - một đỉnh cao văn hóa lúc bấy giờ, nên cư dân bản địa đã dễ dàng tiếp nhận những giá trị văn hóa tâm linh phù hợp với mình do phương thức thâm nhập bằng con đường hòa bình và do có sự gần gũi, tương đồng về tín ngưỡng, tôn giáo…và cũng với mục đích phục vụ vương quyền nên tầng lớp thống trị đã dùng tôn giáo làm phương tiện thiết lập

quyền cai trị thống nhất đồng thời tiếp nhận hầu như nguyên vẹn thể chế nhà nước của Hindu giáo. Vì tính chất đó nên một khi vương triều thay đổi hay mất đi thì tôn giáo cũng biến mất dần. Còn trong dân chúng, qua một thời gian các tôn giáo du nhập đã dần dần tiêm nhiễm, thấm vào xã hội các dân tộc bản địa. Và qua một quá trình thử thách mười thế kỷ, cư dân Đông Nam Á đã từ chối những triết thuyết sâu xa, khó hiểu mà chỉ tiếp nhận những yếu tố văn hóa gần gũi như các hình tượng thờ cúng, bỏ bớt những lễ nghi phiền hà và đặc biệt tiếp nhận một cách nồng nhiệt Phật giáo bởi tinh thần bình đẳng, bác ái, vị tha…với mục đích mong đến sự giải thoát. Vì thế, những giá trị văn hóa đến từ Ấn Độ đã dần dần biến đổi và trở thành một thành tố văn hóa quan trọng không thể thiếu của cư dân bản địa.

Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận, những quốc gia được gọi là “Ấn Độ hóa” này “vẫn giữ được những đặc tính cố hữu của mình, và mỗi nước phát triển theo một con đường riêng” [15, tr.318]. Điều đó có thể nhận thấy ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trước hết, xã hội của cư dân các nước Đông Nam Á vẫn có những khoảng cách biệt rõ ràng so với xã hội Ấn Độ, hệ thống đẳng cấp của người Ấn không ảnh hưởng nhiều đến xã hội bản địa, ở Đông Nam Á địa vị người phụ nữ vẫn tiếp tục giữ một vai trò to lớn theo truyền thống của cư dân bản địa. Những tôn giáo đến từ Ấn Độ dù muốn hay không vẫn phải kết hợp hoặc uyển chuyển thay đổi cho phù hợp với tín ngưỡng và điều kiện đặc thù bản địa. Song song với những điều này là các tín ngưỡng và lễ nghi cổ truyền của cư dân Đông Nam Á vẫn tiếp tục tồn tại, lưu truyền và ảnh hưởng sâu đậm đến những tôn giáo du nhập từ Ấn Độ.

Các dân tộc bản địa trong khu vực đã tiếp nhận và ứng dụng mô hình tổ chức vương quyền, tổ chức xã hội Ấn Độ giáo. Cư dân Đông Nam Á cũng dễ chấp nhận những triết lý, các vị thần Ấn Độ giáo do có nhiều nét tương đồng về văn hóa, tín ngưỡng. Ở một số dân tộc bản địa, họ tự nhận mình là con cháu của những vị tu sĩ Bàlamôn, như trên một tấm bia Mỹ Sơn có ghi “Kaundina, vị Bàlamôn vĩ đại nhất, đã cắm xuống đây ngọn lao mà thầy đã nhận từ Asvathaman, con của Drona” [21 ,tr.125]. Một tấm bia ở Campuchia cũng xác nhận nguồn gốc dân tộc Khmer là con cháu của sự hợp thể giữa thánh Kambu Svayambhuva và tiên nữ Mera. Dựa trên cơ sở những huyền thoại về nguồn gốc đó, các tu sĩ Bàlamôn tiến hành các nghi thức Ấn Độ giáo tôn phong các vị vua bản xứ, xây dựng những vương triều theo kiểu Ấn Độ, thể hiện sức mạnh vương quyền kết hợp với thần quyền theo kiểu Ấn Độ giáo. Phần lớn các vương quốc trong khu vực cũng dùng quan niệm tôn thờ thần Siva như là một biểu hiện cho vương quyền, thể hiện rõ trong việc thờ Linga.

Nhiều đạo sĩ Bàlamôn đến Đông Nam Á và nhanh chóng chiếm được nhiều vị trí quan trọng trong các vương quốc cổ ở đây. Sự thần thánh hóa hình ảnh nhà vua vốn là một sản phẩm của Ấn Độ giáo từ thời Gupta (thế kỷ IV-thế kỷ VI) cũng xuất hiện khá phổ biến ở các nhà nước Đông Nam Á vào thiên niên kỷ thứ nhất sau công nguyên. Nhiều nghi lễ tôn thờ các vị thần sông, núi được các dân tộc ở Đông Nam Á tiếp nhận và đồng nhất với các vị thần sông, núi bản địa.

