Ngôn ngữ giác quan
CHÚNG TA ĐỀU BIẾT ngôn ngữ cơ thể rất quan trọng trong giao tiếp. Như đã
thảo luận trong Chương 4, việc quan sát cử chỉ, sắc thái trong quá trình nói chuyện cực kỳ có ý nghĩa. Bạn có thể hiểu nhiều điều trong mối tương tác xã hội mà không nhất thiết phải biết ngôn ngữ người ta đang dùng.
Đó là trên phương diện chung. Trong một bộ phim nước ngoài, chúng ta có thể đoán được tâm trạng nhân vật, dù trong khung cảnh bạo lực hay lãng mạn, mơ mộng bay bổng hay thực tế. Nhưng để biết chính xác và hiểu được một cách rõ ràng cụ thể, chúng ta cần đến ngôn từ. Từ ngữ, suy cho cùng, là yếu tố quan trọng để truyền đạt ý nghĩa. Và loại từ ngữ chúng ta dùng đóng vai trò đáng kể trong việc giao tiếp hiệu quả.
Chúng ta hãy quay lại câu chuyện của Bill và Susan một chút. Họ đang ở trong bếp, Susan trách móc Bill vì anh không thật sự quan tâm đến cảm xúc của cô, còn Bill thì cho rằng Susan không bao giờ thèm nghe anh nói.
“Anh bình tĩnh đi,” cô nói. “Đừng tự thương xót bản thân nữa.”
“Anh đấy à?” Bill đáp. “Anh mà lại thương xót bản thân mình ư? Anh có nghe nhầm không?” Bill xoay người nhìn quanh bếp với vẻ cường điệu. “Những gì em nói thế nào cũng dội lại đây. Em tự lắng nghe em đi.”
“Em đâu có khởi xướng chuyện này, anh biết vậy mà.”
“Chính em là người chuyện bé xé to rồi tự nhiên sướt mướt, vô lý.” “Em không có vô lý!” cô hét vào mặt anh.
Nghe thì có vẻ hài hước đấy, nhưng đa số chúng ta đều đã từng trải qua tình huống tương tự này và chẳng thấy vui chút nào. Mỗi chúng ta đều có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác không hiểu mình, nhưng lại không cân nhắc về cách người đó tiếp nhận thông điệp của chúng ta. Chúng ta đơn giản phớt lờ phản ứng mà mình nhận được. Chúng ta khăng khăng làm theo kịch bản của mình, tuân thủ kế hoạch của mình và cứ lặp đi lặp lại một việc mà không quan tâm đến những tác động của nó. Giống như một người mải cao
giọng nói với một người khác bằng thứ ngôn ngữ mà người kia không hiểu, chúng ta vẫn tiếp tục dùng những từ ngữ đó, mỗi lúc nói một to hơn, như thể bạn mong rằng việc làm đi làm lại cùng một việc, bằng một cách nào đó (như có phép mầu!), sẽ cho ra kết quả khác hẳn.
Bạn sẽ không tiếp tục lên giọng nếu người kia không biết tiếng Việt. Thay vào đó, bạn có thể tìm một ngôn ngữ chung, hoặc thể hiện điều bạn muốn nói bằng ngôn ngữ cơ thể. Hoặc bạn có thể tìm thông dịch viên.
Nhưng khi cả hai cùng nói tiếng Việt, bạn nói, “Anh yêu em,” và nhận được câu trả lời, “À, vâng, em cũng yêu anh,” thì bạn biết có điều gì đó không ổn trong quá trình giao tiếp. Cứ như thể - ít nhất là ngay tại thời điểm ấy - mỗi người dùng một loại ngôn ngữ riêng. Để người khác hiểu được ý định đằng sau thông điệp, bạn cần phiên dịch nó hoặc tìm một ngôn ngữ chung.
Bất kể bạn đang ở đâu, trong phòng khám bác sĩ, cố gắng dàn xếp một khoản vay ở ngân hàng, nói chuyện với khách hàng mới hoặc cha mẹ vợ/chồng tương lai - quan sát kỹ lưỡng hành vi của người đối diện sẽ giúp bạn đoán xem thông điệp của mình có đến được người nghe hay không và bằng cách nào. Nhưng để biết loại ngôn ngữ giác quan mà người kia quen thuộc nhất, bạn cần chú ý đến loại từ ngữ mà người ấy đang dùng.
