2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VỀ KỲ VỌNG LẠM PHÁT VÀ CHÍNH
2.3.2.2. Đo lường trên cơ sở thị trường tài chính
Trong một thời gian dài, khảo sát là nguồn thông tin chính để đo lường kỳ vọng lạm phát của khu vực tư nhân, do việc sử dụng các công cụ tài chính đòi hỏi nhiều giả định mới có thể thực hiện được và chính điều này làm cho mức độ chính xác của nó không cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trước sự phát triển mạnh mẽ của các công cụ tài chính phòng ngừa lạm phát (trái phiếu, các sản phẩm phái sinh…) làm cho việc sử dụng nó trở nên phổ biến hơn và TTTC đã trở thành một lĩnh vực quan trọng để đánh giá kỳ vọng lạm phát. Sự phát triển của TTTC làm tăng khả năng tiếp cận đối với giá cả tài sản và các công cụ khác dựa trên việc đo lường và khảo sát các đối tượng tham gia thị trường. Nguồn dữ liệu phong phú trong TTTC có thể cung cấp những quan sát kịp thời về kỳ vọng lạm phát, do thị trường có khả năng xử lý được một số lượng lớn và thường xuyên các thông tin kinh tế. Một ưu điểm nữa của cách đo lường này là ước lượng chệch gần như rất thấp do những người tham gia thị trường thường có được thông tin tốt hơn và phân tích một cách chuẩn xác hơn.
Ở các TTTC phát triển, sự tồn tại các loại công cụ tài chính phòng ngừa lạm phát đã cung cấp một cách đo lường kỳ vọng hiệu quả. Việc đo lường kỳ vọng lạm phát ngắn hạn thường dựa trên những hợp đồng hoán đổi ngắn hạn có phòng ngừa lạm phát, trong khi đó kỳ vọng lạm phát dài hạn thường được đo bằng các loại trái phiếu chính phủ hay các sản phẩm phái sinh dài hạn. Trái phiếu chính phủ dài hạn phòng ngừa lạm phát giúp xác định lạm phát kỳ vọng từ chính giá cả của nó. Việc đo lường lạm phát kỳ vọng dựa trên sự khác biệt giữa tỷ suất trái phiếu phòng ngừa lạm phát với tỷ suất danh nghĩa của trái phiếu, hay còn gọi là tỷ lệ lạm phát ngang giá. Về cơ bản, tỷ lệ lạm phát ngang giá trong các sản phẩm tài chính phòng ngừa lạm phát có thể phân tích thành ba thành phần: (i) lạm phát kỳ vọng trong kỳ hạn còn lại của trái phiếu; (ii) phần bù rủi ro lạm phát và (iii) phần bù thanh khoản. Một vấn đề quan trọng là làm thế nào để tính toán được kỳ vọng lạm phát khi mà nó bị gắn vào tỷ suất sinh lợi của các sản phẩm tài chính này trong khi phần bù rủi ro lại không ổn định theo thời gian. Đây có thể nói là khó khăn lớn nhất trong việc đo lường kỳ vọng dựa trên các công cụ tài chính.
Tóm lại, việc đo lường kỳ vọng sẽ giúp tạo ra một nguồn thông tin hữu ích trong phân tích vĩ mô của NHTW và các nhà nghiên cứu. Lạm phát kỳ vọng không dễ dàng được nhận thấy một cách trực tiếp nhưng do sự tác động đến lạm phát thực tế cũng như vai trò quan trọng của kỳ vọng trong thực thi các chính sách kinh tế của chính phủ mà vấn đề đo lường kỳ vọng lạm phát ngày càng được quan tâm hơn.