Giai đoạn hai của quan hệ văn hóa Ấn Độ - Đông Nam Á là ba thế kỉ tiếp theo, thế kỉ IV - VI TCN, được đặc trưng bởi:
- Làn sóng du nhập văn hóa Ấn Độ lần thứ hai, đợt truyền bá Phật giáo và văn hóa Phật giáo.
- Sự mở rộng phạm vi ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, đó là sự tăng trưởng trên phạm vi rộng lớn của các vùng quần cư.
Vào thế kỷ IV, tại Ấn Độ vương triều Gupta (319-606) được thành lập, từ đây, nền văn hóa Hindu với tư cách là linh hồn của văn hóa truyền thống Ấn Độ định hình và phát triển rực rỡ. Những tiến bộ của kỹ thuật xây bằng đá đã kiến tạo nên công trình vĩ đại - chùa hang Ajanta là một minh chứng. Văn hóa Phật giáo dưới thời đại Harsa sau đó (606-647), các vương triều Hindu miền Nam Ấn như Panlava, Chola…đều chịu ảnh hưởng của Hậu Gupta. Văn hóa cổ điển Ấn Độ kéo dài sự phát triển đến sau thế kỉ thứ X và đó cũng là thời kì mà nó du nhập mạnh mẽ xuống khu vực Đông Nam Á.
Thế kỉ IV có những dấu hiệu cho thấy bắt đầu một thời kì văn hóa Ấn Độ mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến nhiều vùng dân cư trong khu vực. Có lẽ con đường đi của người Ấn xuống Đông Nam Á lúc bấy giờ vẫn không có gì thay đổi so với vài ba thế kỉ đầu, có nghĩa là họ vẫn xuất phát từ bờ biển Nam Ấn, men theo vịnh Bengal, chưa đi thẳng xuống eo biển Malacca mà dừng lại ở eo Kra. Vị trí trung chuyển của bán đảo Malaya đã giải thích lí do sự hiện diện đáng kể của di tích văn hóa Ấn ở vùng bán đảo và hạ lưu sông Menam. Đó cũng là điều kiện quan trọng thúc đẩy sự ra đời các nhóm nước Đốn Tốn, Xích Thổ được nói đến trong thư tịch cổ Trung Hoa. Sau khi vượt qua eo Kra họ đi vào vùng vịnh Thái Lan và đương nhiên vùng biển Nam Bộ Việt Nam ngày nay là trạm dừng chân quan trọng hơn cả.
Thế kỷ V-VI là giai đoạn của một làn sóng mới phát triển Phật giáo ở Đông Nam Á bắt nguồn từ ảnh hưởng mới của văn hóa phật giáo thời Hậu Gupta (khoảng năm 320-550).
Điều đó cũng cho thấy mối liên hệ thường xuyên giữa Ấn Độ và Đông Nam Á. Từ nguyên mẫu trên điện thờ chùa Hang Ajanta và từ những giáo lý và phật thoại, đặc biệt là sự tích Dipankara, đã xuất hiện một phong trào và một phong cách Buddhapad Phù Nam, có niên đại thế kỷ V - VI được xác định niên đại phong cách, bằng phương pháp C14 đối với một số tượng gỗ và niên đại tầng văn hóa tìm thấy tượng, phản ánh một giai đoạn Phật giáo thịnh hành.
Phật giáo Ấn Độ tiếp tục truyền bá mạnh ở Phù Nam. Theo thư tịch cổ Trung Hoa, sau đời vua thứ 9, Trúc Chiên Đàn có quan hệ bang giao với Trung Hoa, đời vua Mục Đế, năm 357, rồi đến một người Bàlamôn ở Ấn Độ sang làm vua tên là Kiều Trần Như (theo thư tịch Trung Hoa ghi chép). Nhiều nhà sư Ấn Độ nổi tiếng cũng được thư tịch cổ Trung Hoa ghi lại như Na Gia Tiên, Mandala được vua Phù Nam cử đi sứ sang Trung Hoa và đem cống phẩm là những pho tượng phật. Một biểu hiện điển hình về sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ cổ điển ở Phù Nam là những pho tượng Phật tìm thấy ở vùng Nam Bộ Việt Nam, có khoảng 50 pho tượng phật, trong số đó hiện có 32 pho tượng phật đứng bằng đá, đồng và nhiều nhất là bằng gỗ, kiểu dáng tượng đứng (Buddhapad) được tạc và đúc theo cùng một phong cách, được gợi ý từ hình dáng Buddhapad trên điện thờ ở hang Ajanta 19, gọi là phong cách Hậu Gupta thế kỉ V-VI. Như vậy, dưới ảnh hưởng Phật giáo từ Ấn Độ, Phù Nam đã đóng vai trò một trung tâm phật giáo ở Đông Nam Á và cả Tây Thái Bình Dương.
