Một số kết quả nghiên cứu về PIX và một số chất điều hòa sinh trưởng khác

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật đến các chỉ tiêu sinh lý và nông sinh học của cây bông trồng tại duyên hải nam trung bộ (Trang 45 - 50)

trưởng khác

Muốn đạt năng suất bông cao và chất lượng tốt, khâu mấu chốt là điều khiển được sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực của cây bông. Kỹ thuật dùng hóa chất để điều khiển là một kỹ thuật mới đã áp dụng thành công trong sản xuất bông (Chu Hữu Huy và cs., 1991).

1.5.4.1 Nghiên cứu về PIX

Chất điều hòa sinh trưởng Mepiquat chloride có tên hóa học là 1,1- dimethylpiperidinium chloride, tên thương mại là PIX. Là chất điều hòa sinh trưởng ngoại sinh có tác dụng ức chế quá trình sinh trưởng sinh dưỡng của thực vật.

PIX là chất điều hòa sinh trưởng thực vật nội hấp, được thực vật có màu xanh hấp thu ở một bộ phận rồi được chuyển vận tới toàn cây, tăng cường sự phát dục và hoạt động của bộ rễ, điều tiết giữa sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực, làm cho lóng ngắn lại, phiến lá dày lên, diện tích lá bé đi (Lý Văn Bính, Phan Đại Lục, 1991). Sau khi xử lý PIX cho thấy, màu lá sẫm hơn (Chu Hữu Huy và cs., 1991), (Gausman H. W. và cs., 1978), (Gausman H. W. và cs., 1980), (Walter H., và cs., 1980), phiến lá không phát triển về chiều rộng mà dày thêm (Chu Hữu Huy và cs., 1991), (Gausman H. W. và cs., 1980), hàm lượng diệp lục tăng lên, lá chậm già hơn, tăng cường tác dụng

quang hợp, có tác dụng về mặt cải thiện kết cấu quần thể trên ruộng. Phun PIX làm khống chế sự sinh trưởng của thân chính và cành quả, không cho cây bông bốc lá, năng suất xơ tăng trung bình 12,5% (Chu Hữu Huy và cs., 1991). Xử lý PIX với nồng độ và thời gian hợp lý có tác dụng cải thiện tán lá bông (Kerby T. A., 1985), (Liusheng Duan và cs., 2000). Xử lý hạt giống bằng PIX có tác dụng làm giảm số nốt, số lá, số nụ, chiều cao cây và diện tích lá so với đối chứng không xử lý (Zhang S. và cs., 1990). Phun PIX có tác dụng làm giảm chiều cao cây bông và diện tích lá giảm 5-10% so đối chứng không phun (Livingston S. D. và cs., 2002).

Theo Constable (1994), phun PIX với liều lượng 600ml/ha vào giai đoạn có hoa đầu tiên có tác dụng làm giảm sinh trưởng lá, cành và chiều cao cây, tuy nhiên năng suất bông hạt cao hơn so với đối chứng không phun (4.414kg/ha so với 4.187kg/ha). Tùy giống mà năng suất tăng hơn so với đối chứng không phun từ 0,5 đến 9,1% (Constable G. A., 1994).

Nếu trồng với mật độ cao và bón hàm lượng đạm lớn thì cây bông sinh trưởng mạnh cho năng suất thấp (Bridge R. R. và cs., 1973), (Stedman S. và cs., 1982). Tuy nhiên, khi kết hợp phun PIX thì sẽ kìm hãm sinh trưởng của cây bông và cho năng suất cao hơn so với đối chứng không phun (York A. C., 1983); có thể làm cho quả chín sớm (Reddy, V. R. và cs., 1992). Kết quả nghiên cứu của Williford J. R., (1992) cho thấy, trong điều kiện khoảng cách hàng hẹp, phun PIX đúng lúc sẽ có tác dụng làm giảm sinh trưởng chiều cao cây và làm tăng năng suất bông so với đối chứng không phun.

