Đánh giá đầy đủ chất lượng một sản phẩm là điều không đơn giản. Chính vì thế mà hàng loạt các tổ chức quốc tế và quốc gia về chất lượng sản phẩm đã ra
đời để đánh giá chất lượng sản phẩm. Trên thực tế, chất lượng sản phẩm thường được phát hiện đầy đủ trong quá trình sử dụng nghĩa là sau khi hàng hoá đã được bán. Đối với sản phẩm dệt may, với đặc điểm nổi bật là tính thời trang cho nên hình thức, kiểu dáng mẫu mã và chất liệu vải sợi tạo thành hàng dệt may thường là những nội dung cơ bản trước hết cần phải được đánh giá cụ thể.
- Đánh giá về chất liệu của hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam
Như chúng ta đã biết, sở thích, thị hiếu của đa số người tiêu dùng ở các nước phát triển thường thiên về các sản phẩm dệt kim. Đặc trưng của sản phẩm dệt kim là các loại áo Polo- shirt. T.shirt ở thị trường xuất khẩu là áo liền sườn (ống nguyên theo thân người mặc, không có ráp sườn), độ co tối thiểu (2-3%) và sản phẩm đại trà từ sợi cotton OE có thêu hoa hoặc in hình nổi. Nắm bắt được thị hiếu này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã đặt ra mục tiêu sản xuất quần áo dệt kim cotton OE 100% nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước phát triển. Các doanh nghiệp như Dệt kim Đông xuân, Dệt kim Đông phương, Dệt kim Thăng Long. Dệt Thành công... đã đầu tư chiều sâu bằng cách nhập thêm một số máy dệt kim có khổ rộng theo cỡ người, khâu hoàn tất có máy chống co cơ học compactor của Mỹ, bổ sung vào dây chuyền thiết bị sẵn có hoặc đầu tư nhà máy mới có sản lượng phù hợp. Ban đầu, Việt Nam vẫn phải nhập sợi OE nhưng sau đó thường căn cứ vào nhu cầu tăng trưởng để mở rộng thêm nhà máy chuyên kéo sợi OE cho dệt kim..
Có thể nói, trong những năm qua, ngành dệt Việt Nam đã không ngừng nâng cao chất lượng hàng dệt may xuất khẩu của mình nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất liệu quốc tế. Do vậy, các sản phẩm như sơ mi nam nữ, áo khoác, quần âu... đã đáp ứng được nhu cầu của những khách hàng khó tính. Tuy nhiên, so với sản phẩm chất lượng cao của nhiều hãng lớn, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn phải phấn đấu hơn nữa.
- Đánh giá về kiểu dáng, mẫu mã:
Hàng dệt may vốn dĩ thường có vòng đời sản phẩm ngắn. Đặc biệt đối với thị trường các nước phát triển luôn luôn chạy theo mốt cho nên vòng đời sản phẩm còn ngắn hơn nữa. Hàng năm, các nước đều có định hướng phát triển mẫu
"mốt" cho từng thị trường của năm đó và dự báo những năm tiếp theo. Mẫu thời trang thường được xác định theo các tiêu chí:
+ Theo trào lưu mẫu thời trang chung của thế giới + Theo bản sắc văn hoá của từng dân tộc
+ Theo điều kiện kinh tế, khí hậu mỗi nước + Theo chất liệu và phụ liệu may
+ Kiểu dáng phù hợp với điều kiện sinh hoạt của mỗi nước
Trên thực tế, tỷ trọng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam trên các thị trường Bắc Mỹ, EU và Nhật Bản đều còn quá nhỏ và phần lớn không thuộc diện hàng cao cấp nên mẫu mã, kiểu dáng vẫn theo "form" sẵn. Các doanh nghiệp dệt may lớn như May 10, Việt Tiến đã sử dụng công nghệ CAD-CAM (Computer Added Design - Computer Added Manufacturing, máy tính trợ giúp thiết kế và sản xuất). Công nghệ mới này mang lại hiệu quả rất cao, thực hiện được nhiều chức năng vẽ phác thảo trên máy, tạo mẫu chính xác, mô tả chất liệu vải, tạo ra bản vẽ kỹ thuật đầy đủ để đem đi gia công nơi khác, thiết kế thẳng trên người thật, hướng dẫn trưng bày sản phẩm. Nhờ có áp dụng kỹ thuật này, kiểu dáng, mẫu mã dệt may Việt Nam đã và đang được đón nhận khá thiện cảm trên thị trường các nước phát triển.
