Đặc điểm thực vật học

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật đến các chỉ tiêu sinh lý và nông sinh học của cây bông trồng tại duyên hải nam trung bộ (Trang 28 - 30)

- Rễ bông: Bông là loại cây có bộ rễ ăn sâu, phát triển khá mạnh. Rễ bông thuộc loại rễ cọc, do rễ chủ, rễ bên, rễ nhánh, rễ hút và lông hút hợp thành (Chu Hữu Huy và cs., 1991). Rễ chủ có thể đâm sâu 2-3m, rễ con có thể dài 0,6-1,0m. Rễ phân bố tập trung ở tầng canh tác 5-30cm (Chu Hữu Huy và cs., 1991).

- Thân và cành: theo Dương Xuân Diêu, (2011), cây bông là loại cây bụi thường cao 0,7-1,5m, trong điều kiện thuận lợi thân có thể cao tới 2m. Thân chính mang các cành có nhiều lóng (20-30 lóng). Thân thẳng đứng, cành gần như nằm ngang, tạo cho cây có dáng tháp, trên nhỏ, dưới to.

Cành bông có 2 loại, cành đực (monopodial) do mầm đâm từ giữa nách lá gọi là mầm chính phân hóa thành và cành quả (sympodial) do mầm phụ phân hóa thành. Phía gốc thường chỉ có mầm chính phát triển, do đó chỉ có cành đực; còn phía trên chỉ có mầm phụ phát triển thành cành quả.

Mỗi cây thường có 1-10 cành đực, thường mọc từ nách lá thật thứ 3, 4. Cành đực sinh trưởng theo phương thức mầm ngọn, do đó mọc thẳng và thuộc loại cành đơn trục, hợp với thân chính một góc nhọn. Cành đực không trực tiếp mang quả.

Cành quả thường mọc từ nách lá thật thứ 5, 6 trở lên. Các giống chín sớm, vị trí này thường thấp hơn giống chín muộn. Cành quả sinh trưởng theo phương thức mầm nách, do đó cành có dạng gãy khúc chữ chi. Cành

quả hợp với thân chính thành một góc lớn. Số lượng cành quả thường từ 15 đến 30 cành.

- Lá bông: gồm hai loại là lá mầm và lá thật. Lá mầm có hình dạng giống vỏ sò nên còn gọi là lá sò. Sau khi lá sò xòe một thời gian thì lá thật xuất hiện. Thời gian này tùy thuộc giống và điều kiện canh tác. Những lá thật đầu tiên có hình tim không có khía. Thường lá thật thứ 5, 6 trở đi mới có khía, mỗi lá có 2, 4 đến 6 khía chia phiến lá ra làm 3, 5 đến 7 thùy. Hình dạng lá tùy thuộc vào giống. Các lá trên thân chính có kích thước lớn hơn các lá ở cành. Các lá ở phần gốc lớn hơn các lá ở phần ngọn. Lá có nhiều hạch Gossypol và nhiều lông. Lông ở mặt dưới nhiều hơn lông ở mặt trên và ở gân lá nhiều hơn phiến lá. Lá của bông Luồi (G. hirsutum) thường có lông, còn ở bông Hải đảo (G. barbadense) thường ít hoặc không có lông. Mặt trái của gân chính cách cuống lá 1/5, có tuyến mật. Một số giống bông có tuyến mật nằm trên gân phụ, còn một số giống khác hoàn toàn không có (Dương Xuân Diêu, 2011).

- Nụ, hoa: Nụ bông đầu tiên xuất hiện trên cành quả thứ nhất. Nụ có hình tam giác cân, với 3 mặt có 3 tai nụ (lá bắc) che các bộ phận bên trong, còn phía trong nụ là mầm hoa nhỏ. Mặt dưới nụ dính với cuống. Hoa bông thuộc loại hoa lưỡng tính, tự thụ phấn là chính. Hoa bông bao gồm: cuống, tai, đài, tràng, nhị và nhụy. Mỗi hoa có 3 tai, tai có nhiều răng, bao chân hoa. Tràng gồm 5 cánh hoa lớn. Chân cánh hoa liên kết với ống nhị đực. Màu sắc cánh hoa trắng hoặc vàng tùy thuộc vào giống bông. Mỗi hoa có khoảng 30 đến hơn 100 nhị đực. Chân nhị kết lại với nhau tạo thành ống nhị. Mỗi nhị gồm có 2 bộ phận: chỉ nhị và bao phấn. Chỉ nhị cắm vào một chỗ lõm dưới bao phấn. Trong bao phấn có nhiều hạt phấn. Hạt phấn hình cầu và bề mặt của nó có nhiều gai. Nhụy hoa bao gồm đầu nhụy, trụ và bầu hoa. Bầu hoa hình trứng, có nhiều tâm bì. Giữa mỗi tâm bì có một vách ngăn, chia tâm bì thành hai nửa ngăn. Thường bầu hoa có 3-5 ngăn. Mỗi ngăn có 2 hàng phôi

châu. Bông luồi có khoảng 7-11 phôi châu, phôi châu này sau khi thụ tinh phát triển thành hạt.

Ở chân hoa phía ngoài, chỗ 2 tai giáp nhau có 3 tuyến mật- gọi là tuyến mật ngoài đài hoa và ở phía trong đài hoa còn có một vòng tuyến mật.

- Quả bông: thuộc loại quả nang, có hình cầu tròn hoặc hình trái tim có chóp nhọn. Mặt quả có màu xanh và lấm tấm những hạch gossypol. Mỗi quả có 3-5 múi. Mỗi múi gồm nhiều ánh bông, còn ánh bông gồm có hạt và sợi bao quanh. Mỗi múi bông có khoảng 6-9 hạt.

- Hạt bông: Hạt bông gồm có lông áo, vỏ, nhân (nội nhũ, phôi). Hạt có màu nâu đen, hình bầu dục, nhọn một đầu. Trên vỏ hạt, xơ bông và xơ ngắn bám vào, riêng bông hạt nhẵn không có xơ ngắn. Vỏ hạt gồm có tầng biểu bì, tầng sắc tố ngoài, tầng tế bào không màu sắc, tầng tế bào hình giậu, tầng sắc tố trong và tầng màu trắng sữa. Nhân hạt do lá mầm, thai rễ, thai mầm và thai trục hợp thành.

- Xơ bông: Bao quanh hạt bông có hai loại xơ là xơ ngắn (lông áo) và xơ dài. Xơ dài là một tế bào rất lớn, dài 12-60mm, khi chín thì ruột rỗng, dẹt và xoăn lại.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật đến các chỉ tiêu sinh lý và nông sinh học của cây bông trồng tại duyên hải nam trung bộ (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(192 trang)