CHƯƠNG 2: SỰ HIỆN DIỆN CỦA VĂN HÓA ẤN ĐỘ Ở KHU VỰC ĐÔNG NAM Á MƯỜI THẾ KỶ ĐẦU CÔNG NGUYÊN
2.1.3. Phật giáo ở Trung Java
Những thế kỷ đầu công nguyên, các thương nhân Ấn Độ sớm thiết lập những cơ sở buôn bán của họ trên những vùng ven biển thuộc miền Trung Java. Cùng với họ là những luồng văn hóa Ấn Độ đầu tiên bắt đầu xâm nhập, bén rễ và trở thành chất xúc tác thúc đẩy sự phát triển xã hội ở cư dân vùng đảo. Nhưng đến thế kỷ IV mới bắt đầu có những bằng chứng đầu tiên về sự ra đời của các vương quốc trên đảo Sumatra và Java thông qua sự hiện diện của chữ Phạn khắc trên văn bia và qua thư tịch cổ Trung Hoa. Đó là các quốc gia sơ kỳ đầu tiên như Cantoli, Melayu, Taruma. Tân Đường thư còn cho biết “Quốc gia Taruma đã tồn tại và có quan hệ với Trung Quốc cho mãi tới thế kỷ VII’’[35, tr.181].
Phật giáo Đại thừa được truyền bá đến vùng đảo vào khoảng thế kỉ thứ V, theo một số nguồn sử liệu, vào năm 417, một đoàn truyền giáo của vua Kusana đã đến Sumatra, rồi sang Java và ngược lên Campuchia. Ở Bukit Xeguntang gần Palempang (Sumatra), ở phía Nam tỉnh Giembe (Đông Java), ở Xepaga (đảo Xelebet) thuộc Indonesia, người ta đã tìm thấy những điêu khắc thể hiện đức Phật ở thế kỉ II – III. Sau đó vào thế kỉ VII, một cao tăng Ấn Độ là Dharmapala đã đến Sumatra. Ông là người đặt nền móng cho Phật giáo Đại thừa - một dòng tại vùng quần đảo Indonesia. Từ đầu thế kỉ VII, cả một vùng rộng lớn bao gồm Sumatra, Java, Borneo, một phần bán đảo Mã Lai và vùng duyên hải Nam Thái Lan, đều thuộc quyền cai trị của vương quốc Sri Vijaya. Trong suốt bốn thế kỉ tồn tại, Sri Vijaya là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất ở Đông Nam Á.
Như vậy, cùng với sự dịch chuyển con đường buôn bán thương mại trên biển (từ Phù Nam ra hải đảo) là sự hưng thịnh của số quốc gia hải đảo, nổi bật nhất ở miền Đông và Trung Java là hai vương triều chia nhau chiếm lĩnh là vương triều Phật giáo Sailendras và Hindu (Siva giáo) Sanjaya. Sanjaya lập nước Mataram, xây một khu đền tháp khá đồ sộ gọi là Loro Gionggrang (Kiều Nữ) thờ Dugra, vợ Siva. Có vẻ như đối lập lại, vương triều Phật giáo Sailendras (778 - 864) - dòng vua núi có thể là dòng vua di cư từ Phù Nam sang đây, định đô ở phía Tây đồng bằng Kedu, gần (Yojakarta), miền Trung Java hình như không lập một vương quốc riêng nhưng xây một công trình Phật giáo là Borobudur (thế kỷ VIII) còn độc đáo và đồ sộ hơn nhiều.
Từ nữa cuối thế kỷ VIII đến giữa thế kỷ IX, Vương quốc Kalinga trở thành một trung tâm Phật giáo rất quan trọng. Ngày nay, người ta còn tìm thấy rất nhiều đền đài nằm
rải rác ở vùng đồng bằng và trên các triền núi vùng trung bộ Java. Nổi tiếng nhất là ngôi đền tháp Borobudur được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII. Sau đó là đền Kalasan được xây dựng vào năm 778 mang tên vua Kalasan đang trị vì lúc đó.
Kiến trúc Phật giáo đồ sộ ở Trung Java được biết đến nhiều nhất là Borobudur, được đánh giá là “một công trình kiến trúc vĩ đại do con người từng kiến tạo nên”. Borobudur có nghĩa là Đức Phật tôn kính, đây là một phức hợp kiến trúc nhiều đền tháp, gắn với vương triều phật giáo Sailendras mà thời cực thịnh của nó từ khoảng năm 750 - 850 sau công nguyên, vị trí ngay tại giữa trung tâm đảo Java, tọa lạc giữa trung tâm đồng bằng Kedu màu mỡ, xung quanh có núi bao bọc. Nhìn tổng thể, Borobudur như một quả núi nhân tạo. Ba tầng trên cùng hình tròn có dạng như là một Stupa hình chuông khổng lồ với bảy mươi hai Stupa nhỏ (rỗng và khoét lỗ có thể nhìn vào bên trong, trong Stupa chứa một tượng Phật) và một Stupa lớn nhất (rỗng và không khoét lỗ không có tượng Phật ở giữa). Stupa của Borobudur không thờ thánh tích Phật như truyền thống mà ở đây phổ biến nhất là những Stupa trổ hình mắt cáo cùng những pho tượng Phật ngồi trong tư thế thuyết pháp. Kiến trúc của đại Stupa Borobudur bao gồm những đền đài hình vuông và hình tròn cùng các Stupa hình chuông, bên trong đặt tượng Phật. Kiến trúc đồ sộ này có khoảng “800 ngôi tháp hoặc cơ sở tưởng niệm - không cái nào giống cái nào cả về kích cỡ lẫn kiểu thức trang trí”[17].
Nhìn trên cao xuống, kiến trúc Borobudur được chia làm hai phần chính, phần tròn ở phía trên gồm có Stupa chính ở trung tâm và ba tầng hình tròn đồng tâm bên trên đặt các Stupa. Bên dưới là bốn tầng hình vuông, bên trên cũng đặt các Stupa, lan can và tường được trang trí bằng hàng trăm bức phù điêu chạm khắc nổi mô tả những chủ đề Phật giáo xen kẻ những tượng Phật. Bề mặt ở mỗi tầng và các lan can chạm trổ những bức phù điêu miêu tả cuộc đời đức Phật, từ giấc mơ của Mẹ Ngài đến sự ra đời của đức Phật và cuối cùng là những điển tích về sự đắc đạo của đức Phật. Càng lên cao các chủ đề càng tách dần khỏi thế giới trần tục, vươn tới sự siêu thoát. Khi lên tới tầng vuông cuối cùng bên trên, chúng ta bước vào ba tầng tròn trên đỉnh không có tường chắn lẫn phù điêu, thể hiện triết lý nhà Phật, chân lý cuối cùng của nhận thức về vật chất và cuộc đời.
Như vậy, từ thế kỷ VIII, cùng với sự hưng thịnh của vương triều Sailendras, Phật giáo hẳn đã rất thịnh hành trên đảo Java và lòng sùng kính đó đã để lại một công trình kiến trúc Phật giáo lớn nhất và nổi tiếng nhất ở Đông Nam Á - Borobudur.