Loại từ ngữ mà một người dùng sẽ nói cho bạn biết người ấy nhận thức về thế giới như thế nào. Anh ấy hoặc cô ấy nhìn thấy hình ảnh, lắng nghe âm thanh hoặc ngôn từ hay cảm nhận mọi thứ xung quanh? Người ấy tiếp nhận một trải nghiệm như thế nào? Suy nghĩ được truyền qua những bộ lọc giác quan chính nào? Trong số ba bộ lọc chính - thị giác (mắt), thính giác (tai) và cảm giác (cảm nhận/vận động) - người đó chủ yếu dựa vào bộ lọc nào?
Giả sử tôi đang xin vay tiền ngân hàng để mở rộng kinh doanh. Bởi vì tôi chủ yếu dùng thị giác, tôi có thể nhìn thấy kết quả kinh doanh mong đợi của mình bằng đôi mắt của tâm trí. Mục tiêu của tôi rõ như ban ngày - đối với tôi là như thế.
Tuy nhiên, vị quản lý ngân hàng có thể không thuộc tuýp người dùng thị giác. Nếu ông ấy thiên về thính giác, ông ấy sẽ đồng cảm với tôi hơn nếu tôi biết cách dùng từ ngữ sao cho ông nghe được.
Hoặc, trong trường hợp ông ấy dùng đến cảm giác, tôi có thể thu hút sự quan tâm của ông ấy bằng cách gợi ý rằng việc mở rộng kinh doanh lần này có thể là một cơ hội làm ăn có một không hai và thuyết phục ông ấy rằng mình có linh cảm rất tốt về dự án này.
Điều mà tôi làm ở đây là sử dụng cùng một ngôn ngữ với người đối diện - vẫn đảm bảo nội dung và câu chuyện của mình, chỉ thay đổi ngôn ngữ.
Ở đầu chương, chúng ta biết Bill và Susan đang cãi nhau, mỗi người khăng khăng sử dụng hệ thống biểu hiện của riêng mình, nói bằng ngôn ngữ giác quan riêng biệt.
Bill thì khăng khăng rằng mình đã nói câu “Anh yêu em.”
Susan thì lý luận rằng mình không cảm nhận được sự quan tâm của anh. Cô nói rằng chân cô đau nhức, cô lăn lộn trong bếp suốt cả ngày, không khí ở đó đặc quánh như mật, và tất cả những gì Bill nghĩ chỉ là cảm giác hài lòng với bản thân anh ấy.
Susan đang dùng ngôn ngữ cảm giác. Trong khi ấy Bill, người nhất quyết rằng Susan không nghe anh nói, ràng cô bị điếc hay đại loại thế, lại dùng ngôn ngữ thính giác. Nếu cứ tiếp tục như vậy, họ sẽ gặp tai họa trong giao tiếp.
Susan: Em có cảm giác như mình đã đứng thái hành cả thập kỷ rồi. Trời thì nóng
bức, đầu em nhức như búa bổ, không sao thở nổi - vậy mà anh chẳng quan tâm gì đến em, anh hoàn toàn không biết gì cả.
Bill: Được rồi, nếu em cứ bịt tai mình lại và không thèm nghe những lời anh nói thì
tốt thôi. Anh đã nói là anh yêu em. Anh đang nói, anh đang đứng đây, anh đang cố gắng nói chuyện với em, còn em thì cứ làm như thể anh đang nói chuyện với chính mình.
Susan: Đó là cảm giác của em. Anh chỉ biết nói “anh, anh, anh.” Anh chỉ biết đến
cảm xúc của mình thôi - anh chẳng hề biết điều gì đang xảy ra với em hết.
Bill: Bởi vì em điếc. Em không thèm nghe những lời anh nói với em. Em gạt anh
sang một bên.
Bây giờ, chúng ta hãy giả sử rằng Bill đã đọc chương sách này và học về việc hướng về người khác và những ngôn ngữ giác quan.
Bill: Anh rất tiếc là em đang cảm thấy tồi tệ. Anh biết thật là phiền toái khi phải nấu
cơm đãi bạn anh tối nay, nhất là giữa cái nóng thế này. Chắc em rất mệt rồi - hay để anh thái nốt mấy củ hành rồi anh sẽ giở ngón nghề số một của mình để mát-xa cổ cho em nhé? Anh thật sự muốn làm em cảm thấy dễ chịu hơn.
