CHƯƠNG 2: SỰ HIỆN DIỆN CỦA VĂN HÓA ẤN ĐỘ Ở KHU VỰC ĐÔNG NAM Á MƯỜI THẾ KỶ ĐẦU CÔNG NGUYÊN
2.1.2. Phật giáo ở Myanmar
Các quốc gia sơ kì của Myanmar đều được ra đời trên lưu vực ba con sông lớn Salvin, Sittang và Irawađi. Ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam đã hình thành những địa điểm quần cư quan trọng, đặc biệt, miền Nam, đã đón nhận ảnh hưởng văn hóa phật giáo từ Ấn Độ, địa điểm Thatơn trên cửa sông Sittang ở miền Nam vẫn được coi là nơi ra đời và tu hành của người sáng lập ra môn phái Phật giáo Singhalais từ thế kỷ V. Nơi đây còn có dấu vết của chùa chiền và tu viện Phật giáo, cùng 4 Stupa bao quanh. Tất cả đều được xác định niên đại vào khoảng thế kỉ thứ VI.
Một địa điểm khác ở thượng lưu sông Irawađi là Prome, bên cạnh làng Hmawza cũng đã từng tồn tại một thành thị cổ mà sách Trung Hoa gọi là Chelichatalo, tên qua bia kí là Sriksetra - có nghĩa là Ruộng Thiêng, ở đây có di tích một thành cổ khá lớn, trong đó có chùa, Stupa, các phiến đá khắc kinh Phật, hình phật và niên đại 695 của một vị vua. Những tài liệu trên đây cho biết cư dân cổ Prome theo Phật giáo Tiểu thừa, ngành Sarvastivadin, và niên đại bắt đầu từ thế kỷ thứ VI.
Theo Tân Đường Thư viết vào thế kỷ thứ VIII, khi người Trung Hoa tiếp xúc với người Pyu họ đã ghi lại rằng:
Lấy gạch xanh xây thành hình tròn, chu vi 160 dặm, mở 12 cửa, bốn phía có tháp. Dân trong thành có tới hàng vạn gia đình. Hơn 100 chùa đẹp, dát vàng và sơn nhiều màu đã được xây cất...
...Trai, gái đến 7 tuổi thì cạo đầu đi tu cho đến 20 tuổi mới được vào đời. Tất cả mọi người đều mặc một kiểu áo dài trắng thắt dây lưng hồng. Tính khí họ hòa dịu không có gông cùm. Người có tội buộc 5 thanh tre lại đánh sau lưng, nặng thì đánh 5 gậy, nhẹ thì đánh 3 gậy. Giết người thì bị xử tử...[48].
Như vậy, vào khoảng thế kỷ V - VI, những địa bàn cư trú theo tộc người (chia Miến Điện thành 3 khu vực Bắc - Trung - Nam) đã đón nhận những ảnh hưởng văn hóa Phật giáo từ Ấn Độ, tạo nên những điểm quần cư - trung tâm Phật giáo (Thatơn, Prome). Đầu thế kỷ thứ IX, tại lưu vực sông Irawađi, xuất hiện hai vương quốc của người Môn cổ là Thatơn và Pegu. Từ địa bàn cư trú này, bước sang thế kỷ thứ X, cư dân Miến Điện cổ đã tụ tập khá đông nơi ngã ba sông (sông Salvin đổ vào sông Irawadi) và lập nên vương quốc cổ Pagan,
vương triều thống nhất đầu tiên của người Miến Điện. Giữa thế kỷ XI (1053), vua Pagan là Anoratha đem quân chinh phục Thatơn và Pegu, tiếp đó chinh phục những tiểu quốc khác. Quốc vương Anoratha được lịch sử ghi nhận là “Ông vua đầu tiên sáng lập ra vương quốc Pagan thống nhất’’[35]. Vương quốc Pagan bước vào giai đoạn thịnh vượng cho đến cuối thế kỷ XIII.
Trong thời kỳ vương quốc Pagan thịnh vượng (1044 - 1287), một nền văn hóa dân tộc đã được hình thành mang đậm dấu ấn Phật giáo, nhiều ngôi chùa tháp được xây dựng. Đến thế kỷ XII, Pagan là một trung tâm Phật giáo nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á.
Phật giáo tuy bén rễ khá sớm ở Miến Điện nhưng do tình trạng xã hội thiếu ổn định trước khi vương quốc thống nhất nên nảy sinh ra nhiều tông phái, cùng với các tín ngưỡng đã gây ra một sự xáo trộn và thiếu tính thống nhất trong tinh thần dân tộc. Vua Anoratha đặc biệt lưu ý đến vấn đề này. Vì vậy, Ông đã cho phép và tiếp thu Phật giáo Tiểu thừa từ Thatơn (Phái Phật giáo Tiểu thừa từ Sri Lanka) và phát triển nó thành quốc giáo. Kể từ đó, Phật giáo Tiểu thừa Theraveda trở thành một truyền thống văn hóa, là hệ tư tưởng chủ đạo duy nhất trong đời sống tinh thần của cư dân Miến Điện. Hệ thống Phật giáo Tiểu thừa Theraveda đã gieo cấy một niềm tin rằng “công đức xây chùa, tạc tượng có ý nghĩa rất lớn’’[17], xây được một ngôi chùa là giải thoát được một kiếp trầm luân. Đó là một trong những nguyên nhân chính làm cho dân tộc Miến Điện xây dựng nhiều công trình kiến trúc Phật giáo nhằm thể hiện niềm tin tôn giáo mãnh liệt của họ.