Phía Đông, liền kề với Ấn Độ là xứ Kim Lân hay Đất vàng (Suvarnabhumi), nay là Myanmar, chính nơi đây ta thấy rõ dấu vết của văn hóa Ấn Độ, có lẽ đây là con đường bộ duy nhất mà người Ấn đi vào Đông Nam Á, tất nhiên là bên lưu vực những dòng sông lớn.
Phật giáo đã đi đến vùng Thatơn, ở cửa sông Sittang với biểu hiện những tấm bia đá được tìm thấy viết bằng chữ Pali thuộc thế kỷ thứ VI để ghi kinh phật được khắc trên một tấm bia đá, một cột đá ở hạ lưu sông Sittang. Ở thượng lưu sông Sittang, trên địa điểm gọi là Beihano còn có dấu vết của hai ngôi chùa và tu viện Phật giáo cùng với 4 Stupa bao quanh tất cả đều được xác định niên đại vào khoảng thế kỉ VI.
Một địa điểm khác ở thượng lưu sông Irawađi là Prome đã từng tồn tại một thành phố cổ mà sách Trung Hoa gọi là Chelichatalo, và qua bia kí ta được biết là Kestra (Ruộng thiêng). Ở đây, người ta phát hiện được một tòa thành và một khu thành tương đối lớn, trong đó, thấy một pho tượng phật ngồi bằng đá, một ngôi chùa, một Stupa, 6 bia đá khắc hình
Phật theo những kiểu dáng, tư thế khác nhau, mấy phiến chữ khắc mấy đoạn kinh Phật bằng chữ Pali, ở chân một pho tượng lại có một dòng chữ Sanskrit cho biết một triều vua Chandra, trong đó có vua Jayachandravarman và một bản chữ khác lại cho biết ông vua này có người em là Harivikrama (biệt danh ghép giữa Siva và Visnu) qua đời năm 695. Những tài liệu trên đây cho biết cư dân cổ Prome theo Phật giáo Tiểu thừa, ngành Sarvastivadin, và niên đại bắt đầu từ thế kỷ thứ VI.
Qua đây, ta cũng biết văn hóa Ấn Độ truyền sang Myanmar có thể sớm nhưng thể hiện ra cũng vào thế kỷ thứ VI, tức là ít nhiều muộn hơn những nước ở ven biển Đông, có lẽ vì đường biển là con đường buôn bán giao lưu văn hóa thuận tiện hơn và cũng có lẽ vì những thế kỷ đầu công nguyên, người Ấn Độ còn phải ưu tiên cho việc làm ăn buôn bán với biển Đông.
Cùng với đạo Phật Tiểu thừa, cả chữ Sanskrit và Pali đều cũng được truyền bá, song vẫn có sự khác nhau, chữ Sanskrit dùng để nói về thế quyền, về vua còn chữ Pali dùng để ghi kinh phật.
Chính sự có mặt của văn hóa Ấn Độ ở vùng lưu vực các con sông Irawađi, Salwin và Sittang là một điều kiện không thể thiếu cho sự ra đời của các vương quốc sơ kì ở Myanmar, các vương quốc của người Môn, người Pyu và muộn hơn là người Miến.
