II- Cơ sở lý luận về quản lý tập trung kinh tế
1- Tác động của tập trung kinh tế đối với sự phát triển kinh tế và sự cần thiết phải quản lý các hoạt động tập trung kinh tế
1.2- Tập trung kinh tế những tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế
Những tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế có thể kể đến một số tác động sau:
Thứ nhất, TTKT làm thay đổi tương quan cạnh tranh trên thị trường và
có thể dẫn đến những tổn thất phúc lợi xã hội. Thật vậy, TTKT làm giảm số lượng doanh nghiệp độc lập cạnh tranh trên thị trường, thay đổi sự phân bố thị phần giữa các doanh nghiệp và có thể làm thay đổi tương quan cạnh tranh trên
thị trường. TTKT với quy mô lớn có thể dẫn đến hình thành một nhóm doanh nghiệp chiếm thị phần rất lớn có khả năng chi phối thị trường, làm giảm tính cạnh tranh và họ có thể đưa ra những quyết định sản xuất dưới mức hiệu quả của toàn xã hội, gây ra những tổn thất phúc lợi xã hội.
Thứ hai, TTKT có thể tạo ra và làm nghiêm trọng thêm hiệu ứng “đẩy
ra ngoài” (crowding out) đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dẫn đến thất bại của thị trường về thông tin không đối xứng giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp lớn sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận các thông tin về thị trường và nắm bắt các thông tin tốt hơn so với các doanh nghiệp nhỏ. Chẳng hạn như thông tin về hàng các nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho quá trình sản xuất, hay thông tin về các thị trường tiêu thụ, ... Các doanh nghiệp nhỏ có thể là các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất của các doanh nghiệp lớn. Trong trường hợp đó, sự bất đối xứng về thông tin giữa các doanh nghiệp này sẽ gây ra những quyết định sản xuất- kinh doanh dưới mức hiệu quả xã hội.
Thứ ba, TTKT với mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp để tăng hiệu quả
sản xuất kinh doanh nên trong ngắn hạn, các doanh nghiệp có xu hướng cắt giảm lao động. Vì vậy TTKT sẽ làm giảm việc làm trong ngắn hạn.
Thứ tư, TTKT giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp
nước ngoài có thể dẫn đến việc các tập đoàn đa quốc gia thôn tính các doanh nghiệp, các thương hiệu nổi tiếng trong nước.
Thứ năm, TTKT có yếu tố nước ngoài còn có thể làm gia tăng sự kiểm
soát của nước ngoài đối với nền kinh tế trong nước. Đặc biệt đáng lo ngại đối với những ngành chủ chốt, ngành mũi nhọn chiến lược của nền kinh tế quốc gia.
Thứ sáu, trong quá trình TTKT có thể xảy ra tình trạng định giá tài sản
không đảm bảo tiêu chuẩn hoặc những vấn đề tiêu cực trong quá trình định giá tài sản, gây thất thoát, và những tổn thất lợi ích của các doanh nghiệp.
Như vậy, TTKT có nhiều tác động tích cực và cả những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế. Đây chính là những cơ sở quan trọng để luận chứng cho sự cần thiết phải quản lý TTKT.