Thực trạng lạm phát Việt Nam từ đầu những năm 1980 đến nay

Một phần của tài liệu Kỳ vọng lạm phát ứng dụng khảo sát và khuyến nghị kiểm soát kỳ vọng dài hạn ở việt nam (Trang 41 - 43)

3. KIỂM ĐỊNH TẦM QUAN TRỌNG VÀ XÂY DỰNG PHƯƠNG PHÁP

3.1.1.Thực trạng lạm phát Việt Nam từ đầu những năm 1980 đến nay

Lạm phát luôn là vấn đề dai dẳng và gây ra nhiều bất ổn vĩ mô cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên để giữ lạm phát ổn định, vừa phù hợp với mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế đồng thời ổn định vĩ mô thì lại là một câu hỏi khó đã và đang được các nhà làm chính sách tìm câu trả lời.

Việt Nam đã trải qua giai đoạn siêu lạm phát trong nửa cuối những năm 1980 với tỷ lệ lạm phát trên 300%/năm và trên 50%/năm đầu những năm 1990. Lúc này, các chính sách chống lạm phát có ý nghĩa quan trọng chiến lược tại Việt Nam. NHNN đã phải tích cực thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ và giữ cho tỷ giá USD/VND cố định hoàn toàn. Trước những giải pháp hữu hiệu và kịp thời này thì tình hình lạm phát đã được cải thiện đáng kể, xuống gần 10% năm 1995. Đặc biệt từ những năm 1996 – 2003 tỷ lệ lạm phát bình quân được duy trì trong khoảng 3% – 5% mỗi năm, thậm chí giảm phát nhẹ vào năm 2000 với tỷ lệ lạm phát là – 0.5%. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho tình trạng lạm phát thấp trong giai đoạn này nhưng có thể nói nguyên nhân từ cuộc khủng hoảng tiền tệ Châu Á làm cho giá cả thế giới và tổng cầu giảm mạnh được nhiều bài nghiên cứu nhắc đến nhất.

Tuy nhiên, sau giai đoạn ổn định này thì lạm phát có xu hướng gia tăng trở lại và ngày một phức tạp hơn. Khởi đầu là năm 2004 với tỷ lệ lạm phát 9.5%, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu 6% mà chính phủ đặt ra. Và cũng tương tự, mục tiêu chính phủ đề ra cho năm 2005 là kiềm chế lạm phát dưới 6.5% nhưng con số thực tế đã lên tới 8.4%. Lý lẽ của hầu hết các nhà quản lý CSTT Việt Nam trước tình trạng lạm phát cao là do sự biến động của giá cả, đặc biệt là giá dầu tăng và bùng nổ dịch cúm gia cầm. Nhưng quan điểm này lại không được sự đồng thuận của nhiều nhà kinh tế khi họ cho rằng

một số quốc gia khác cũng chịu ảnh hưởng tương tự nhưng lạm phát vẫn được duy trì ở mức thấp. Thay vào đó, họ cho rằng sự trở lại của lạm phát là do sự gia tăng trong cung tiền khi NHNN liên tục bơm tín dụng vào nền kinh tế để đạt được mục tiêu tăng trưởng sau khi nền kinh tế có dấu hiệu giảm phát vào năm 2000. Trước thực trạng này, biện pháp được NHNN đưa ra vẫn là thắt chặt tiền tệ và giữ cho tỷ giá gần như cố định. Nhưng thành công đã không lặp lại vì tỷ lệ lạm phát sau khi giảm nhẹ vào năm 2006 còn 6.6% đã tăng mạnh tới 12.57% năm 2007 và lên tới 19.95% năm 2008. ên cạnh một số lý do cho sự tăng mạnh của tỷ lệ lạm phát như sự tăng giá hàng hóa quốc tế, CSTT lỏng lẻo và thiếu linh hoạt, chính sách quản lý tỷ giá cứng nhắc thì sự kiện Việt Nam gia nhập WTO khiến cho luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào tăng mạnh và để giữ cho tỷ giá ổn định buộc NHNN phải bơm một lượng tiền đồng tương đương 7 tỷ USD vào nền kinh tế là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm tình trạng lạm phát trở nên trầm trọng hơn.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 đã tàn phá nhiều nền kinh tế thế giới, đẩy nhiều quốc gia đến bờ vực suy thoái nhưng nó lại là một liều thuốc góp phần làm giảm lạm phát ở Việt Nam xuống còn 6.88% trong năm 2009. Nhưng nguyên nhân từ bên ngoài này đã không giữ được lạm phát ở mức thấp trong thời gian dài, và tỷ lệ lạm phát trong cả năm 2010 và năm 2011 đều vượt xa mục tiêu đề ra. Việc phá giá VND so với USD trong tháng 8 năm 2010 và những biến động của thị trường vàng cùng với một số nguyên nhân khác đã đẩy tỷ lệ lạm phát lên đến 11.75% sau khi mục tiêu kiềm chế lạm phát đã được nới từ 7% lên 8%. Năm 2011, mục tiêu kiềm chế lạm phát được chính phủ đưa ra là 7%, nhưng mục tiêu này gần như không thể thực hiện được khi lạm phát 5 tháng đầu năm đã lên tới 12.07%. Chính vì thế chính phủ đã nới mục tiêu lên mức 15%, và đồng thời hạ mục tiêu tăng trưởng GDP xuống còn 6% thay vì 7.5% như đã đề ra ban đầu. Tuy nhiên, kết thúc năm 2011 lạm phát đã cán mức 18,13% mặc cho hàng loạt các biện pháp kiềm chế lạm phát được đưa ra. Có thể nói vấn đề của năm 2010 và năm 2011 chính là vấn đề lòng tin: lòng tin vào tiền đồng và lòng tin vào các chính

sách của chính phủ, khi các mục tiêu chính phủ đề ra đã không thực hiện được và các biện pháp kiềm chế lạm phát vẫn chưa phát huy tác dụng.

Hình 3.1. Tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam và một số quốc gia khác giai đoạn 2000 – 2009.

Nguồn: Nguyễn Thị Thu Hằng và Nguyễn Đức Thành (2011).

Một phần của tài liệu Kỳ vọng lạm phát ứng dụng khảo sát và khuyến nghị kiểm soát kỳ vọng dài hạn ở việt nam (Trang 41 - 43)