Kiến trúc mang ảnh hưởng Phật giáo đậm nét ở Miến Điện là chùa tháp. Trong đó nổi bật lên đô thị cổ Pagan với dày đặc các kiến trúc tôn giáo hầu hết là những công trình kiến trúc Phật giáo Tiểu thừa.
Bước vào thế giới huyền thoại của những ngôi đền đài cổ kính - một di sản văn hóa khổng lồ của nhân loại. Đó chính là kinh đô Pagan hoang tàn của đế chế đầu tiên ở Myanmar. Chỉ tính riêng số công trình ít ỏi còn sót lại sau cả nghìn năm bị thời gian, chiến tranh và động đất hủy hoại cũng đủ làm cho cả thế giới phải bàng hoàng. Truyền thuyết dân gian nói rằng, trong suốt 300 năm tồn tại, cứ mỗi ngày ở Pagan lại mọc lên 40 ngôi đền chùa mới, tổng cộng có tới 4 triệu tòa kiến trúc như vậy và hầu hết ngôi đền đài của kiến trúc này đã bị xóa sổ, đây là những con số vượt quá sức tưởng tượng. Chùa Ananda nổi bật giữa đô thị cổ Pagan, chùa được xây dựng vào năm 1090, đây là một ngôi chùa tiêu biểu cho
kiến trúc chùa ở Miến Điện. Đứng từ xa nhìn chùa Ananda, chúng ta thấy ngay những bức tường trắng, chóp đỉnh của chùa làm bằng vàng cùng với nhiều đỉnh tháp nhỏ làm cho người xem liên tưởng đến vùng đất huyền thoại khi các nhà sư thiền định tưởng tượng như phủ đầy tuyết trắng và tràn ngập ánh nắng.
Đền Tapinjun cao 112m là tòa kiến trúc cao nhất ở Pagan được xây năm 1144, gồm 5 tầng có chứa xá lợi Phật.
Dưới chân đồi Mandalay có công trình kiến trúc độc đáo đó là chùa Uthudao được xây năm 1859 có cuốn sách kinh lớn nhất thế giới, thực ra đây là tổ hợp 729 ngôi chùa tháp, mỗi tháp chứa 1 tấm bia đá hoa cương lớn in kinh phật bằng chữ Pali. Bia được khắc từ năm 1860 - 1868, mỗi bia được xem như là một trang sách, tất cả các chữ trong 729 tấm bia đều được mạ vàng.
Với hàng loạt những ngôi chùa tháp choáng ngợp, kỳ vĩ như thế nên Cố đô Pagan được xem là trái tim tôn giáo của Myanmar với nền văn hóa phật giáo đầy bản sắc và Miến Điện được gọi là đất nước Chùa Vàng vì có ngôi chùa vàng Swe Dagon. Swe có nghĩa là vàng, còn Dagon là tên miền đất cổ nơi có ngôi tháp chùa tọa lạc.
Công trình được xây dựng từ năm 1372 để thờ 7 sợi tóc phật và xá lợi của 3 vị phật trước phật Thích ca. Theo truyền thuyết, ngôi tháp được xây dựng cách đây 2500 năm khi người ta mang được xá lợi phật về nhân dịp Phật hiển linh trên bầu trời. Sử sách thì ghi lại rằng vào thế kỉ XIV, vua xứ Pegu khôi phục ngôi tháp cũ, đặt tên là Swe Dagon. Trong những thế kỉ XIV, XV vùng này thuộc vương quốc của người Môn nên cuối thế kỉ XV, các vua Pegu rất chú ý đến ngôi tháp chùa, ngôi tháp chính được nâng cao lên 90m, chùa được dát vàng trong mọi thời đại, đạt đến chiều cao 99m như hiện nay vào năm 1774. Ngoài ra, nơi đây còn có pho tượng phật bằng ngọc nặng 179 kg, dát 2,5kg vàng, nạm 9 viên kim cương.
Trên toàn khuôn viên rộng lớn của ngôi Chùa Vàng luôn có hàng nghìn sư sãi, phật tử cúng lễ triều bái, tụng kinh, niệm phật. Các nghi lễ tôn giáo diễn ra tự phát, uy nghi, thiêng liêng, muôn hình, vạn trạng, không gò bó, hết sức tôn kính, thành tâm, cởi mở với mọi người kể cả dân địa phương hay khách du lịch tại tất cả các nơi thờ cúng, trong đó có 72 ngôi đền đá quanh chân tháp. Tòa tháp chính cao 99m, được dát 90 tấn vàng, khảm 5448
viên kim cương, nạm 2317 viên ngọc, treo 1065 chuông vàng, là biểu tượng thanh cao, siêu thoát và bất tử của tư tưởng phật giáo, cùng với trí tuệ và nghị lực phi thường của dân tộc này, quốc gia này. Chùa Vàng xứng đáng là biểu tượng của đất nước Myanmar giàu đẹp với những con người sùng kính đức Phật và giàu lòng vị tha.
Những chùa Tháp ở Miến Điện có mô hình gần giống những tháp Ấn Độ nhưng chức năng chủ yếu của các chùa tháp này là nhằm thể hiện tinh thần Phật giáo, nổi bật nhất là ngôi chùa vàng Swe Dagon. Đó là những biểu tượng Phật giáo cụ thể, rõ ràng, hình thức thể hiện xây dựng như ngọn núi đồ sộ, chóp tháp phủ vàng tượng trưng cho năng lượng và sức mạnh của ngọn lửa thiền định tĩnh tại. Điều đó giải thích tại sao Miến Điện được mệnh danh là “ Đất nước Chùa Vàng”.