Việc xử lý hạt trước khi gieo bằng PIX với lượng 500mg/kg có tác dụng thúc đẩy bộ rễ phát triển, đặc biệt tăng khối lượng lá và hàm lượng diệp lục (Xu X., Taylor H. M., 1992). Tất cả các công thức xử lý hạt bằng PIX đã làm giảm chiều cao cây, số lượng lá, số nụ so với không xử lý (Constable G. A., 1994).

Phun PIX với lượng 1lít/ha vào các giai đoạn 55, 70 và 85 ngày sau gieo cho giống Niab-78 có tác dụng làm tăng tỷ lệ xơ, nhưng không ảnh hưởng đến khối lượng quả, năng suất bông hạt, chỉ số hạt và chất lượng bông xơ (Malik M. N. A. và cs., 1990). Nghiên cứu của Cano R. P., Prado M. R., (1983) cho thấy, phun PIX không ảnh hưởng xấu đến năng suất, khối lượng quả, số đốt và tỷ lệ xơ. Phun PIX với lượng 1 lít/ha vào thời kỳ nở hoa là phù hợp nhất. Phun trước thời kỳ nở hoa làm giảm chiều cao cây, số đốt, số cành quả so với không phun. Phun PIX làm tăng năng suất bông xơ, tăng số quả/ cành đực (Edmisten K. L. và cs., 1998). Sawan Z. M., Sakr R. A., (1990) cho rằng, PIX làm tăng khối lượng quả, chỉ số xơ, năng suất bông hạt và năng suất bông xơ. PIX còn làm tăng hàm lượng nitrat trong cuống lá so với đối chứng không phun (Boman R.K., Westerman R.L., 1994), (Mannikar N. D., Pundarikakshudu R., 1990), (The University of Georgia, 1997). Kết quả nghiên cứu của Crozat Y., (1995) trên giống SSR60 với mật độ 1,2-3,6 cây/m2

tại tỉnh Lopburi (Thái Lan) cho thấy, phun PIX 3 lần, định kỳ 7 ngày phun 1 lần, lần đầu vào thời kỳ 56 ngày sau gieo đã làm giảm chiều cao cây trung bình 27 cm so với đối chứng không phun, khối lượng quả và hệ số kinh tế cao hơn đối chứng, tuy nhiên sự sai khác về năng suất không có ý nghĩa so sánh.

Tại Việt Nam, trong điều kiện mưa nhiều, cây sinh trưởng rậm rạp, phun PIX nồng độ 50mg/l với lượng 1,2 lít/ha vào giai đoạn 65 ngày tuổi đã làm giảm sinh trưởng chiều cao cây cũng như chiều dài cành quả và cho bội thu năng suất 4,6 tạ/ha, tương ứng 30,26% (Vũ Xuân Long, 1999).

Phun PIX cho giống bông lai VN20 với liều lượng 50 và 70ml/ha vào hai thời kỳ 50 và 70 ngày sau gieo có tác dụng điều tiết sinh trưởng phát triển cây bông, tăng khối lượng quả, khối lượng hạt, năng suất bông và không ảnh hưởng đến chất lượng xơ bông (Trần Thanh Hùng, Lê Thị Thanh Phương, 2001).

Theo Nguyễn Văn Tạm (2001), việc phun PIX cho cây bông đã làm giảm chiều cao cây, chiều dài cành quả và cành đực. Trên giống VN15 với mật độ 5 vạn cây/ha, phun PIX (40%) 3 lần với liều lượng 35, 70 và 105ml/ha tương ứng vào các giai đoạn 45, 60 và 75 ngày sau gieo cho bội thu năng suất 24,41% so với đối chứng.

Tóm lại xử lý PIX không ảnh hưởng xấu đến năng suất và chất lượng bông. PIX có tác dụng kìm hãm sinh trưởng quá mức của cây bông, làm giảm chiều cao cây, chiều dài cành quả, cành đực, từ đó chúng ta có thể trồng dày để tăng năng suất bông. Tùy từng giống mà có phản ứng khác nhau với PIX. Do vậy, muốn mang lại hiệu quả kinh tế cao thì việc xác định liều lượng và thời kỳ phun cho từng giống là rất cần thiết.

