GIAO TIẾP là một phần của quá trình học hỏi - về người khác, về thế giới bạn
đang sống và về bản thân bạn. Trong giao tiếp với người khác (giao tiếp giữa các cá nhân), tài sản quý giá nhất của bạn là sự linh hoạt. Trong giao tiếp với chính mình (giao tiếp nội tâm), điều tiên quyết bạn cần là sự sẵn sàng khám phá: máu phiêu lưu, trí tò mò và thả cho trí tưởng tượng dẫn dắt mình.
Bạn cần lắng nghe bản thân mình: Bạn đang nói gì - bạn thường nói đi nói lại điều gì với mình - mà không ý thức là mình đang làm điều đó? Có phải bạn thường nói những câu như “Mình không thể làm được việc này, mình sẽ biến thành trò cười, mình không đủ thông minh, mình quá già,” hoặc “Mình thật vô vị: không ai muốn nói chuyện với mình cả”? Bạn có tự đầu độc chính mình không? Hay ngược lại, bạn có tự động viên mình rằng bạn có thể thành công bất chấp mọi khó khăn, rằng bạn có khả năng, và bạn sẽ chiến thắng?
Nói sao cũng rất dễ. Nhưng làm cách nào bạn khiến mình tin vào điều đó?
Bạn bắt đầu bằng việc nhận ra mình có những nguồn lực mà bạn chưa hề biết trân trọng. Thậm chí bạn còn không biết mình đang sở hữu chúng.
Bây giờ bạn sẽ bắt đầu quá trình thám hiểm, với bản đồ kho báu trong tay, bạn đi lần theo những con đường dẫn đến thành quả và năng lực, những việc bạn làm mà không cần phải suy nghĩ về chúng, những kho tàng quý giá bạn gói ghém quá lâu đến mức quên bẵng chúng (hoặc chưa từng biết đến) rằng chúng vẫn ở đó.
Bạn có còn nhớ trò chơi đi tìm kho báu khi còn bé không? Đó là trò chơi cướp biển bạn thường tham gia trong các bữa tiệc sinh nhật hoặc với một đứa bạn đồng trang lứa, thám hiểm bãi biển hoặc hang động hoặc con đường mòn xuyên rừng. Có thể bạn đi tìm kho báu trong một căn gác xép của ai đó hoặc tìm những món quà được người lớn giấu kỹ rồi mách nước rằng bạn đang đi “đúng hướng” hoặc “sai hướng”.
Hành trình đi tìm kho báu bí mật là một phần trong cuộc đời của hầu hết mọi người, nếu không phải trong ký ức thì cũng trong trí tưởng tượng. Đó là một trong những câu chuyện cổ xưa nhất - tìm kiếm phần thưởng, kho vàng chôn dưới lòng đất hoặc một vương quốc bị lãng quên - nó còn là chủ đề quen thuộc trong những câu chuyện thần tiên
và truyền thuyết, bởi nó phản ánh nỗi khát khao chinh phục mà ai cũng hiểu. Dù kho tàng ấy mang lại điều gì cho mỗi chúng ta - trở nên xinh đẹp, tìm được tình yêu, tìm ra kho báu khiến ta trở nên giàu có - thì vẻ mầu nhiệm của câu chuyện nằm ở chỗ những ước mơ xa vời bạn không dám mơ, một ngày kia bỗng thành hiện thực.
Phần còn lại của câu chuyện là những kho tàng ấy bị chôn giấu. Bạn tìm ra một thứ mà trước giờ nó vẫn ở đó, chỉ có điều bạn không để ý tới hoặc không biết phải tìm nó ở đâu. Thậm chí bạn không ngờ rằng ở đâu đó tồn tại một kho tàng đang đợi bạn khai phá.
Trong lĩnh vực tâm lý con người, kho báu chính là những nguồn lực ẩn chứa bên trong chúng ta và nguồn lực đó, một khi được khai phá và đưa vào sử dụng, sẽ cho phép chúng ta đạt được bất cứ điều gì chúng ta mong đợi hoặc dự định thực hiện.
Nói cách khác, bạn đã có tất cả những gì cần thiết để làm những gì bạn muốn, để lựa chọn và quyết định thay đổi theo hướng giúp bạn cầm lái cuộc đời mình và đi đến bất cứ nơi đâu theo ý bạn. Cái bạn có là những nguồn lực phong phú/cả một rương đầy ắp ngọc ngà châu báu, một kho tàng chứa vô số những khả năng chưa được phát hiện, sức mạnh tiềm ẩn và nguồn nội lực chưa được biết đến. Một giả định khác của Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy là:
BẠN CÓ TẤT CẢ NHỮNG NGUỒN LỰC BẠN CẦN ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC BẤT CỨ ĐIỀUGÌ BẠN MUỐN. GÌ BẠN MUỐN.
“Tốt lắm”, bạn nói, “nhưng làm sao tôi lại không biết gì về điều đó? Tại sao tôi vẫn không thể đạt những gì mình muốn? Tại sao tôi không thể tìm ra những nguồn lực này để tự giúp mình?”
Có một số lý do thường gặp ở hầu hết những người chưa tận dụng được những nguồn lực sẵn có của mình. Thứ nhất, bạn chưa xác định được chúng; thứ hai, bạn không biết cách tiếp cận chúng và thứ ba, ngay cả khi bạn có thể tiếp cận đi nữa, thì việc đó có thể diễn ra không đúng thời điểm hoặc hoàn cảnh, không đúng lúc và không đúng đối tượng mà bạn mong muốn.
