2. BIỂU ĐỒ
2.4.3. Xây dựng bài tập tình huống dạy câu ghép cho HS lớp 5 thông
qua giờ học các tiết dạy thể loại văn miêu tả
Qua các giờ Tập làm văn, GV có điều kiện tiếp xúc với những bài viết của từng HS (chấm bài, nghe HS trình bày miệng), nắm được những ưu, khuyết điểm của từng HS để có biện pháp sửa chửa kịp thời, phù hợp với từng đối tượng. Thực tế giảng dạy cho thấy, khi thực hành viết hoặc trình bày miệng các ý của bài văn (đoạn văn), rất ít HS biết sử dụng câu ghép, các em thường sử dụng những câu đơn làm cho bài văn (đoạn văn) như là một bài liệt kê các ý . Vì vậy, bài văn (đoạn văn) trở nên rời rạc, không liền mạch, không lôi cuốn, hấp dẫn người đọc (người nghe).
Khi dạy Tập làm văn, GV phải cho HS thấy được sự cần thiết về việc có mặt của câu ghép trong đoạn văn để nối các câu đơn thành những câu mang ý trọn vẹn hơn. Khi viết văn HS cần phải cân nhắc lựa chọn câu ghép đúng mục đích để làm nổi bật được ý của bài, hoặc khi trình bày miệng, HS cũng cần sử dụng câu ghép để phần trình bày của mình được chặt chẽ và lôi cuốn hơn.
Hiện nay, trong chương trình lớp 5 HS được ôn lại các thể loại văn miêu tả của lớp 4 như: tả đồ vật, tả con vật, tả cây cối. Ngoài ra các em được học thêm thể loại văn tả người. Thông qua việc luyện viết văn giúp HS hiểu biết thêm về cách sử dụng câu ghép và sử dụng câu ghép đúng mục đích giao tiếp.
VD: Trong đoạn văn tả bạn mình, một HS đã viết: “Bạn Lan rất xinh đẹp. Bạn có dáng người mảnh mai. Lan có khuôn mặt trái xoan. Lan có đôi mắt to tròn. Bạn Lan học rất giỏi.”
Trong những đoạn văn tương tự như trên, GV cần hướng dẫn HS sử dụng câu ghép để đoạn văn được trôi chảy hơn. Đoạn văn trên có thể được viết lại như thế này: “Bạn Lan rất xinh đẹp. Lan có dáng người mảnh mai, khuôn mặt trái xoan và đôi mắt to tròn đen láy. Chẳng những Lan dễ thương mà bạn còn học rất giỏi.”
Sau khi đã sửa đoạn văn, GV phân tích để HS thấy được cái hay của đoạn văn mới, từ đó HS biết sự cần thiết phải sử dụng câu ghép khi viết văn.