2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ KỲ VỌNG LẠM PHÁT VÀ CHÍNH
2.3.1. Nhân tố tác động
Ranyard và đồng sự (2008) đã nêu ra tiến trình kỳ vọng được thiết lập thông qua sơ đồ bên dưới, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ giữa kỳ vọng và nhận thức về lạm phát. Cụ thể, sự thay đổi giá cả của nền kinh tế góp phần làm gia tăng nhận thức về lạm phát một cách trực tiếp thông qua sự thay đổi giá cả trong quá khứ hoặc gián tiếp thông qua sự phóng đại xã hội liên quan đến các kênh truyền thông đại chúng và truyền miệng. Nhận thức về lạm phát còn chịu tác động của thu nhập cá nhân; giá trị và mức độ biến động tương đối của thu nhập cá nhân so với mức thay đổi giá cả – hay sức mua – sẽ quyết định tác động thực sự của biến động lạm phát lên cảm nhận của chủ thể.
Nhận thức về sự thay đổi giá cả, dự báo của các nhà kinh tế và các phóng đại xã hội tiếp tục tác động lên kỳ vọng của cá nhân về mức giá trong tương lai. Lạm phát quá khứ được giả định là có xu hướng lập lại ở hầu hết các cá nhân. Tuy nhiên, cách thức mà chúng tác động lên kỳ vọng sẽ không giống nhau bởi vì còn nhiều nhân tố khác làm thiêng lệch nhận thức và kỳ vọng của chủ thể.
Hình 2.3. Tiến trình hình thành kỳ vọng lạm phát
Nguồn: Ranyard và đồng sự (2008), Perceptions and Expectations of Price changes and Inflation: A review and conceptual framework. Figure 1.
Tương tự, Driver và Windram (2007) cũng nghiên cứu về mối quan hệ giữa kỳ vọng và nhận thức về lạm phát dựa trên số liệu khảo sát của NHTW Anh (GfK NOP) từ 1999 – 2007. Kết quả phân tích dữ liệu cho thấy, một sự gia tăng trong mức giá sẽ làm gia tăng lạm phát trong ngắn hạn. Tức thì, nhận thức về lạm phát sẽ gia tăng làm cho khoảng cách giữa kỳ vọng và nhận thực bị phân kỳ. Tuy nhiên, nếu cú sốc về giá này trở nên dai dẳng thì kỳ vọng sẽ tăng lên và hội tụ về nhận thức lạm phát. Trong trường hợp này, nếu chính sách tiền tệ phản ứng hợp lý và hiệu quả trước các cú sốc lạm phát, loại bỏ nhanh chóng các cú sốc này thì việc kéo tỷ lệ lạm phát về mức mục tiêu sẽ trở nên đơn giản, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí.
Một khi lý thuyết kỳ vọng hợp lý bị bác bỏ, cách thức phổ biến thông tin ra công chúng của các cơ quan chức năng trở nên rất quan trọng. Nghiên cứu của Mankiw và Reis (2001) cho rằng thông tin được truyền đạt một cách rất chậm chạp ra công chúng. Hậu
quả là, phản ứng của người ra quyết định bị lệch đi (về thời gian) so với thực tế. Bài nghiên cứu cũng cho thấy, tốc độ mà các phương tiện truyền thông đưa tin đến các chủ thể kinh tế sẽ quyết định đến sự phân tán của kỳ vọng lạm phát. Điều này tương ứng với mức độ phóng đại xã hội mà Ranyard và đồng sự (2008) đã đề cập.
Blanchflower và Kelly (2008) sử dụng số liệu từ việc khảo sát thực tế của NHTW Anh/NOP và GfK tác động của nhân khẩu học đối với việc thiết lập kỳ vọng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quá trình thiết lập kỳ vọng phụ thuộc nhiều vào trình độ học vấn, lứa tuổi, giới tính, thu nhập và vùng địa lý. Trong đó, khả năng dự báo chính xác cao hơn đối với nam giới, người có sở hữu nhà, người có trình độ văn hóa tốt, người giàu và những người sống ở phía Đông Nam nước Anh.
Bên cạnh đó, Galati, Heemeijer và Moessner (2011) đã tổng hợp các nghiên cứu xét đến tác động của tính lạc quan hoặc bi quan quá mức của chủ thể kinh tế đối với độ lệch của kỳ vọng lạm phát trong tương lai. Chủ thể quan tâm đến dòng lợi ích mà họ nhận được trong tương lai, do đó họ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn ở hiện tại nếu họ tin rằng họ sẽ có một kết quả tốt đẹp ở tương lai. Trên cơ sở đó, họ sẽ trở nên quá lạc quan, do đó các dự báo sẽ bị lệch theo hướng quá tin tưởng và ngược lại. Đồng tình với quan điểm trên, Souleles (2004), Mitchell và Weale (2007) tìm thấy bằng chứng dân chúng Anh trở nên quá lạc quan về tương lai khi thu nhập của họ gia tăng và ngược lại. Như vậy, thông qua phân tích có thể thấy có rất nhiều nhân tố tác động đến kỳ vọng lạm phát mà điển hình là: nhận thức về kỳ vọng, mức thu nhập tương đối, mức tín nhiệm đối với NHTW và minh bạch thông tin. Bên cạnh đó, các nhân tố về nhân khẩu học như tuổi tác, giới tính, trình độ văn hóa, nơi cư trú cũng góp phần quan trọng đối với sự hình thành kỳ vọng lạm phát. Đây là các chỉ báo và cơ sở quan trọng để NHTW đưa ra phản ứng trước các cú sốc về kỳ vọng lạm phát.