Susan: (dịu xuống một chút): Thật hả anh? Có thể em hơi cáu gắt một chút. Tại trời
nóng nực quá, anh biết đấy, còn mớ hành quái quỷ này làm mắt em cay xè.
Bill: Anh hiểu cảm giác của em, vừa nóng nực vừa bực mình. Mọi thứ khiến em quay
cuồng. Em cần cảm thấy tốt hơn.
Bill: Hay ta làm cái gì khác nhé? Anh có thể bế em lên. Dìu em một điệu Waltz ra khỏi nơi này.
Susan: (gật đầu): Tại sao lại không nhỉ? - có điều anh chưa từng học nhảy Waltz
mà.
Bill: Vậy mình nhảy điệu simmi đi. (Susan cười.) Em biết tình cảm của anh đối với
em như thế nào mà, em yêu. Anh đã cảm thấy như vậy ngay từ giây phút đầu tiên em bước vào cuộc đời anh.
Susan: Em nhảy vào cuộc đời anh thì đúng hơn. Anh nhớ không? Em suýt nữa xô
anh ngã vào cái ngày chúng ta gặp nhau.
Bill: Mọi thứ vẫn như xưa. Em à, anh yêu em. (Họ hôn nhau. Bill đã thành công
trong việc chuyển tải thông điệp của mình.)
Ta hãy cùng xem một tình huống khác. Vị quản lý của một công ty chuyên sản xuất phần cứng máy tính đang cố gắng thuyết phục chủ tịch công ty rằng việc bành trướng kinh doanh và mở thêm chi nhánh ở thành phố khác là một ý hay.
Quản lý: Fred, ông xem. Công việc kinh doanh đang ngày một khởi sắc.
Chủ tịch: Phải, đúng là thế. Tôi cũng nghe vậy. Nhưng theo báo cáo quý thì cũng
không đáng để ca ngợi gì.
Quản lý: Tôi muốn nói đến bức tranh toàn cảnh. Tôi có thể nhìn thấy thời cơ của
chúng ta đang đến rất gần. Đã đến lúc bành trướng rồi. Rõ ràng đây là thời điểm thích hợp để tiến đến chân trời mới.
Chủ tịch: Tôi không biết, nhưng nghe ra quá mạo hiểm ở thời điểm này. Có nhiều
trở ngại quá. Doanh thu đang đi xuống và tôi không nghe thấy tin gì chứng tỏ nền kinh tế được cải thiện cả.
Lời đề nghị dường như đi vào ngõ cụt. Nhưng nếu vị quản lý bắt được những tín hiệu thính giác từ lời đối thoại của chủ tịch, ông có thể thay đổi kết quả:
Quản lý: Được rồi, Fred! Tôi nghe ông nói mà. Và tôi biết là có những người thích
nói về chuyện làm ăn cẩn trọng, chờ đợi thay đổi. Nhưng hãy nghe tôi, ông chẳng thể nào nhận được lời tán dương mà ông đáng được nhận vì đã gây dựng nên công ty này, trừ phi
ông bắt tay vào một cuộc đầu tư lớn hơn. Ông cần lên tiếng, khẳng định tiếng nói của mình và biến mọi thứ thành có thể.
Chủ tịch: Ông biết không, tôi bắt đầu thích nghe chuyện này rồi đấy.
BÀI TẬP NGÔN NGỮ GIÁC QUAN
1. Chọn một người mà bạn thường xuyên giao tiếp, một người bạn muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp của mình với họ.
2. Lắng nghe người đó nói trong vài phút. Xác định loại ngôn ngữ người này thường dùng nhất.
3. Dùng loại ngôn ngữ khác. Chú ý phản ứng bạn nhận được.
4. Sử dụng loại ngôn ngữ giống người ấy. Chú ý phản ứng bạn nhận được.
BÀI TẬP TỰ THỰC HÀNH NGÔN NGỮ GIÁC QUAN
1. Chú ý đến loại ngôn ngữ mà bạn thường dùng nhất. 2. Chú ý xem loại ngôn ngữ nào xa lạ với bạn nhất.
3. Dành ra mười phút để sử dụng ngôn ngữ ấy. Bạn nhận ra điều gì trong việc sử dụng một bộ lọc khác?
CHƯƠNG 7