Về mặt tôn giáo, hầu như tất cả các dân tộc Đông Nam Á đều tiếp nhận những tôn giáo đến từ Ấn Độ đó là Hindu giáo và Phật giáo (trong khoảng mười thế kỷ đầu công nguyên) nhưng ở mỗi nước có cách tiếp nhận khác nhau, tiếp nhận trên cơ sở chuyển hóa cho phù hợp với tín ngưỡng của cư dân bản địa, có thể dẫn ra đây một số biểu hiện như:

Với Phù Nam, Champa, Campuchia, một số đảo ở Indonesia như Java, Bali, có thể thấy rõ ảnh hưởng của Hindu giáo. Còn các nước Lào, Thái Lan, Myanmar thì Phật giáo hoàn toàn chiếm vị trí chủ đạo từ khi bắt đầu lập quốc. Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, tôn giáo Ấn vào Đông Nam Á đã trở thành một thành tố quan trọng trong hệ thống văn hóa và đã được biến đổi, hòa quyện với tín ngưỡng tộc người của cư dân Đông Nam Á. Người Đông Nam Á vốn có bản tính dễ chấp nhận, cởi mở nên cũng dễ dung nhập và thay đổi mọi tôn giáo, cho dù trước đó nó là quốc giáo. Ví dụ ở vương quốc Phù Nam, trong buổi đầu lập quốc, người Phù Nam có thể đã tiếp thu và thờ các vị thần của Ấn Độ giáo, nhưng sau lại theo Phật giáo và trở thành một trung tâm Phật giáo ở Đông Nam Á. Ở Vương quốc Champa, ta thấy có sự tồn tại của Hindu giáo và Phật giáo, thậm chí ngay trong một vương triều và đều được coi trọng như nhau. Ở Campuchia, trước thế kỉ XII, Hindu giáo được coi là quốc giáo, nhưng sau đó lại được thay thế bằng Phật giáo Tiểu thừa…Dường như điều quan trọng hết đối với cư dân Đông Nam Á là hệ thống tín ngưỡng tộc người, trong đó, tín ngưỡng thật sự sâu sắc là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những người sinh ra tộc người, những người sáng lập, xây dựng, hồi sinh cho vương quốc.

Sự hòa quyện giữa tôn giáo và tín ngưỡng tộc người ở Đông Nam Á được thể hiện rõ nhất trong tín ngưỡng Thần - Vua (Devaraja). Tín ngưỡng Thần - Vua chính thức được Jayavarman VII - ông vua mở đầu cho thời kỳ Angkor sáng lập ra, nhằm khẳng định sức mạnh vương quyền của mình, thần thánh hóa ngôi vua cũng như bản thân nhà vua. Một nghi lễ thần thánh đầy huyền bí được tiến hành. Sau khi xây cất xong một ngôi đền hoành tráng ở

chính giữa hoàng cung, vua Jayavarman VII nhận trong tay vị pháp sư Bàlamôn người Ấn một hình tượng Linga tượng trưng cho sức mạnh dương tính của thần Siva. Trong không khí trang trọng thần bí, Vua tự tay đưa hình tượng đó vào trong tháp thờ. Từ đó, hình tượng Linga được tượng trưng cho vương quyền, Vua được đồng nhất với vị thần quyền lực vô biên, trở thành Thần - Vua. Trước con mắt của thần dân, vua trở thành đấng toàn năng: Vua của các vị vua (Chakravati), Đại vương (Maharaja) đối với các chư hầu.

Qua đây, ta thấy, cả Champa và Campuchia đều tiếp thu ảnh hưởng của Hindu giáo nhưng có sự giống và khác nhau đáng kể:

Giống nhau là cùng xuất phát từ quan niệm chung: theo Vêđa “vị thần tối cao, duy nhất, tuyệt đối, vô biên và vĩnh cửu”, thể hiện dưới ba hình thái là Brama - thần sáng tạo, Visnu - thần bảo tồn và Siva - hình thái hoạt động và phá hủy những biểu hiện vô ích của thế gian.

Chỗ khác nhau là trong “Tam thần” hay “Tam vị nhất thể” đó, Campuchia tôn thờ Brama nhưng nặng về Visnu hơn, còn Champa cũng tôn thờ Brama nhưng nặng về Siva hơn.

Tại các đảo ở Đông Nam Á, nhiều nơi có tục lệ trồng cột đá ở các lăng mộ dùng làm nơi trú ngụ cho linh hồn tổ tiên. Khi Ấn Độ giáo xâm nhập, các trụ đá biến thành Linga.

Champa tiếp nhận tư tưởng Bàlamôn giáo của Ấn Độ kết hợp với tín ngưỡng địa phương làm cho sắc thái của tôn giáo có sự biến sắc rõ ràng. Là quốc gia được xem là tiếp nhận hầu như tất cả mọi yếu tố tôn giáo đến từ Ấn Độ và là nơi tôn sùng đặc biệt thần Siva, thậm chí còn đưa Siva giáo lên hàng quốc giáo nhưng tại Champa, hình ảnh thần Siva cũng có nhiều biến đổi, người Chăm thờ hình tượng Siva dưới dạng nhân hình, Siva được thể hiện qua ngẫu tượng Linga và Yoni. Hình tượng Siva được thể hiện cùng với nữ thần Parvati (hay Uma), hay thể hiện cùng với thần Brama, Visnu và các vị thần trong gia đình Siva đồng thời kèm theo các tác phẩm điêu khắc Siva, Vihnu, Brama là các con vật được thờ như rắn Sera, bò thần Nađin... các tác phẩm trên điêu khắc đá Champa cổ vừa chịu ảnh hưởng sâu sắc của tôn giáo Ấn Độ vừa in đậm dấu ấn văn hoá Chăm bản địa, đồng thời có sự sáng tạo, phát triển, hình thành nên phong cách riêng của mình. Vì vậy cũng không nên kết luận văn hoá Chăm là cái bóng của văn hoá Ấn Độ. Đặc biệt ngay cả những người Chăm

còn lại hiện nay theo Bàlamôn giáo, chúng ta vẫn khó có thể tìm thấy dấu ấn thật sự của tôn giáo này trong những nghi thức tín ngưỡng của người Chăm hiện nay.

CHƯƠNG 3: NHỮNG DẤU ẤN CỦA MỘT THỜI KỲ HINDU HÓA TRONG NỀN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC ĐÔNG NAM Á

Một phần của tài liệu quan hệ văn hóa ấn độ - đông nam á mười thế kỷ đầu công nguyên (Trang 70 - 75)