1.5.4.2 Nghiên cứu về một số chất điều hòa sinh trưởng khác

Chlor Cholin Chlorid (CCC) là chất đối kháng với gibberellin vì nó kìm hãm sự tổng hợp gibberellin trong cây. Ngoài các tác dụng như làm thấp cây, chống lốp đổ, nó còn làm tăng sự hình thành diệp lục, xúc tiến sự ra hoa (Nguyễn Quang Thạch và cs., 2000). Hiện nay, CCC đang được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, với mục đích làm thấp cây, cứng cây, chống lốp đổ và tăng năng suất cho các cây ngũ cốc, cây cảnh và tạo hình cây cảnh (Hoàng Minh Tấn, Nguyễn Quang Thạch, 1993). CCC có tác dụng làm giảm chiều cao cây bông (De Silva W. H., 1971), (Jones M. A., Wells R., 1997), (Thomas R.O., 1964), (Thomas R.O., 1972), (USDA, 2008), nhưng lại làm tăng hàm lượng diệp lục trong lá, còn gibberellin thì có tác dụng ngược lại, tăng chiều cao cây nhưng làm giảm hàm lượng diệp lục trong lá (Kapgate H. G. và cs., 1989).

Những nghiên cứu trên giống bông AC-134 tại Pakistan cho thấy, xử lý hạt giống trước khi gieo bằng CCC có tác dụng làm cho thân và lóng ngắn lại, diện tích lá nhỏ hơn, nhưng số lá nhiều hơn và khối lượng chất khô tăng ở tất cả các bộ phận của cây. Các công thức xử lý CCC 1000 và 1500ppm cho số quả/cây và năng suất bông hạt cao hơn đối chứng có ý nghĩa; còn xử lý với nồng độ 2000ppm cho năng suất thấp hơn (Ahmad M. I., Baig N. A., 1974).

Theo Quách Trạch Vinh, ở ruộng bông bốc lá sau khi phun CCC 50ppm ở giai đoạn 21 ngày, chiều cao cây bông chỉ bằng 37,4% so với không phun CCC (dẫn theo Lý Văn Bính, Phan Đại Lục, 1991). Kết quả nghiên cứu tại Ấn Độ từ năm 1980-1984 cho thấy, phun CCC cho cây bông vào thời kỳ 96 ngày sau gieo (thời kỳ nở hoa) làm giảm chiều cao cây trung bình 32-40cm so với đối chứng. Mật độ cao kết hợp với phun chất điều hòa sinh trưởng CCC cho năng suất bông hạt cao hơn mật độ bình thường (Seshadri V., 1989). Bông trồng với mật độ càng dày (4 và 8 vạn cây/ha) thì phun CCC càng có hiệu quả, làm tăng số quả/m2

cũng như năng suất bông hạt. Mật độ trồng càng thưa (1 và 2 vạn cây/ha) thì việc phun CCC không những không có hiệu quả mà đôi khi còn làm giảm năng suất bông. Việc phun CCC có ảnh hưởng không đáng kể đến các chỉ tiêu phẩm chất xơ (Nguyễn Hữu Bình và cs., 1996).

Phun CCC ở nồng độ 40ppm với lượng nước 800 lít/ha cho các giống bông có dạng hình rậm rạp, hay sinh trưởng sinh dưỡng quá mạnh và kéo dài có tác dụng làm tăng năng suất. Những giống sinh trưởng cân đối hoặc sinh trưởng sinh dưỡng kém thì không phản ứng với CCC (Bhatt J. G., 1975). Khi phun CCC, chỉ số diện tích lá tăng 2,00-2,11; số quả/m2

tăng hơn đối chứng 17%, khối lượng quả tăng 0,19g và năng suất bông hạt tăng 16,9% so với đối chưng không phun (Ahmad M. I., Baig N. A., 1974).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật đến các chỉ tiêu sinh lý và nông sinh học của cây bông trồng tại duyên hải nam trung bộ (Trang 45 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(192 trang)