Được rồi, chúng ta hãy bắt đầu quá trình khám phá bằng cách đặt câu hỏi: Nguồn lực là gì?
Nguồn lực của chúng ta, loài người hoặc cá nhân, gần giống với những nguồn tài nguyên thiên nhiên trên hành tinh này. Hàng trăm hoặc hàng ngàn năm trước, hành tinh của chúng ta chứa đầy uranium, vàng, bạc, dầu, thiếc, đồng, platinum, hồng ngọc, ngọc lục bảo như hiện nay. Thực tế còn nhiều, nhiều hơn nữa. Nhưng ai biết đến điều đó? Ai biết rằng cái chất lỏng sền sệt màu đen lại có ích đến thế, rằng nó là nguồn nhiên liệu để chạy máy móc và giữ ấm cho con người? Ai có thể ngờ Nam Phi giàu có đến không tưởng
trước khi mỏ kim cương Kimberley được phát hiện vào năm 1871?
Trước khi chúng ta quan niệm dầu mỏ, hoặc than đá, hoặc kim cương là nguồn tài nguyên thì chúng không hiện diện trên trái đất đối với chúng ta. Chúng ta không hề biết mình sở hữu chúng. Ngay cả khi con người đã nhận thức về sự tồn tại của chúng, biết đến công dụng của chúng thì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tiếp cận được những nguồn tài nguyên ấy. Chúng ta không có kỹ thuật khoan dầu từ thềm lục địa, hoặc trích vàng từ đá. Nguồn tài nguyên sẵn đó, chúng ta biết điều đó, nhưng không biết làm sao lấy được nó.
Thậm chí ngày nay, khi con người có rất nhiều phương tiện tiếp cận rất nhiều nguồn tài nguyên trong lòng đất, chúng ta vẫn thường bỏ quên một vài nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng nhất. Chúng ta mặc sức sử dụng chúng cho đến khi chúng trở nên ô nhiễm.
Không ai xem không khí là một nguồn tài nguyên cho đến khi không khí trong lành bị cạn kiệt do tác hại của khói từ nhà xưởng trung tâm công nghiệp và xe hơi, thêm rác thải cùng tất cả những thứ khác bủa vây khu đô thị.
Và nguồn nước - ở cái thời của Huck Finn và Tom Sawyer, ai có thể tưởng tượng được rằng, chẳng bao lâu nữa con người sẽ phải bỏ tiền ra mua nước đóng trong chai thủy tinh hoặc chai nhựa, bởi nước chảy ra từ vòi có thể gây ung thư hoặc các căn bệnh khác?
Không khí để ta thở còn nước để ta uống: Bởi những nguồn tài nguyên này quá sẵn có nên chúng ta chẳng buồn quan tâm đến giá trị của chúng. Và những gì xảy ra với trái đất cũng tương tự như với con người. Nhiều nguồn lực quan trọng nhất của chúng ta lại là những thứ chúng ta thấy quá hiển nhiên.
Một trong những nguồn lực quan trọng nhất mà chúng ta có chính là khả năng hình dung trong đầu. Một khả năng khác là độc thoại nội tâm. Những nguồn lực này giúp chúng ta có thể ghi nhớ, vượt thời gian và biết tưởng tượng.
Chúng ta dựng lên những hình ảnh trong đầu, chúng ta nói chuyện với chính mình. Đây là những nguồn lực cơ bản nhất, quá cơ bản và quá cần thiết đối với việc ý thức chúng ta là ai, đến nỗi chúng ta không bao giờ nghĩ về nó - giống như ngày và đêm trên trái đất, hoặc nguồn nước và đất đai. Một nguồn lực quan trọng khác của chúng ta là khả năng cảm thụ, cảm nhận về mọi việc: cân nặng, kích cỡ, kết cấu, nhiệt độ và cảm giác vận động.
Nhìn, nghe, cảm nhận - những nguồn lực này tương tự như các thành tố của trái đất, kết hợp lại để tạo ra vạn vật. Những nguồn lực căn cơ của chúng ta cho phép chúng ta vượt thời gian và không gian để tạo ra những thứ chưa từng tồn tại trước đây, để nhìn bằng cặp mắt nội tâm và nghe bằng đôi tai nội tại.
ảnh, dấu hiệu, lời nói, âm thanh và cảm xúc. Chúng ta có thể tùy nghi sử dụng những nguồn lực này và hiệu chỉnh chúng, làm cho chúng to hơn, hoặc rõ hơn, hoặc mạnh hơn, hoặc xa hơn. Với một vài thay đổi nho nhỏ, chúng ta có thể tác động mạnh đến cách chúng ta nhìn nhận sự việc và ý nghĩa của chúng đối với chúng ta. Chúng ta chọn ra một ký ức buồn và chỉnh cho hình ảnh sáng lên, phóng to ra, lồng thêm một bản nhạc du dương, thêm vào một chút ấm áp, dịu dàng và biến nó thành một thứ không còn khiến chúng ta nặng lòng nữa. Một ký ức vẫn khiến chúng ta nản lòng lại trở thành nguồn động lực khích lệ chúng ta đến tương lai. Chúng ta biến cái tiêu cực thành tích cực, từ đi giật lùi thành tiến về phía trước. Thật mầu nhiệm!
Chúng ta làm được điều đó nhờ học cách điều chỉnh hệ thống biểu hiện bên trong chúng ta. Bạn có thể thay đổi cách bạn nhìn nhận mọi việc đơn giản như chỉnh âm lượng tivi vậy.
CHƯƠNG 13