Một số kết quả nghiên cứu về sự tích lũy chất khô của cây bông

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật đến các chỉ tiêu sinh lý và nông sinh học của cây bông trồng tại duyên hải nam trung bộ (Trang 42 - 44)

Cây trồng muốn tạo ra được nhiều chất khô thì trước hết phải có diện tích lá lớn. Đối với các loại cây trồng có thời gian sinh trưởng 100-150 ngày, chỉ số diện tích lá cao nhất thường đạt được khoảng từ 3-5. Khi diện tích lá quá cao, thì cường độ quang hợp và hiệu suất quang hợp thuần có xu hướng giảm xuống do hiện tượng che lấp ánh sáng lẫn nhau, trong lúc đó cường độ

hô hấp tăng lên. Đối với cây trồng, diện tích lá cũng chỉ có thể được phép tăng lên đến một trị số thích hợp. Muốn xúc tiến khả năng tích lũy chất khô lên nữa thì cần tăng thời gian diện tích lá tối ưu bằng cách tăng mật độ trồng dày hợp lý, đồng thời bảo đảm đủ nước và phân bón nhất là đạm. Cần xúc tiến việc tăng diện tích lá nhanh ở thời kỳ đầu để sớm đạt được chỉ số diện tích lá cao nhất sau đó là duy trì tuổi thọ của bộ lá thông qua biện pháp bón phân và tưới nước hợp lý (Hoàng Minh Tấn và cs., 1996).

Kết quả nghiên cứu của Mauney năm 1981 tại Phoenix, Arizona cho thấy với giống bông Luồi DPL70 ở mật độ 80.000cây/ha thì tích lũy chất khô đạt cao nhất là 25-30g/m2/ngày và thu được năng suất 5.780 kg/ha (Jack R., 1986), (Jack R. và cs., 1986). Các tác giả ở Liên Xô cho thấy rằng, trong điều kiện chiếu sáng mặt trời tối ưu thì 1 m2

phiến lá trong 1 giờ có thể tổng hợp được 1,46g chất khô, ngược lại, trong điều kiện ánh sáng không đầy đủ thì chỉ số đó chỉ là 0,073 (dẫn theo Lê Quang Quyến, 1991).

Mật độ càng cao thì khối lượng chất khô trên cây càng nhỏ, tuy nhiên khối lượng chất khô trên đơn vị diện tích càng tăng. Kết quả nghiên cứu tại Ấn Độ cho thấy khi mật độ tăng dần từ 8.000 đến 16.000 và 32.000 cây/ha thì khối lượng chất khô trên cây là 33,6g, 30,7g và 27,1g; tương ứng với lượng chất khô/1 yard2

(0,914m2) là 80g, 147g và 244g (Dastur R. H. và cs., 1960). Theo Nguyễn Văn Tạm, (2001), hiệu suất quang hợp thuần của các giống CS95 và VN15 đạt cao vào giai đoạn 50 ngày tuổi. Từ 60 ngày trở đi, hiệu suất quang hợp thuần giảm dần. Ngược lại, năng suất sinh vật học tăng chậm ở giai đoạn trước 50 ngày tuổi, tăng rất nhanh ở giai đoạn từ 60-120 ngày tuổi, sau đó chậm dần về cuối vụ. Tỷ lệ chất khô giữa cơ quan dinh dưỡng và cơ quan sinh sản đạt tỷ lệ 1/1 vào giai đoạn 120-130 ngày tuổi. Giống bông lai VN20 trồng trong điều kiện vụ mưa tại vùng núi Sơn La, có

năng suất sinh vật học cao nhất là 119,6 tạ/ha vào giai đoạn 160 ngày sau gieo (Đỗ Khắc Ngữ, 2002).

Theo kết quả nghiên cứu đề tài thạc sĩ của tác giả, giai đoạn ra hoa rộ, hiệu suất quang hợp thuần của cây bông giống VN01-2 tại Duyên hải Nam Trung Bộ cao nhất, sau đó giảm dần cho đến cuối vụ. Hàm lượng diệp lục trong lá giảm dần từ giai đoạn 65 ngày sau gieo cho đến giai đoạn 85 ngày sau gieo. Xử lý PIX có tác dụng làm tăng hàm lượng diệp lục trong lá bông so với đối chứng không xử lý.

Tóm lại, muốn đạt năng suất kinh tế cao thì cần phải xúc tiến khả năng tích lũy chất khô lớn bằng cách tăng diện tích lá thích hợp, cần phải tăng mật độ trồng dày hợp lý, đồng thời bảo đảm đủ nước và dinh dưỡng cho cây.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật đến các chỉ tiêu sinh lý và nông sinh học của cây bông trồng tại duyên hải nam trung bộ (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(192 trang)