Thông qua hoạt động truyền giáo

Một phần của tài liệu quan hệ văn hóa ấn độ - đông nam á mười thế kỷ đầu công nguyên (Trang 25 - 26)

Các cuộc tiếp xúc thương mại là không đủ để truyền bá văn minh cao hơn của một dân tộc này cho một dân tộc khác. Nếu nhà buôn đóng vai trò truyền bá văn hóa thì trung tâm ban đầu phải là những khu buôn bán ven biển nhưng những gì tìm được cho thấy rằng bên cạnh hoạt động thương mại thì theo những đoàn thuyền buôn là những nhà truyền giáo truyền bá một cách tự nguyện hay có sự chỉ đạo từ phía các ông hoàng trên đất Ấn, hai tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng là Phật giáo và Bàlamôn giáo.

Thời gian Phật giáo được truyền bá vào Đông Nam Á cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác nhưng chắc rằng rất sớm. Lịch sử ghi nhận nhiều cuộc truyền giáo lớn ra bên ngoài Ấn Độ kể từ sau khi Đức Phật viên tịch trong đó nổi bật nhất là những cuộc truyền giáo do vua Asoka (273-237 TCN) vị vua hùng mạnh nhất của vương triều Môrya phát động sau khi từ bỏ chiến tranh và giác ngộ tư tưởng Ahimsa (không sát sinh). Theo tài liệu cổ Xri Lanca - cuốn Maha Vamsa và bút tích số 13 của vua Asôka thì sau khi định đô ở Pataliputra và tổ chức thành công đại hội Phật giáo họp năm 242 TCN, Asôka không đưa những đoàn quân viễn chinh mà đã phái 9 đoàn thuyền truyền giáo ra nước ngoài trong đó có một đoàn gồm 3 cao tăng đã đến vùng đất vàng (Suvarnabhumi).

Ngoài những cuộc truyền giáo lớn được tiến hành có tổ chức theo mệnh lệnh của các vị vua, chúng ta còn ghi nhận rất nhiều công sức của các nhà sư đi truyền đạo với danh nghĩa cá nhân. Họ thường thâm nhập vào tầng lớp bình dân, hòa nhập với cuộc sống của cư dân nơi họ đến để rồi dần dần giáo hóa theo tôn giáo của mình. Nhiều khi những cuộc truyền giáo như thế này lại có tác dụng rất lớn và nó dần trở thành cách thức truyền đạo phổ biến của các tăng lữ Phật giáo sau này khi mà đạo Bàlamôn mạnh lên lấn áp đạo Phật trong đời sống tâm linh của cư dân trên bán đảo Ấn.

Đạo Bàlamôn cũng được truyền bá vào Đông Nam Á rất sớm. Cách thức truyền bá của Bàlamôn lại không giống như Phật giáo. Ở Phật giáo, nếu như cách thức truyền bá với danh nghĩa cá nhân và đối tượng tập trung chủ yếu vào tầng lớp bình dân ngày càng chiếm ưu thế thì Bàlamôn giáo lại trái hẳn. Nó gắn chặt với vương quyền như một thể thống nhất. Tăng lữ Bàlamôn thường được triều đình các nước trong khu vực mời đến và do vậy đối tượng truyền bá sẽ là bộ phận quý tộc, quan lại. Bàlamôn giáo từ đó sẽ tỏa ra khỏi phạm vi cung đình đi vào đời sống dân chúng. Ngoài ra, những đạo sĩ Bàlamôn vượt qua cấm đoán

nghiệt ngã, khắc khe của giáo lí cũng góp phần truyền bá đạo Bàlamôn vào khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, không thể bỏ qua vai trò của người bản xứ trong quá trình truyền bá hai tôn giáo trên vào Đông Nam Á. Chính dòng người mộ đạo từ Ấn Độ đến đã khuyến khích một sự đối lưu mạnh hơn nhiều của các nhà sư bản xứ sang (với danh nghĩa cá nhân hoặc được sự chỉ đạo của giai cấp thống trị), chiêm ngưỡng, học tập giáo lí về truyền thụ cho dân chúng.

Như vậy, sau những thương nhân, thậm chí là cùng các thương nhân tới Đông Nam Á là những tri thức người Ấn (các tu sĩ Bàlamôn giáo, các nhà sư Phật giáo) vì nếu không thì khó có thể hiểu được về sự phát sinh ở Đông Nam Á những nền văn minh thấm nhuần sâu sắc những ảnh hưởng của Ấn Độ như văn minh của người Khmer, của người Java và của người Champa. Theo G.Coedes, việc thiết lập những vương quốc thành nhà nước có tổ chức ở Đông Nam Á của người Ấn có thể diễn ra theo hai cách: hoặc một người Ấn buộc cư dân bản địa, trong đó có ít hoặc nhiều người Ấn làm hạt nhân phải thừa nhận mình là thủ lĩnh; hoặc một thủ lĩnh địa phương hấp thụ nền văn minh Ấn Độ. Cả hai trường hợp trên chắc là đã diễn ra. Nhưng dù một triều đại có nguồn gốc Ấn Độ như xảy ra đối với trường hợp đầu thì sự thuần nhất cũng không lâu bền, vì người Ấn buộc phải kết hôn với người địa phương. Nhiều truyền thuyết của các nước Đông Nam Á thời cổ như Phù Nam, Chân Lạp, Champa đã phần nào nói tới việc thiết lập các quốc gia “Ấn Độ hóa” ở vùng này.

Do có ưu thế của một nền văn minh lớn cũng như ưu thế sớm hình thành truyền thống đúc kết và ghi chép những thành tựu chính trị văn học, nghệ thuật, tôn giáo, phong tục của mình thành văn bản, nên văn hóa Ấn Độ thời cổ, thông qua sự truyền bá của các nhà buôn, các sư tăng, tu sĩ…, đã dễ dàng thâm nhập và bén rễ vào những cư dân bản xứ của các vương quốc Đông Nam Á sơ kì.

Một phần của tài liệu quan hệ văn hóa ấn độ - đông nam á mười thế kỷ đầu công nguyên (Trang 25 - 26)