- Đánh giá về bao bì, nhãn mác:
Theo quan điểm Marketing, để đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, điều quan trọng là phải thiết kế bao bì hấp dẫn với giá trị nghệ thuật cao (đẹp, trang nhã, lịch sự). Các chuyên gia về Marketing thường nhấn mạnh bao bì, nhãn hiệu phải thật sự hợp lý về kích thước và khối lượng nhằm đảm bảo tiện lợi và dễ vận chuyển, bao bì đẹp sẽ kích thích sự ham thích mua hàng của người tiêu dùng. Tạo ra giá trị sử dụng và bảo quản giá trị sử dụng là hai khâu rất quan trọng. Đóng gói là khâu quyết định để hàng hoá giữ vững chất lượng, còn việc bảo quản hàng hoá là biện pháp cần thiết để duy trì tốt giá trị sử dụng của hàng hoá.
Thời gian vận chuyển hàng hoá từ Việt Nam sang Mỹ, EU thường rất dài và phải trải qua nhiều phương tiện. Vì thế, các doanh nghiệp cần chú ý khâu thiết kế bao bì sao cho có thể bảo vệ hàng hoá khỏi hư hỏng, giữ được toàn vẹn chất
lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển. Vật liệu làm bao bì phải là loại chắc chắn khi vận chuyển và tiện lợi cho người sử dụng, đồng thời thể hiện được tính mỹ thuật cao.
Khách hàng có quyền lựa chọn sản phẩm khi mua hàng, cho nên bao bì cần phải hấp dẫn sự chú ý, cung cấp được những thông tin cần thiết về đặc tính, chất lượng sản phẩm. Thông tin trên bao bì cần diễn đạt ngắn gọn, gây ấn tượng và bằng ngôn ngữ thông dụng là tiếng Anh. Trên thực tế, việc thiết kế bao bì sản phẩm phải phù hợp tiêu chuẩn quốc tế (như ghi rõ xuất xứ, có hệ thống ghi mã vạch bằng máy tính...), đồng thời cũng phải cô đọng để giảm chi phí vận chuyển, lưu kho và xếp dỡ.
Nâng cao chất lượng bao bì, nhãn hiệu sẽ làm tăng giá trị hàng hoá. Trên thực tế, chính bao bì chất lượng cao lại giúp giảm giá hàng hoá do giảm thiếu những tổn thất trong khâu vận chuyển, lưu kho và khâu bán hàng. Bao bì phù hợp, gọn nhẹ có thể còn tiết kiệm thêm một khoản tiền lớn. Đó cũng chính là một yếu tố quan trọng, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng dệt may Việt Nam trên thị trường các nước phát triển.
- Đánh giá về việc tiêu chuẩn hoá chất lượng hàng dệt may xuất khẩu
Hiện nay, khách hàng dệt may Bắc Mỹ chưa hiểu biết nhiều về chất lượng hàng dệt may Việt Nam.. Vì thế, các doanh nghiệp may Việt Nam phải tiêu chuẩn hoá chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9000, tạo lòng tin cho khách hàng nước ngoài khó tính như Bắc Mỹ, EU và Nhật Bản.
Ngoài vấn đề tiêu chuẩn hoá chất lượng ISO 9000, với thị trường Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam đã lưu ý đến hệ thống tiêu chuẩn xã hội SA 8000. Bởi lẽ, thị trường Mỹ vốn nhạy cảm với các vấn đề "nhân quyền" các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thường chú trọng điều đó khi thâm nhập thị trường nhạy cảm này.
Nhìn chung, vấn đề tiêu chuẩn hoá chất lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường Nhật Bản, EU và Bắc Mỹ, đặc biệt là thị trường Mỹ trong thời gian gần đây. Nhờ đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng nhanh chóng
được khách hàng mới đáng tin cậy, góp phần xứng đáng vào việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu trong thời gian qua vào thị trường Mỹ, một thị trường đầy hấp dẫn nhưng cũng rất khó tính.