Trong 7 thế kỉ đầu của thời sơ kì, Phù Nam với vị trí của nó đã hoàn thành sứ mạng của một vương quốc đi đầu mở cửa giao lưu với thế giới bên ngoài và do vậy đã trở thành một trung tâm truyền bá văn hóa Ấn Độ vào các nước Đông Nam Á. Nơi tiếp nhận sớm nhất văn hóa Ấn Độ thông qua Phù Nam là các bộ lạc người Môn cổ vùng lưu vực Sêmun và bình nguyên Khorat. Bộ lạc của người Môn - Bhavapura, tổ tiên của người Campuchia ngày nay tiếp nhận văn hóa Ấn Độ qua Phù Nam, phát triển mạnh lên rồi chinh phục Phù Nam và mở ra một giai đoạn ảnh hưởng mới của văn hóa Ấn Độ.
Văn hóa Ấn Độ mở rộng ảnh hưởng trên địa bàn mới trong lục địa Đông Nam Á, ngoài Champa, lưu vực các dòng sông ở Myanmar, lần này nó tạo thêm những điểm nhấn ở lưu vực sông Mênam và đặc biệt ở những vùng người Khmer định cư và phát triển lãnh thổ phía Nam của mình.
Như vậy, vào những thế kỷ đầu công nguyên, trên cơ sở những thành tựu đã đạt được của nền văn minh bản địa, quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa với bên ngoài đã diễn ra sôi động ở Đông Nam Á, trực tiếp nhất là tác động từ văn hóa Ấn Độ, đây chính là điều kiện cần và đủ, là “cú hích” cho sự ra đời của một loạt các quốc gia sơ kỳ ở vùng hải đảo, vùng bán đảo ven biển Malaya và lưu vực các dòng sông lớn…Nổi bật hơn cả có thể kể đến vương quốc Phù Nam ở vùng ven biển phía nam lục địa và vùng hạ lưu sông Mekong, cùng thời với Phù Nam ở ven biển miền Trung Việt Nam ngày nay vương quốc cổ Lâm Ấp sau gọi là Champa ra đời, vùng hạ lưu sông Menam và bán đảo Malaya, trạm trung chuyển trên bộ của những con thuyền ngược xuôi đông tây những thế kỷ đầu, thư tịch cổ Trung Hoa nhắc đến tên của các tiểu quốc như: Xích Thổ, Đốn Tốn, Bàn Bàn, Lang Nha Tu. Vùng hải đảo là Cantoli và Melayu trên đảo Sumatra; Taruma trên đảo Java. Muộn hơn các vương quốc kể trên là các tiểu quốc của người Môn ở khu vực hạ lưu sông Sêmun - Mekong. Vùng hạ lưu các con sông Irawađi, Salvin và Sittang là các vương quốc sơ kì ở của người Môn (Thatơn, Pegu, Sri Kretra ).
Đóng vai trò nổi bật và sáng chói hơn cả trong nền văn minh khu vực vào những thế kỷ đầu công nguyên không thể không kể đến vương quốc cổ Phù Nam, vương quốc của cư dân cổ đồng bằng sông Cửu Long. Trong bảy thế kỷ đầu, vương quốc Phù Nam tồn tại với tư cách một trung tâm liên hệ với thế giới đầu tiên của khu vực, nối thông hai nền văn minh Ấn Độ và Trung Quốc bằng đường hàng hải. Không chỉ với vai trò là cầu nối, Phù Nam còn là trung tâm truyền bá văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc vào khu vực Đông Nam Á, một trong những điều kiện không thể thiếu được cho sự ra đời của các quốc gia sơ kỳ trong khu vực. Điều đặc biệt quan trọng là với việc tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa từ Ấn Độ, Phù Nam còn đóng vai trò là một trung tâm Phật giáo quan trọng ở Đông Nam Á và phía Tây Thái Bình Dương; ở vai trò truyền bá đạo Phật, ưu thế của đạo phật và một nền nghệ thuật Phật giáo phong phú với những pho tượng phật đứng (Budhapad), bằng đá, bằng gỗ tràn trề màu sắc bản địa đủ để định cho nó một phong cách nghệ thuật riêng, xuất hiện đầu tiên trong nền văn minh khu vực Đông Nam Á.